NHỮNG NGƯỜI ĐẦY NHIỆT HUYẾT: Lắng nghe, trao đổi để trưởng thành

Thứ tư, 03 Tháng 6 2020 09:31 (GMT+7)
L.T.S: Có gặp những tác giả tham gia cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" do Báo Người Lao Động tổ chức, mới thấy khi đặt bút viết, ai cũng mong ý kiến đầy nhiệt huyết của mình đến được với lãnh đạo để có thể góp phần xây dựng TP HCM ngày càng văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Tác giả Vân Thanh của bài viết "Đừng so đo khi đầu tư cho y tế" - tên thật là Triệu Ngọc Diệp - bác sĩ nội trú năm 3 đang thực hành tại Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM). Với Triệu Ngọc Diệp, chính việc lắng nghe, thẳng thắn trao đổi đã giúp chị trưởng thành hơn
Phóng viên: Điều gì khiến chị mạnh dạn bàn về vấn đề y tế tầm cao - một vấn đề khá nan giải và mang tầm vóc lớn, trong khi chị tự nhận tuổi đời và tuổi nghề chưa nhiều?
 
- BS TRIỆU NGỌC DIỆP: Tôi nghĩ rằng mạnh dạn đóng góp ý kiến của mình là rất cần thiết trong công việc và những mục tiêu chung. Đó là những đóng góp mang tính xây dựng, xuất phát từ thực tế những gì tôi đã trải qua sau những năm học đại học và học bác sĩ (BS) nội trú ở Pháp và Việt Nam. Tôi cũng rất quý những thầy cô, anh chị đồng nghiệp làm công tác quản lý mà chịu khó lắng nghe. Vì vậy, khi đọc Báo Người Lao Động và biết về cuộc thi do báo tổ chức, khi biết được TP HCM muốn lắng nghe người dân hiến kế, tôi đã tham gia ngay.
NHỮNG NGƯỜI ĐẦY NHIỆT HUYẾT: Lắng nghe, trao đổi để trưởng thành - Ảnh 1.
* Chị nhắc nhiều lần đến việc đầu tư y tế tầm cao. Điều này chắc chắn cần "hạt nhân" là con người - chính các BS. Chị đã từng thực hành ở các bệnh viện (BV) công lớn và hẳn đã nếm trải khối lượng công việc khổng lồ của một BV quá tải. Vậy, chị có thấy đó là một rào cản trong việc phát triển y tế chuyên sâu
Như chị nhìn nhận, khó trách người dân khi họ tìm lên tuyến trên một cách không cần thiết, trong khi đó, việc đào tạo BS không thể "chạy đua" theo số lượng. Vậy đâu là giải pháp?
- Qua 1 năm nội trú tại BV Jean Verdier (Pháp), tôi thấy rằng một BV rất cần có những trợ lý y khoa. Hiện nay ở nhiều BV công lập, BS đang phải làm công việc chuyên môn lẫn không chuyên môn, điều đó có thể nói là một sự lãng phí. Vì chi phí cho việc đào tạo, mức lương trả cho một BS... lớn hơn nhiều so với một thư ký y khoa. Thư ký y khoa sẽ có nhiệm vụ như lên lịch tái khám, theo dõi - quản lý hồ sơ... Như vậy, không cần quá nhiều BS mà vẫn giúp giảm tải được công việc, giúp BS tiết kiệm được thời gian, sức lực để chăm sóc chu đáo hơn cho từng bệnh nhân cũng như đầu tư cho các công tác cần thiết khác của một BV tuyến trên.
NHỮNG NGƯỜI ĐẦY NHIỆT HUYẾT: Lắng nghe, trao đổi để trưởng thành - Ảnh 2.
TP HCM ngày càng chú trọng đầu tư cho y tế. Trong ảnh: Máy móc thiết bị phục vụ phẫu thuật ở Viện Tim TP HCM ngày càng hiện đại Ảnh: HOÀNG TRIỀU
* Đọc bài viết của chị, một BS đàn anh - lãnh đạo BV Từ Dũ - đã rất khen ngợi, đồng thời bày tỏ hy vọng thế hệ trẻ như chị - thế hệ kế thừa - sẽ biến suy nghĩ thành hành động. Bản thân chị cũng cho rằng việc đầu tư cho y tế này cần nỗ lực chung, từ các BS điều trị cho đến quản lý nhà nước. Vậy chị đã bắt đầu hành động chưa? Trong tương lai, nếu chị có cơ hội vươn lên những vị thế cao hơn trong nghề nghiệp, như làm công tác quản lý, chị sẽ hành động thế nào?
- Tôi cho rằng đầu tiên cần cố gắng làm tốt công tác chuyên môn, trau dồi thêm kỹ năng. Ví dụ như tôi đang nỗ lực quan tâm đến tâm lý bệnh nhân nhiều hơn và đó cũng là đề tài tốt nghiệp tôi đang theo đuổi. Bản thân tôi từng trải nghiệm sự thay đổi thái độ, bình tĩnh hẳn của bệnh nhân khi họ vào khoa cấp cứu và nhận được ngay một lời trấn an phù hợp.
Sau đó là sự mạnh dạn nêu lên ý kiến về những gì mình cho là chưa tốt, có thể thay đổi để tốt hơn ở ngay tại BV mình đang làm việc. Nếu tương lai, tôi may mắn được làm việc ở một vị trí cao hơn, thì điều đầu tiên tôi sẽ làm là lắng nghe nhiều hơn. Đó là bài học tôi thấy qua những thầy cô trong bộ môn, những BS lãnh đạo ở BV Từ Dũ, BV ĐH Y Dược. Họ luôn luôn lắng nghe và quan sát, từ chuyện dọn dẹp vệ sinh cho tới các công tác chuyên môn, hòa đồng với mọi người... nhờ đó công việc được vận hành tốt hơn. 
 
