Theo bản tin cập nhật thị trường lao đông Việt Nam của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đến quý II/2020, cả nước có 1.278.900 người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp. Trong đó thanh niên, nhóm từ 15 đến 24 tuổi, bị thất nghiệp chiếm 32,08%, tương đương 410.300 người. Thực tế cho thấy doanh nghiệp (DN) chủ yếu tuyển dụng lao động có chuyên môn kỹ thuật (trung cấp là 34,6%, cao đẳng là 22,4% và đại học trở lên là 11,5%) để làm việc dài hạn. Do đó, người lao động (NLĐ) khi tham gia thị trường lao động mà chưa có tay nghề sẽ khó kiếm được việc làm ổn định.
Sáng cửa việc làm
Là nữ nhưng Đinh Thị Hồng Duyên (18 tuổi; quận Bình Tân, TP HCM) lại chọn trường nghề thay vì thi vào đại học, cao đẳng như nhóm bạn cùng lớp. Điều thú vị hơn là Duyên chọn ngành cơ khí vốn chỉ thích hợp với nam giới. "Ai cũng nghĩ cơ khí là ngành nặng nhọc, dầu mỡ không hợp với nữ nhưng em không nghĩ vậy. Từ nhỏ em đã thích nghề này và muốn theo đuổi đến cùng. Em tin mình làm được, thậm chí làm tốt" - Duyên tâm sự.
Theo Duyên, cơ khí giúp cho người học rèn sự tỉ mỉ. Tuy mới nhập học nhưng Duyên đã cảm thấy rất phù hợp. Dù còn bỡ ngỡ khi đọc bản vẽ, nhận biết vật liệu và vận hành máy móc nhưng Duyên cảm thấy rất thú vị. Phương pháp học đi đôi với hành khiến Duyên rất phấn chấn.
Cùng lớp cơ khí với Duyên, bạn Lê Đăng Học (19 tuổi, quê Long An) cũng cho biết muốn theo học nghề để sớm có việc làm. Gia cảnh khó khăn nên dù sức học khá nhưng Học không thi vào đại học mà chọn cách ghi danh học nghề để sớm ra trường đi làm phụ ba mẹ lo cho 2 em. Học muốn sau khi ra trường đi làm vài năm ổn định sẽ xin gia đình sang Nhật để nâng cao tay nghề. "Em ước mơ có một cơ sở cơ khí chế tạo nhỏ, làm gia công cho các công ty lớn tại quê nhà. Anh họ của em ở Nhật nói rằng nếu sang bên đó tu nghiệp một thời gian sẽ nâng cao được tay nghề và tích lũy vốn để khi về nước có thể khởi nghiệp" - Học chia sẻ.
Cơ hội việc làm rộng mở đối với lao động có tay nghề Ảnh: HỒNG ĐÀO
Số liệu dự báo của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM (FALMI) công bố mới đây cho thấy nhu cầu nhóm ngành cơ khí, luyện kim, công nghệ ôtô - xe máy hiện đang đứng đầu về nhu cầu lao động, chiếm tỉ lệ trên 25%. Trong đó, cơ khí được coi là trái tim của quá trình công nghiệp hóa và đang có tốc độ phát triển nhanh chóng.
Trong tương lai, nhu cầu nhân lực ngành này sẽ còn tiếp tục tăng nhanh tạo nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn cho người học. Kỹ sư cơ khí có thể đảm nhận việc thiết kế, lên bản vẽ, lắp đặt hoặc gia công máy móc, thiết bị tại các nhà máy, công trình, công ty cơ khí. Người học cơ khí cũng có thể trở thành chuyên viên tư vấn, thiết kế, vận hành, sửa chữa máy móc, thiết bị cơ khí, lập trình gia công máy CNC, hay cán bộ quản lý, điều hành kỹ thuật tại các đơn vị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ về cơ khí phục vụ an ninh, quốc phòng, ôtô, tàu thủy, hàng không.
