Nhảy việc cuối năm: Rủi ro chực chờ

Thứ sáu, 20 Tháng 11 2020 08:51 (GMT+7)
Với nhiều lý do, nhiều người muốn nhảy việc trong những tháng cuối năm để tìm kiếm cơ hội mới nhưng họ cũng sẽ đối diện không ít rủi ro
 
Những tháng cuối năm thường là cuộc chạy đua của cả doanh nghiệp (DN) lẫn người lao động (NLĐ) để cố gắng đạt các chỉ tiêu sản xuất - kinh doanh đã đề ra. Đây cũng là thời điểm mà nhiều NLĐ tìm "bến đỗ" mới sau một thời gian gắn bó. Có nên nhảy việc cuối năm hay không là câu hỏi mà nhiều NLĐ đặt ra khi cảm thấy chán chường với vị trí công việc hiện tại.
 
Đủ kiểu nghỉ việc
 
Gắn bó với vị trí nhân viên thu mua cho một DN chuyên về xây dựng nhưng từ tháng 10 vừa qua, chị Lê Thị Nguyên Duyên (30 tuổi, quê Phú Yên) đã cảm thấy chán việc do hầu hết các dự án của công ty phải tạm hoãn. Lo sợ mất việc dịp cuối năm, Duyên bắt đầu lên kế hoạch tìm công việc mới.
 
"Từ tháng 8 đến nay, các dự án của công ty gần như ngưng thi công do thiếu vốn. Dù giám đốc công ty chưa đả động đến việc cắt giảm nhân sự nhưng khả năng mất việc vào đầu năm sau là rất cao nên tôi phải tìm cơ hội mới cho mình" - chị Duyên giải thích.
 
Khác với chị Duyên, anh Hoàng Ngọc Duy (27 tuổi, quê Tiền Giang) muốn nộp đơn xin nghỉ việc ngay sau cuộc họp tổng kết kinh doanh quý III vừa qua. Duy là trưởng phòng kinh doanh của một công ty phân phối hàng tiêu dùng cao cấp dành cho mẹ và bé tại quận Bình Tân, TP HCM. Dịch bệnh khiến sức tiêu thụ giảm, do vậy doanh số bán hàng không đạt yêu cầu đề ra. Bị giám đốc công ty phê bình nặng lời ngay tại cuộc họp khiến Duy ấm ức, sau đó anh tuyên bố sẽ làm đơn xin nghỉ việc.
 
Nhảy việc cuối năm: Rủi ro chực chờ - Ảnh 1.
Người lao động cần cân nhắc khi nhảy việc cuối năm
 
"Tôi gắn bó với công ty được 3 năm và chưa bao giờ bộ phận do tôi quản lý không đạt doanh số cả. Dịch bệnh là khó khăn khách quan, chúng tôi cũng nỗ lực gấp trăm lần để kích cầu… nhưng kết quả kinh doanh không như mong muốn. Bị sếp phê bình đồng nghĩa với việc cắt thưởng, nên tiếp tục gắn bó với DN cũng chẳng có ý nghĩa gì. Tôi không thể làm việc khi tinh thần bị xuống dốc" - Duy giãi bày.
 
Trên các diễn đàn việc làm, nhiều chuyên gia cho rằng bất kỳ quyết định nào của NLĐ cũng có thể tiềm ẩn những rủi ro.
 
Thực tế, những quyết định nhảy việc quá vội vàng lại càng tăng khả năng người tìm việc ứng tuyển những vị trí công việc không phù hợp với thế mạnh của bản thân. Hơn nữa, vào thời điểm cuối năm, nhiều công ty có khối lượng công việc tăng đột biến, vấn đề thiếu hụt nhân lực nhiều khả năng sẽ dẫn đến việc phát sinh những vị trí tuyển dụng tạm thời, không lâu dài hoặc chưa có lộ trình thăng tiến, phát triển rõ ràng cho nhân viên mới. Đây sẽ là một lý do đáng để NLĐ cân nhắc trước khi quyết định từ bỏ khoản lương thưởng trước mắt và vội vàng nhảy việc trước Tết.
 