Để y tế TP HCM phát triển vững chắc, đầu tiên tập trung củng cố hệ thống bác sĩ gia đình. Thứ hai, chia các BV thành nhiều nhóm nhỏ. Thứ ba, liên kết viện - trường. Thứ tư, đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại. Thứ năm là đầu tư yếu tố con người. Thứ sáu, xây dựng cơ chế thông thoáng, phù hợp cho y tế và hướng tới xây dựng hệ thống y tế kỹ thuật cao.
Bác sĩ TRIỆU NGỌC DIỆP
 
Tin hơn vào thế hệ trẻ
BS chuyên khoa II Trần Ngọc Hải, Phó Giám đốc BV Từ Dũ, cho rằng những gì BS Diệp trình bày qua bài viết rất đáng quý và ông hoàn toàn đồng tình quan điểm "đừng so đo khi đầu tư cho y tế".
Theo BS Trần Ngọc Hải, muốn xã hội vững mạnh thì phải đầu tư cho con người. Muốn đầu tư cho con người, phải đầu tư cho y tế. Con người phải khỏe mạnh mới có thể lao động, sáng tạo, đóng góp cho nước nhà. "Tôi rất vui khi các BS trẻ có lối suy nghĩ mạnh dạn và những ý kiến thiết thực như vậy. Về cơ sở vật chất, nhiều BV lớn, trong đó có BV Từ Dũ chúng tôi, đã được TP HCM quan tâm đầu tư và chúng tôi có thể hoàn thiện sớm kế hoạch. Điều tiếp theo cần là con người. Tôi mong các BS trẻ, có hoài bão sẽ được đầu tư, có cơ hội phát triển và bản thân các em hãy cố gắng biến suy nghĩ thành hành động" - BS Trần Ngọc Hải chia sẻ.
 
Trao giải cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế"
9 giờ ngày 4-6, Báo Người Lao Động sẽ tổ chức lễ trao giải cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" và phát động cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 2.
Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần đầu tổ chức đã nhận được 71 tác phẩm dự thi và 115 ý kiến (ý kiến sau mỗi bài viết đã đăng) của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân gửi về. Qua nhiều vòng xét chọn, hội đồng chấm giải đã chọn ra 5 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải (gồm 1 giải nhất, 1 giải nhì, 2 giải ba và 1 giải khuyến khích) với tổng số tiền thưởng 107 triệu đồng.
Trần Thường - (nld.com.vn)
T/H: Anh Đức - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Xã Hội