Những dự án điện gió đã mang đến động lực phát triển mới ở Bạc Liêu.
Truyền thống hun đúc thêm động lực để Bạc Liêu hôm nay khơi nguồn tiềm năng, biến thách thức thành cơ hội, hiện thực hóa tầm nhìn đến năm 2025, trở thành tỉnh phát triển của cả nước.
Nội lực từ truyền thống
Tại Quảng trường Hùng Vương, trung tâm TP Bạc Liêu có cụm kiến trúc đặc biệt - biểu tượng đoàn kết các dân tộc ở Bạc Liêu. Các mặt của biểu tượng khắc nổi những mốc thời gian đánh dấu những sự kiện quan trọng về lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Bạc Liêu trong hơn một thế kỷ qua. Theo những con số ghi trên biểu tượng, chúng tôi về các di tích lịch sử của Bạc Liêu, để thêm tự hào về những đổi thay nơi miền đất cực nam nhiều nắng gió.
Lịch sử đấu tranh cách mạng của Ðảng bộ và nhân dân Bạc Liêu khởi nguồn từ cuộc nổi dậy của nông dân Ninh Thạnh Lợi (huyện Hồng Dân), ngày 5-5-1927, do Hương Chủ Chọt lãnh đạo chống lại áp bức của thực dân, phong kiến, đến trận quyết tử giữ đất, giữ lúa trên cánh đồng Nọc Nạng, ngày 16-2-1928, tại Phong Thạnh, Giá Rai.
Ðấu tranh tự phát của người nông dân tuy không giành thắng lợi nhưng gây chấn động dư luận, đẩy mâu thuẫn giữa nông dân với các tầng lớp thống trị lên cao trào, mở đường cho ánh sáng chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Nguyễn Ái Quốc đến vùng đất khó. Dưới sự lãnh đạo của tổ chức đảng, ngày 23-8-1945, Bạc Liêu giành chính quyền về nhân dân mà không cần vũ trang. Ngày 23-8 cũng trở thành Ngày truyền thống cách mạng của Ðảng bộ, quân và dân tỉnh Bạc Liêu.
Thăm Bia tưởng niệm nơi treo lá cờ Ðảng đầu tiên của tỉnh, trên đường Trần Phú, phường 3, TP Bạc Liêu, để nhớ về sự kiện ngày 1-5-1930, một số thanh niên yêu nước đã bí mật, bất ngờ treo lá cờ búa liềm ngay trước trụ sở cơ quan Pháp. Nơi đây trở thành "địa chỉ đỏ" giáo dục, truyền thụ lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ tỉnh Bạc Liêu.
Theo Bí thư Ðảng ủy phường 3 Ngô Hiếu Dân, truyền thống cách mạng luôn là bài học ý nghĩa khích lệ cán bộ, đảng viên và nhân dân nỗ lực phấn đấu xây dựng phường 3 và TP Bạc Liêu phát triển. Kiểm điểm kết quả thực hiện các chỉ tiêu nhiệm kỳ trước, cho thấy, có 19 chỉ tiêu đạt và bốn chỉ tiêu vượt so với nghị quyết đề ra, nhiều năm không xảy ra điểm nóng.
Mới đây, phường 3 được công nhận đạt chuẩn văn minh đô thị. Nhiệm kỳ mới, trên địa bàn có nhiều dự án lớn được đưa vào khai thác, tạo thuận lợi là tăng nhanh tỷ lệ thương mại, dịch vụ, du lịch, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên, nhưng đi liền đó là thách thức khi hạ tầng chưa theo kịp. Năng lực, trình độ cán bộ, công chức còn hạn chế. Ðây là lực cản cần tiếp tục gỡ bỏ trong tiến trình phát triển bền vững và nâng cao tiêu chí văn minh đô thị, đóng góp chung thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng TP Bạc Liêu trở thành đô thị loại I vào năm 2025.
Tại một số xã vùng ven của TP Bạc Liêu, hiệu quả những mô hình chuyển đổi sản xuất, hợp tác xã nông nghiệp cho thấy hướng đi đúng trong phát triển nông nghiệp đô thị.
Sau bốn năm thực hiện Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về nâng cao chất lượng xã nông thôn mới (NTM) gắn phát triển toàn diện lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản, TP Bạc liêu đã hoàn thành quy hoạch 12 tiểu vùng sản xuất với diện tích gần 2.800 ha theo mô hình nông nghiệp đô thị, gần 6.000 ha nuôi trồng thủy sản.
Giá trị sản xuất nông nghiệp - thủy sản năm 2020 ước đạt hơn 20,2 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm là 2,78%. Cả ba xã Hiệp Thành, Vĩnh Trạch, Vĩnh Trạch Ðông đã đạt xã NTM, trong đó Hiệp Thành đạt chuẩn NTM nâng cao. Thành phố không còn hộ nghèo.
Vùng quê của những cây cầu
Trong hành trình về nguồn trên đất Bạc Liêu, có một địa chỉ không thể không tới, đó là Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy, nằm sâu trong ấp Cây Cui, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân. Ðây từng là nơi làm việc của Xứ ủy Nam Bộ, sau đó là Trung ương Cục miền nam (thời kháng chiến chống Pháp) và Tỉnh ủy Bạc Liêu (thời chống Mỹ). Nơi ghi dấu phong trào đấu tranh dũng cảm của nông dân Ninh Thạnh Lợi năm nào.