Bức tranh tuyển dụng cho thấy cơ hội việc làm cho Duyên, Học và các bạn theo học nghề cơ khí là rất cao. Tay nghề cao cũng đồng nghĩa với thu nhập cao và ổn định bởi nhu cầu của thị trường lao động cho ngành này rất lớn.
Lượng sức mình
Ông Lâm Bằng Phi, Giám đốc Xí nghiệp Deks Molten (Công ty TNHH MTV Cao su Thống Nhất), cho biết nhu cầu nhân lực có tay nghề được đào tạo từ các trường nghề đang được các DN, đặc biệt là các DN sản xuất như Cao su Thống Nhất, săn đón.
Theo ông Phi, nghề nào cũng là nghề nhưng nếu được đào tạo bài bản thì sự nghiệp của nghề đó sẽ phát triển nhanh hơn. Nếu NLĐ đã có nghề, khi bước vào xí nghiệp, DN đỡ phải đào tạo lại mà chỉ cần hướng dẫn là họ sẽ tiếp cận nhanh, từ đó giúp rút ngắn thời gian học việc, thử việc. DN và NLĐ sẽ dễ dàng kết nối với nhau để cùng phát triển sự nghiệp.
"Rất nhiều bạn trẻ khi học hết phổ thông thường không biết mình sẽ làm nghề gì bởi họ chưa được định hướng nghề nghiệp. Điều đó sẽ làm cho độ trễ nghề nghiệp của người học gia tăng. Vấn đề cốt lõi là các em phải biết sức học của mình ở mức nào và đam mê thực sự của mình là gì, từ đó đưa ra lựa chọn tốt nhất cho bản thân. Trong thời đại công nghiệp và công nghệ phát triển nhanh như hiện nay, học nghề là một hướng đi nhanh chóng để NLĐ khẳng định mình trong thị trường lao động" - ông Phi nói.
Ông Trần Anh Tuấn, nguyên Phó Giám đốc FALMI, khuyên để chọn nghề, trước tiên người học dựa trên sở thích, năng lực, điều kiện gia đình và nhu cầu xã hội. Theo ông Tuấn, kinh tế Việt Nam đang phát triển rất nhanh nên nhu cầu nhân lực để vận hành nền kinh tế đang rất lớn và ngày càng đòi hỏi cao hơn.
"Trong các báo cáo và dự báo của FALMI, chúng tôi đã nêu rõ những ngành nghề có nhu cầu nhân lực cao cũng như tỉ lệ ngày một cao nhu cầu tuyển dụng đòi hỏi NLĐ được đào tạo. Trong đó, tỉ lệ tuyển dụng NLĐ được đào tạo sơ cấp, trung cấp, cao đẳng nghề luôn chiếm tỉ trọng lớn. Do đó, người học nghề đang tự mở cửa cơ hội việc làm rộng hơn cho chính mình" - ông Tuấn khẳng định.
Lương cao, đãi ngộ tốt
Ở các DN, NLĐ đã qua học nghề được hưởng mức lương cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu. Nếu khẳng định được chỗ đứng sau vài năm làm việc, NLĐ còn được DN cất nhắc lên vị trí cao hơn. Ông Cao Kiến Bình, Giám đốc Công ty CP Cơ khí Bình Minh, cho biết các DN có xu hướng chỉ ưu tiên tuyển dụng những lao động đã có tay nghề, thậm chí phải có kinh nghiệm. "Đây cũng là yêu cầu tất yếu đối với các DN bởi một khi đơn hàng ổn định và các khâu sản xuất đã vận hành đúng quỹ đạo thì việc biến động nguồn nhân lực cũng sẽ không đáng kể. Việc tuyển dụng lao động chỉ là bổ sung chứ không phải thiếu hụt. Vì vậy, việc đòi hỏi lao động có chất lượng hơn cũng là điều dễ hiểu. Học nghề vẫn là sự lựa chọn tốt cho các bạn trẻ thời điểm này" - ông Bình khẳng định.
GIANG NAM - (nld.com.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)