Chính quyền địa phương và những người tự cho là chủ sân nghêu không khỏi lo sợ cảnh xung đột với "nghêu tặc".
Ông Trần Minh Tự (hơn 70 tuổi) lụm cụm lựa những trứng nghêu lẫn trong cát và bùn ở bãi Cái Cùng. Ông bộc bạch: "Thấy người ta đi cào nghêu nên vợ chồng tôi cũng ra cào được mớ này đây. Vợ chồng già, không có gì làm, nghèo quá mới phải mò ra biển kiếm sống. Chúng tôi có cướp của ai đâu mà họ bảo là chúng tôi cướp nghêu của họ".
Người dân khai thác nghêu giống ở vùng bãi bồi Mũi Cà Mau
Một hộ dân khác gần Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) nói bãi bồi ở đây là "của chung", người dân hằng ngày vẫn ra đây mò cua, đặt cá... Nay nhiều người dân khoanh vùng, cất chòi canh giữ, tự cho mình là chủ bãi...
Trước tình hình ngày càng có nhiều người đổ xô về Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau khai thác nghêu giống, vừa qua, chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã có văn bản gửi các sở - ngành chức năng, UBND huyện Ngọc Hiển chỉ đạo tăng cường quản lý; tuyên truyền, vận động người dân không khai thác nghêu giống bằng cơ giới, tránh ảnh hưởng xấu đến môi trường khu vực. Riêng UBND huyện Ngọc Hiển chỉ đạo giám sát, quản lý chặt tình hình an ninh trật tự tại khu vực bãi nghêu, không để xảy ra điểm nóng.
Trong "cuộc chiến" dai dẳng trên bãi nghêu, điều mà lãnh đạo các địa phương day dứt là người dân gánh chịu thiệt thòi. "Vùng ven bờ ở Mũi Cà Mau từ lâu người dân vẫn ra đây mưu sinh. Bảo họ cướp nghêu là không đúng vì đất này chính quyền chưa giao cho ai cả" - ông Lý Hoàng Tiến, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, nói.
Cũng vì lý do này, tỉnh Cà Mau đang tính toán tổ chức lại nuôi trồng thủy sản ven bờ cho phù hợp, để tất cả người dân trong khu vực cùng được hưởng lợi từ bãi nghêu.