Xã Ninh Thạnh Lợi nằm trong vùng sông nước có hệ thống kênh rạch chằng chịt, cách trung tâm TP Bạc Liêu gần 70 km. Vài năm trước thôi, từ tỉnh xuống xã phải mất cả buổi đi thuyền. Nhớ lại giai đoạn khó khăn, đồng chí cán bộ tuyên giáo Huyện ủy Hồng Dân cho biết, hơn 10 năm trước, sau khi điều chỉnh địa giới, "tài sản" của huyện Hồng Dân có được chỉ là 10 km đường nhựa đã xuống cấp. Khi ấy, khó ai nghĩ có sự đổi thay như hôm nay.
Qua con đường NTM rực rỡ sắc hoa, hỏi chuyện chị Phan Thị Nhu, ở ấp Cây Cui, được chị chia sẻ, bao đời sống trên sông nước, di chuyển chỉ có phương tiện là thuyền, phà, chẳng dám mơ một ngày nhà mình có xe máy, ô-tô vào tận cổng. Khi đường sá thuận lợi, đồng nghĩa với sự ra đời những mô hình sản xuất nông nghiệp dần thay đổi thói quen canh tác trên vùng đất phèn.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Thạnh Lợi Lê Văn Bính, khai thác tiềm năng từ đất đai, hệ thống kênh rạch và chính sách đầu tư của Nhà nước, xã thực hiện đa dạng hóa vật nuôi, cây trồng, mô hình tôm - lúa đã phát huy hiệu quả. Hiện nay, toàn xã có hơn 5.300 ha canh tác tôm - lúa, cho năng suất bình quân 5,5 tấn lúa và 130 kg tôm/ha/vụ. Năm 2019, thu nhập bình quân là 45,8 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,25%.
Ghi nhận thành quả trong xây dựng NTM ở xã Ninh Quới, chúng tôi thăm cơ sở sản xuất trà mãng cầu của gia đình ông Lâm Quý Nghiêm, hay mô hình chăn nuôi kết hợp vườn cây, ao cá của anh Nguyễn Văn Dù ở ấp Vàm, cảm phục sự năng động, dám nghĩ, dám làm của nông dân vùng đất khó. NTM có đóng góp của họ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị bằng những công trình, phần việc cụ thể, đã hình thành các tuyến giao thông liên thôn, liên xã sạch, đẹp, hàng rào cây xanh, vườn hoa, cây cảnh từ nhà ra công sở…
Ðồng chí Hồng Trường Thống, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, Ðề án phát triển sản xuất, chăn nuôi trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020 đã hình thành một số mô hình hiệu quả như cải tạo vườn tạp trồng cây ăn trái, mô hình trữ cá đồng trên ruộng lúa,...
Ðến Hồng Dân, cứ vài ki-lô-mét, thậm chí vài trăm mét là gặp một cây cầu. Con đường vành đai sông Cái dài 17 km có tới 30 cây cầu, vừa thuận tiện giao thông vừa là công trình chống xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Theo Huyện ủy Hồng Dân, góp phần tạo bứt phá thời gian qua là hiệu quả từ ba nghị quyết chuyên đề, về phát triển nông nghiệp bền vững, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Trọn một nhiệm kỳ các nghị quyết đi vào cuộc sống, tạo bước chuyển mạnh mẽ cho vùng căn cứ cách mạng. Nhiều tuyến đường quan trọng tới trung tâm các xã và Khu căn cứ Tỉnh ủy; kết nối với thị xã Năm Căn, tỉnh Sóc Trăng và huyện Phước Long đã hoàn thành. Tất cả tám xã trong huyện đều đạt chuẩn NTM, trong đó Ninh Thạnh Lợi đang phấn đấu xã NTM nâng cao. Thị trấn Ngan Dừa được công nhận đô thị văn minh, sớm hơn hai năm so dự kiến.
"Cú huých" giữa nhiệm kỳ
Ðánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020, Bạc Liêu ghi nhận tất cả 20 chỉ tiêu về kinh tế, xã hội đều đạt và vượt cao so dự kiến. Trong đó, năm chỉ tiêu trọng yếu đứng trong tốp 5 của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, bao gồm: tốc độ tăng trưởng; GRDP bình quân đầu người; tổng vốn đầu tư toàn xã hội/GRDP; sản lượng thủy sản (tôm) và tỷ lệ hộ nghèo.
Tại huyện miền biển Ðông Hải, các dự án điện gió và mô hình nuôi tôm công nghệ cao đang dần thay thế nghề làm muối truyền thống. Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Bờ Cảng, xã Ðiền Hải Lê Quốc Khánh, đồng thời là chủ mô hình nuôi tôm công nghệ cao cho biết, từ chủ trương của tỉnh, huyện, có liên kết với doanh nghiệp, anh đầu tư 2 ha nuôi tôm công nghệ cao. Thời điểm này, do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, giá tôm dao động giảm gần 50% là thách thức với người nuôi tôm. Ði tiên phong trong áp dụng công nghệ mới, anh và ba đảng viên khác trong chi bộ lập nhóm nuôi tôm để thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm vượt qua khó khăn, cùng phát triển mô hình bền vững.
