Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Dũng (bên trái) kiểm tra sạt lở tại phường Thới An Đông, quận Bình Thủy.
Kiểm tra tại khu vực Bình Dương, khu vực Bình Yên B thuộc phường Long Hòa và khu vực Thới Thuận, phường Trà Nóc (quận Bình Thủy), Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Dũng xác định đây là những khu vực sạt lở nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến giao thông, sinh hoạt và nhà cửa của người dân tại địa phương. Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu chính quyền địa phương, quận Bình Thủy khẩn trương thực hiện hồ sơ, hoàn thành các thủ tục trình thành phố xem xét, hỗ trợ vốn thực hiện những công trình khắc phục sạt lở; địa phương tăng cường các hoạt động gia cố, xây dựng kè sinh học, đóng cừ tràm, dừa bảo vệ bờ sông ở những điểm có nguy cơ sạt lở cao; vận động người dân di dời đến nơi ở an toàn… Chi Cục Thủy lợi TP Cần Thơ khảo sát thực tế và lập danh sách các điểm sạt lở nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở cao trình UBND TP Cần Thơ xem xét để có giải pháp đầu tư khắc phục bằng công trình kiên cố hoặc ứng dụng giải pháp phi công trình. Trong đó, các công trình bức xúc, ảnh hưởng trực tiếp sinh hoạt, giao thông, tài sản của người dân sẽ được ưu tiên thực hiện sớm…
Điểm sạt lở gây gián đoạn giao thông và ảnh hưởng nhà dân tại khu vực Bình Dương, phường Long Hòa.
Từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn quận Bình Thủy xảy ra 4 điểm sạt lở bờ sông, với tổng chiều dài trên 100m, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Quận Bình Thủy hiện có 34 đoạn sạt lở bờ sông, tổng chiều dài gần 2,2km. Trong đó có 9 đoạn sạt lở có quy mô lớn cần sự hỗ trợ đầu tư khắc phục của thành phố; 10 đoạn sạt lở đang trình Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố hỗ trợ kinh phí khắc phục; 7 đoạn sạt lở đang xây dựng kế hoạch khắc phục và 5 đoạn sạt lở đang triển hai kế hoạch khắc phục…