Tại hội thảo “Đánh giá chất lượng lao động nghề du lịch Việt Nam” diễn ra ngày 6/10, thực trạng thiếu về lượng và yếu về chất của lao động nghề Du lịch Việt Nam đã được nhìn nhận thẳng thắn.
Báo cáo tại hội thảo chỉ ra rằng, trong giai đoạn 2015 – 2019 chỉ có 45% lao động nghề du lịch tại Việt Nam đã qua đào tạo.
55% lao động còn lại thiếu kỹ năng, nghiệp vụ dẫn đến hiện trạng tất yếu là chất lượng lao động trong nhóm này không đáp ứng được yêu cầu của nghề. Thiếu lao động có trình độ chuyên môn cao, đặc biệt là quản trị cấp cao trong doanh nghiệp du lịch.
Ngoài kiến thức, kỹ năng về nghề, khả năng sử dụng ngoại ngữ, tin học đối với đối tượng lao động nghề còn rất hạn chế.
Tuy 60% lao động có kỹ năng tin học và có thể sử dụng các thiết bị máy tính, công nghệ nhưng chỉ dừng ở mức đơn giản.
Nhiều lao động chưa được trang bị đủ kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt là kỹ năng giao tiếp, văn hóa ứng xử, tinh thần, thái độ phục vụ...
Hội thảo “Đánh giá chất lượng nghề du lịch Việt Nam”
Ông Lưu Đức Kế, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông Du lịch Việt cho biết: Hiện nay nhân lực du lịch Việt Nam “thiếu và yếu”, đào tạo nghề du lịch không theo kịp sự phát triển của ngành, sự vận động của dòng khách, lượng khách và nhu cầu xã hội. “Là đơn vị trực tiếp sử dụng nhân lực, chúng tôi rất vất vả khi vừa phải đào tạo lại, đào tạo thêm và vừa phải cạnh tranh về nhân lực” - ông Kế chia sẻ.
Lý giải cho tình trạng này, theo TS. Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch thì các nguyên nhân là do công tác đào tạo lao động nghề du lịch chưa được quan tâm đúng mức, chưa thống nhất, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; do đội ngũ chuyên gia du lịch còn ít, đội ngũ giảng viên, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trình độ cao tại các cơ sở đào tạo du lịch còn thiếu; do việc thiếu chuẩn quốc gia về chất lượng nhân lực du lịch theo từng vị trí công việc, chương trình đào tạo chưa chuẩn hóa...
Nâng cao trình độ lao động nghề là vấn đề cấp thiết của Du lịch Việt Nam
Để giải bài toán nhân lực cho ngành Du lịch, TS. Nguyễn Văn Lưu (Nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục Du lịch) cho rằng cần liên kết “3 nhà” gồm Nhà nước, nhà trường, nhà doanh nghiệp.
Nhà nước ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách để hình thành môi trường thuận lợi, tăng cường các yếu tố động lực và giảm bớt các yếu tố ràn cản cho sự phát triển liên kết dạy nghề du lịch.
Nhà trường đầu tư nâng cao năng lực dạy nghề du lịch như đầu tư mới, nâng cấp trang thiết bị dạy và học hiện đại, đáp ứng yêu cầu gắn lý thuyết với thực hành; đổi mới, phát triển chương trình giáo dục và giáo trình các môn học, mô đun dựa trên năng lực và phát triển đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và nhà giáo.
Nhà doanh nghiệp tham gia giáo dục nghề nghiệp và huấn luyện, bồi dưỡng du lịch về mọi mặt (hướng nghiệp, cấp học bổng, tạo nơi thực tập, đặt hàng đào tạo...) đồng thời bố trí và sử dụng các tốt nghiệp sinh, thực hiện đãi ngộ, trả lương, bảo hiểm xã hội cho nguồn nhân lực du lịch.
Ngoài ra, nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng nên ứng dụng công nghệ hiện đại vào nâng cao chất lượng nhân lực du lịch, ví dụ như mở rộng các hình thức dạy nghề từ xa, dạy nghề qua mạng (e-learning); xây dựng giáo trình điện tử; thiết lập và vận hành cơ sở dữ liệu về nguồn nhân lực du lịch làm cơ sở để quản lý, dự báo và định hướng.../.
Hải Nam/VOV.VN
T/h: Nhi - (dongbang.vn)