Không nên bốc đồng
 
Bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Dịch vụ tuyển dụng và Tư vấn nhân sự ManpowerGroup Việt Nam, cho rằng vào thời điểm cuối năm, đa số các DN đều không có sự biến động lớn về tình hình nhân sự, chính vì vậy mà cơ hội nghề nghiệp cũng dần ít đi. Cũng có một số DN tuyển dụng nhưng thông thường là vị trí công việc mang tính thời vụ. Đặc biệt, sau thời gian dài bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, nhiều DN rất ngại chi thêm khoản tiền lớn vào việc tuyển dụng. Vì thế, họ sẽ ưu tiên chọn ứng viên phù hợp yêu cầu nhưng chi trả mức lương thấp hơn. Đây là bức tranh mà NLĐ muốn tìm việc dịp cuối năm nên biết.
 
Theo các chuyên gia việc làm, từ bỏ công ty đang làm ở thời điểm cuối năm cũng đồng nghĩa với việc NLĐ sẽ mất đi khoản lương tháng 13, thậm chí bỏ luôn những khoảng thưởng khác nếu DN làm ăn có lãi. Do vậy, những nỗ lực trong cả năm của NLĐ sẽ "đổ sông đổ biển" nếu nóng vội khi nghỉ việc. Chưa hết, thời gian tìm việc có thể sẽ kéo dài trong khoảng 1 đến 3 tháng, thậm chí đến 6 tháng do tình hình dịch bệnh và ảnh hưởng kinh tế của năm nay khiến số vị trí việc làm chưa thực sự nhiều như NLĐ nghĩ.
 
"Vì vậy, nếu NLĐ không bị áp lực vấn đề tài chính thì không vấn đề gì, nhưng với những ai đang khó khăn thì không nên nhảy việc trong thời điểm này. Chưa kể, khi chuyển đến nơi mới, bạn có chắc mình sẽ êm đềm vượt qua 2 tháng thử việc không hay sẽ phải tiếp tục hành trình xin việc ở nơi khác? Vậy nên, hãy suy nghĩ thật cẩn trọng, đừng vì giây phút bốc đồng mà đưa ra quyết định nghỉ việc. Bởi lẽ, bạn có thể sẽ gánh lấy hậu quả cho những lúc nóng nảy như thế" - bà Trang nhìn nhận.
 
Từng phụ trách công tác nhân sự cho nhiều DN có vốn nước ngoài tại TP HCM, bà Đoàn Anh Thư cho rằng nếu công việc hiện tại nhàm chán, không có nhiều cơ hội phát triển và ít phúc lợi thì tốt nhất là NLĐ nên tìm cho mình một công việc mới. Tuy nhiên, trước khi quyết định nhảy việc, NLĐ hãy tìm hiểu thật kỹ và chắc chắn rằng công việc đó tốt hơn công việc cũ, tránh trường hợp làm một thời gian rồi lại nghỉ sẽ mất cả chì lẫn chài.
 
Suy nghĩ thấu đáo
 
"Dịch bệnh kéo dài khiến cơ hội việc làm của NLĐ ít đi. Do vậy, NLĐ cần cân nhắc thật kỹ giữa vấn đề tài chính và những cơ hội khi có được một công việc mới tốt hơn. Nếu chưa chắc tìm được một chỗ làm tốt hơn với chế độ đãi ngộ tương xứng thì không nên nhảy việc ở thời điểm này. Nói chung, NLĐ hãy suy nghĩ thật thấu đáo để có sự lựa chọn hợp lý" - ông Đặng Văn Hùng, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Cơ khí Hùng Văn (quận Bình Tân, TP HCM), lưu ý.
 
GIANG NAM - (nld.com.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Xã Hội