Theo Bí thư Huyện ủy Trần Thanh Mến, Ðông Hải được tỉnh xác định là vùng trọng điểm về kinh tế biển. Do đó, khai thác lợi thế biển, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, phát triển năng lượng tái tạo và du lịch sinh thái ven biển vẫn được xác định là trọng tâm trong nhiệm kỳ mới. Trước mắt, huyện tập trung nâng cấp hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển; chú trọng hiệu quả khai thác, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, mời gọi đầu tư phát triển vùng nuôi tôm công nghệ cao, đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Mục tiêu tổng thể là từng bước hoàn thành các tiêu chí để nâng lên thị xã.
Xác định tôm là ngành kinh tế mũi nhọn, do đó tỉnh Bạc Liêu từng bước xây dựng nền tảng vững chắc phát triển thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước. Các điều kiện, thủ tục đang được hoàn thiện để sớm đạt chứng nhận khu nuôi tôm an toàn sinh học theo chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới, hướng tới xuất khẩu tôm nguyên con sang các thị trường khó tính. Toàn tỉnh đã có 12 doanh nghiệp và 324 hộ nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, tổng diện tích là 2.250 ha (tăng 2.174 ha so năm 2015). Bên cạnh đó, sản xuất tôm giống đã trở thành thế mạnh, có quy mô lớn nhất, với 212 cơ sở sản xuất, chiếm 59% lượng tôm giống cả nước.
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Thị Ái Nam, thành tựu mà Ðảng bộ tỉnh nhiệm kỳ qua đạt được là sự tổng hợp từ nhiều yếu tố, có sự kế thừa và phát triển; nhất là nội bộ có sự đoàn kết thống nhất, sự quyết tâm chính trị cao, sự khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh.
Trong đó phải kể đến "cú huých" từ hội nghị Ban Chấp hành giữa nhiệm kỳ. Tại hội nghị này, cùng với đánh giá kết quả thực hiện 11 nhiệm vụ trọng tâm đã xác định từ trước, Ban Chấp hành bổ sung và chỉ đạo triển khai trúng, đúng nhiều vấn đề lớn. Cơ bản đã chọn đúng năm trụ cột phát triển kinh tế - xã hội (nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; du lịch; thương mại dịch vụ, giáo dục, y tế chất lượng cao; kinh tế biển gắn với quốc phòng an ninh).
Song song đó là khâu đột phá trong công tác xây dựng Ðảng về công tác cán bộ, tăng cường kỷ cương, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức. Chỉ thị 12 và Kế hoạch 102 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trở thành dấu ấn đặc sắc giữa nhiệm kỳ. Mục tiêu hướng tới là nâng cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức công vụ, Tỉnh ủy đã chỉ đạo triển khai quyết liệt và tổ chức đoàn kiểm tra thường xuyên, đột xuất. Qua hai năm chỉ thị, kế hoạch đi vào cuộc sống đã lập lại trật tự, kỷ cương hành chính, khắc phục cơ bản tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, nhũng nhiễu, phiền hà người dân và doanh nghiệp. Cán bộ, công chức, viên chức chấp hành nghiêm túc thời gian làm việc, không sử dụng rượu bia trong giờ làm, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc...
Chủ trương, lựa chọn đúng kết hợp với cách làm phù hợp đã mang lại kết quả quan trọng. Bên cạnh những dự án động lực đã có, tỉnh thu hút thêm nhiều dự án mới mang lại cơ hội thay đổi căn bản cơ cấu kinh tế, tạo nguồn thu lớn giúp tỉnh tự cân đối ngân sách. Cùng với các dự án nhà máy nhiệt điện khí hóa lỏng LNG Bạc Liêu, điện gió Hòa Bình 1 và điện gió Ðông Hải 1, Bạc Liêu tiếp tục có thêm 19 dự án điện gió mới sẽ được bổ sung quy hoạch. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt bổ sung Quy hoạch điện VII, trong đó Bạc Liêu được bổ sung 270 MW. Ðây là tiền đề quan trọng để đưa Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng tái tạo và năng lượng sạch quốc gia.
Thời điểm này, mọi khâu chuẩn bị tiến hành Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Bạc Liêu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đang được hoàn tất. Với phương châm Ðoàn kết - kỷ cương - sáng tạo - khát vọng - phát triển, Ðảng bộ tỉnh xác định nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và phát triển bền vững năm trụ cột kinh tế - xã hội, phấn đấu đưa Bạc Liêu trở thành tỉnh phát triển của cả nước, có mức GRDP/người thuộc nhóm cao trong vùng… Truyền thống kết hợp với khát vọng sáng tạo, thành động lực mạnh mẽ để Bạc Liêu hiện thực hóa tầm nhìn trong tương lai không xa.
Hạnh Nguyên và Tiểu Phương - (nhandan.com.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)