Chú ý nguồn thức ăn
Các ngành chức năng TP. Long Xuyên vừa tiến hành tiêu hủy thêm 36 con heo nghi ngờ mắc bệnh dịch tả heo Châu Phi của hộ ông Nguyễn Xuân Trường (khóm Hưng Thạnh, phường Mỹ Thạnh). Đàn heo này bị phát hiện có dấu hiệu bệnh vào sáng 27-5 nên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm TP. Long Xuyên đã chỉ đạo xác minh, tiêu hủy ngay bằng biện pháp chôn lấp.
Sát trùng hố tiêu hủy heo bệnh là yêu cầu bắt buộc
Việc xuất hiện thêm heo bệnh ở khóm Hưng Thạnh là điều dễ hiểu, bởi đàn heo của ông Trường trong phạm vi 1km của vùng ổ dịch đầu tiên. Trước đó, sau khi lấy mẫu xét nghiệm, cho kết quả heo của hộ ông Đinh Thanh Hồng (ngụ cùng khóm Hưng Thạnh) dương tính với bệnh dịch tả heo Châu Phi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã tiến hành phối hợp tiêu hủy đàn heo 27 con vào ngày 21-5. UBND TP. Long Xuyên đã công bố bệnh dịch tả heo Châu Phi và triển khai các biện pháp ứng phó khẩn cấp.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, nguyên nhân khiến đàn heo của ông Đinh Thanh Hồng bị bệnh có thể do ông Hồng sử dụng nguồn thức ăn thừa lấy tại các quán ăn nhưng không xử lý nhiệt (nấu chín lại) trước khi cho heo ăn. Thức ăn thừa cũng là nguồn lây bệnh phổ biến, khiến tình hình bệnh dịch tả heo Châu Phi diễn biến phức tạp. Nhiều tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL đang phát động phong trào “toàn dân tiêu độc khử trùng trong 1 tháng” với các hộ, doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi, đồng thời nói “không” với thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt.
Ứng phó khẩn trương nhưng bình tĩnh
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính đến hết ngày 24-5, bệnh dịch tả heo Châu Phi xuất hiện tại 42 tỉnh, thành phố, với hơn 1,7 triệu con heo bị tiêu hủy (chiếm 5% tổng đàn cả nước). Tại khu vực phía Nam, đã có 8/18 tỉnh, thành phố xuất hiện heo bệnh, riêng ĐBSCL có 6/13 địa phương có ổ dịch (TP. Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp).
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, tuy bệnh lây lan nhanh nhưng công tác phòng, chống dịch bước đầu đã đạt kết quả nhất định khi có 80 xã thuộc 49 huyện của 22 tỉnh, thành phố không phát sinh thêm heo mắc bệnh trong 30 ngày qua. Cả nước đã xây dựng được 740 cơ sở và vùng an toàn dịch bệnh, trong đó vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ (chiếm 65% tổng đàn heo của cả nước) có 459 cơ sở. Điều đáng lo ngại ở ĐBSCL là đang vào mùa mưa, nhiều nơi ngập úng, là kiểu thời tiết bất lợi cho phòng, chống dịch, gây khó khăn khi xử lý heo bệnh bằng phương pháp chôn lấp. Đây là khu vực có kênh, rạch, sông ngòi chằng chịt, việc kiểm soát vận tải đường thủy càng phức tạp.
Tại Hội nghị triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống bệnh dịch tả heo Châu Phi các tỉnh phía Nam diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh ngày 25-5, trước kiến nghị về định mức hỗ trợ người chăn nuôi không quá 38.000 đồng/kg heo hơi là không phù hợp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các tỉnh, thành phố có thể tham mưu, trình thường trực HĐND tỉnh quyết định mức hỗ trợ cụ thể cho người chăn nuôi phù hợp thực tế. Về phía Bộ NN&PTNT, sẽ tham mưu Chính phủ ra cơ chế mới theo hướng cho thực hiện hệ số cộng thêm hoặc đề nghị phân cấp để địa phương tự quyết. Đây là cơ chế mở để các địa phương tăng hỗ trợ người chăn nuôi, tránh tình trạng bán tháo heo bệnh để “vớt vát”, khiến bệnh lây lan phức tạp.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Võ Thị Thanh Vân cho biết, bên cạnh thực hiện khuyến cáo của ngành chức năng về công tác phòng, chống, kiểm soát bệnh dịch tả heo Châu Phi, hộ chăn nuôi, doanh nghiệp cần vệ sinh sát trùng tiêu độc thường kỳ trong trại, các phương tiện, thiết bị mang vào trại; lập hàng rào cơ học ngăn ngừa sự xâm nhập của người lạ, vật truyền bệnh; thay quần áo, giày dép, tắm rửa, sát trùng trước khi ra vào trại. Người chăn nuôi cần tăng cường sức đề kháng cho heo bằng dinh dưỡng an toàn từ các nhà cung cấp có uy tín, thực hiện quy trình an toàn sinh học chặt chẽ ở tất cả các khâu nguyên liệu, sản xuất, lưu kho và vận chuyển. “Người dân cần báo cán bộ thú y và chính quyền khi nghi ngờ heo có triệu chứng bệnh dịch tả heo Châu Phi; xử lý nước bằng Chlorine trước khi cho heo uống, tuyệt đối không sử dụng nước sông dùng cho chăn nuôi” - bà Vân lưu ý.
Ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân, doanh nghiệp không tái đàn vào thời điểm này. Khi nào dịch bệnh được kiểm soát, cơ quan quản lý chuyên ngành sẽ có thông báo tăng đàn trở lại |