Lao động xuất khẩu, tiền không là gì so với "cái đầu mang về"

Thứ tư, 10 Tháng 6 2020 16:04 (GMT+7)
Bí thư Đồng Tháp Lê Minh Hoan có những ý kiến đáng lưu tâm về mô hình ở Đồng Tháp làm xuất khẩu lao động khi Quốc hội thảo luận tổ sáng nay (10/6) về dự luật sửa đổi đối với lĩnh vực này.
 
Một trong những điểm mới của dự án luật này là bổ sung đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh, TP được đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
 
Theo Phó Chủ nhiệm UB về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi, quy định này được đưa ra bắt đầu tư mô hình của tỉnh Đồng Tháp. Tỉnh này thời gian qua đã ký được nhiều hợp đồng với các tỉnh bạn ở Nhật Bản, Hàn Quốc, đưa được rất nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài.
 
Lao động xuất khẩu, tiền không là gì so với 'cái đầu mang về'
ĐBQH Bùi Sỹ Lợi
 
Kết quả tích cực này khác hẳn với thực tế khi có tình trạng lừa đảo người lao động mà nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động gây ra.
 
Ông Lợi cho hay, gần nhất, Hàn Quốc đã công bố danh sách 3 huyện ở Thanh Hóa  sẽ không được tiếp nhận lao động nữa vì tình trạng lợi dụng chính sách, đi lao động “chui”, trốn ở lại sau khi hết hạn hợp đồng…
 
Chia sẻ kinh nghiệm thành công của địa phương, Bí thư tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho hay, đề án tạo việc làm của tỉnh đưa ra khẩu hiệu với phương châm "ra đi làm thuê để trở về làm chủ'', không chỉ đơn giản mang về 20-30 triệu/tháng mà đem về tư duy, tâm thế của những lao động trẻ đã ''hấp thu'' qua 5 năm làm việc ở nước ngoài. Đó là thái độ làm việc, khoa học kỹ thuật, tinh thần kỷ luật...
 
“Những người lao động đi về nói với chúng tôi rằng: Tiền mang về không quan trọng bằng 'cái đầu' mang về”, ông Hoan nói.
 
Đồng Tháp đưa lao động ra nước ngoài làm 3 giai đoạn: trước khi đi, trong khi làm việc ở nước ngoài và khi trở về. 
 
Lao động xuất khẩu, tiền không là gì so với 'cái đầu mang về'
Bí thư tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Hoan
 
Trước khi đi tỉnh phải tuyển chọn, sàng lọc đối tượng; qúa trình đưa đi theo dõi thường xuyên, cập nhật tin tức, ở quê hương thì thành lập CLB những gia đình có con em đi xuất khẩu lao động. Sau khi về, xét theo nguyện vọng của lao động, tỉnh sẽ kết nối cho làm việc ở DN nước ngoài hoặc khởi nghiệp.
 
“Chúng tôi làm rất thành công, nhiều lao động qua nước ngoài làm việc ở nhà máy chế biến thực phẩm, sau khi về nước đã mở nhà máy chế biến nông sản”, Bí thư tỉnh Đổng Tháp nói.
 
Ông Hoan chia sẻ, bản thân ông đã đến Nhật Bản, Hàn Quốc thấy các doanh nghiệp, nhà máy ở nước sở tại đã tạo điều kiện cho thực tập sinh Việt Nam hòa nhập cuộc sống để không bị bỡ ngỡ, kỳ thị, cách biệt.
 
Phó trưởng đoàn ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) thông tin thêm: “Thực tế có những doanh nghiệp lôm côm, tào lao, nói đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài nhưng thực tế là cò, thậm chí đưa người lao động đi hối lộ cán bộ để được đi lao động ở nước ngoài. Nhưng ở Đồng Tháp không có chuyện đó, không có chuyện lo lót cán bộ để được đi lao động nước ngoài”,
 
Theo ông Hoà, Trung tâm xúc tiến việc làm ở Đồng Tháp không chỉ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài mà còn tuyển lao động cho các doanh nghiệp trong nước.
 
“Trung tâm này không phải đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND mà thuộc Sở Lao động Thương binh Xã hội mà vẫn làm rất tốt”, ông Hoà nói và đề nghị xem lại mô hình cho phù hợp để không làm to bộ máy mà vẫn mang lại hiệu quả thiết thực cao.
 
Nhắc lại vụ 39 người chết trong container ở Anh, ĐB tỉnh Đồng Tháp cũng nhấn mạnh, đây là những người đi lao động bất hợp pháp, nhưng “rất đau xót”. Vì vậy, theo ông Hoà, dự án luật này cần phải có biện pháp như thế nào để ngăn chặn việc doanh nghiệp đưa người đi lao động bất hợp pháp.
 
Thảo luận thêm về vấn đề này, Bộ trưởng LĐTB-XH Đào Ngọc Dung cho hay, mô hình đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh/thành phố đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã được thí điểm tại 4 địa phương thấy hiệu quả.
 
Lao động xuất khẩu, tiền không là gì so với 'cái đầu mang về'
Bộ trưởng LĐTB-XH Đào Ngọc Dung
 
“Sau khi tổng kết 2 năm thí điểm, Chính phủ thấy phù hợp, các nước ASEAN hợp tác tốt. Về bản chất là thỏa thuận ký kết giữa các địa phương của quốc gia này với quốc gia khác”, Bộ trưởng Dung nói.
 
Theo Bộ trưởng, thông thường việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài hiện tại thực hiện thông qua doanh nghiệp. UBND mà giao cho doanh nghiệp thì lại sang vấn đề khác nên chúng tôi đề xuất giao cho đơn vị sự nghiệp không phải là doanh nghiệp.
 
“Ví dụ ở Đồng Tháp chính là Trung tâm dịch vụ việc làm trực thuộc Sở Lao động Thương binh Xã hội, về bản chất thuộc đơn vị quản lý Nhà nước”, ông Dung nhìn nhận.
 
Trần Thường - Thu Hằng - (vietnamnet.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Xã Hội