Không có quy hoạch - khó thu hút đầu tư
Tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội vừa qua, nhiều đại biểu đề nghị TP quan tâm đầu tư nguồn lực cho công tác quy hoạch của TP, nhất là các quy hoạch lớn, quan trọng như quy hoạch phân khu sông Hồng.
Hà Nội đang đặt nhiều kỳ vọng vào việc phát triển đô thị hai bên bờ sông Hồng
Theo Bí thư Vương Đình Huệ, việc phủ kín quy hoạch phân khu sông Hồng góp phần chỉnh trang cảnh quan đô thị, tạo nguồn lực rất lớn và bảo đảm sinh kế cho khoảng 900.000 dân. Hiện nhiều khu vực ven sông Hồng ở các huyện Đan Phượng, Hoài Đức… đất rất rộng nhưng đều không dùng được. "Nhìn trên máy bay xuống hay đi tàu bè qua thì thấy hai bên bờ sông Hồng như vậy thì thủ đô làm sao phát triển được.
Theo quy định, đất chưa quy hoạch chỉ được đấu thầu 5 năm lại xóa đi làm lại thì không ai dám đầu tư vào. Ngay khu bãi giữa của quận Hoàn Kiếm, giờ mượn làm tạm cũng không được, tất cả án binh bất động hết. Tất cả đều chờ quy hoạch" - ông Vương Đình Huệ dẫn chứng và cho biết trong 5 năm tới, Hà Nội phải phủ kín quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng phê duyệt, trong đó có quy hoạch phân khu sông Hồng. Từ đó định hướng sử dụng nguồn tài nguyên đất ở các bãi ven sông.
Thực tế, cách đây 3 năm Hà Nội đã bỏ lỡ việc phê duyệt quy hoạch này khi thẩm quyền còn thuộc HĐND TP.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết năm 2018, TP đã phối hợp Viện Quy hoạch thủy lợi xây dựng quy hoạch phân lũ, trong đó thống nhất phương án làm đê kết hợp với đường. Tuy nhiên, tờ trình quy hoạch phòng chống lũ của từng tuyến sông, trong đó có sông Hồng, đã được rút ra khỏi chương trình kỳ họp HĐND TP vào cuối năm 2018.
Chú trọng quy hoạch thoát lũ
Muốn quy hoạch được 2 bên bờ sông Hồng và các bờ sông khác thì quy hoạch thoát lũ là vấn đề sống còn. Do vậy, ông Vương Đình Huệ đề nghị Bộ NN-PTNT phối hợp, thẩm định để trình Thủ tướng phê duyệt, tạo điều kiện cho TP triển khai.
Ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, đánh giá các tuyến đê của TP Hà Nội có vai trò đặc biệt quan trọng. Riêng đê sông Hồng qua nội thành Hà Nội phải bảo đảm trong trường hợp lũ lớn hoặc xảy ra sự cố nghiêm trọng. Ông Hoài mong muốn sớm có quy hoạch thoát lũ sông Hồng.
"Mỗi lần kiểm tra khu vực bãi sông Hồng, tôi thấy không thể để tồn tại mãi tình trạng như vậy. Nhưng để có quy hoạch thì phải xây dựng phương án phòng chống lũ nằm trong quy hoạch phát triển thủ đô" - ông Hoài nói.
Thực tế, Quyết định số 257/QĐ-TTg năm 2016 của Thủ tướng về phê duyệt quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng - Thái Bình được ban hành là căn cứ để tổ chức quy hoạch 15 tỉnh hạ du, làm cơ sở cho công tác ứng phó thiên tai, đặc biệt cho thủ đô. Trong đó, có 2 chỉ tiêu chính: An toàn cho nội đô và bảo đảm mức thoát lũ.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết phải căn cứ vào quyết định 257 của Thủ tướng Chính phủ để tổ chức quy hoạch phân lũ cho 15 tỉnh hạ du, làm cơ sở cho công tác phòng chống thiên tai, bảo vệ đê điều. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan thì quy hoạch này cần phải được coi trọng.
Theo đó, ông Nguyễn Xuân Cường đưa ra 2 tiêu chí chính trong phân lũ sông Hồng là cao trình đê phải đạt 13,4 m và bảo đảm mức thoát lũ 20.000 m3/giây. Bộ trưởng đề nghị TP Hà Nội tập trung rà soát lại từ lòng sông đến khu vực xung quanh. Không để người dân xây dựng tự phát cản trở dòng chảy. Làm sao để có thể quản trị tốt về mặt tổng thể nhưng vẫn tận dụng được nguồn tài nguyên và bảo đảm an sinh xã hội.
"Như vậy vừa bảo đảm an toàn cho khu vực nội đô mùa lũ, bảo đảm hệ thống thủy lợi mùa khô vừa tận dụng được tài nguyên từ khu vực sông Hồng, đồng thời bảo đảm cho hơn 900.000 người dân hai bên bờ sông sinh sống ổn định" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Làm đê kết hợp đường hai bên bờ sông
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, do chưa có quy hoạch phòng chống lũ sông Hồng đoạn qua Hà Nội nên một số công trình ở các khu vực bãi sông gặp khó khăn trong việc cải tạo, sửa chữa, nâng cấp. Trước đây, TP Hà Nội cũng đã thống nhất với Bộ NN-PTNT theo hướng quy hoạch đê sông Hồng kết hợp với đường giao thông. Khi kết hợp giữa 2 chức năng này, đoạn sông Hồng qua nội thành từ cầu Thăng Long đến cầu Vĩnh Tuy sẽ giống như đô thị hai bên bờ sông Hàn (Hàn Quốc).
Theo đó, khi làm đê kết hợp đường hai bên bờ sông Hồng sẽ làm theo thiết kế đê - đường hai bậc. Trong trường hợp nước sông Hồng dâng lên bậc thứ nhất, vẫn có thể có đường - đê lưu thông ở bậc thứ hai.
Thẩm quyền quy hoạch thoát lũ hiện nay thuộc Bộ NN-PTNT. Do vậy, TP Hà Nội đề nghị bộ hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng phê duyệt.
BẠCH HUY THANH - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)