Cán bộ Đài Khí tượng - Thủy văn TP Cần Thơ đo độ mặn trên sông Hậu. Ảnh: HUỲNH XÂY
Năm 2017, Nghị quyết số 120/NQ-CP được ban hành, là bước đột phá lớn, có ý nghĩa định hình chiến lược phát triển bền vững ĐBSCL theo hướng tổng thể, tích hợp với tầm nhìn dài hạn và khát vọng về một vùng ĐBSCL trù phú, thịnh vượng, lấy con người làm trung tâm, coi việc sử dụng hiệu quả tiết kiệm và bền vững tài nguyên nước, đất đai và các tài nguyên khác là triết lý phát triển. Thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP, thời gian qua Bộ TN và MT tiếp tục tập trung bổ sung, rà soát, đánh giá, xây dựng và ban hành các chính sách, pháp luật về đất đai; các chính sách, pháp luật khác liên quan để xây dựng nội dung dự thảo Nghị định quy định về khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp phục vụ chuyển đổi quy mô lớn, khai thác hiệu quả tiềm năng từ nguồn lực đất đai tại ĐBSCL. Xây dựng hướng dẫn lồng ghép nội dung ứng phó với BĐKH trong các quy định về đô thị tăng trưởng xanh, các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phòng, chống thiên tai, giao thông vận tải, xây dựng...
Bộ TN và MT thường xuyên cập nhật và từng bước hệ thống hóa số liệu điều tra cơ bản về TN và MT, dữ liệu khí tượng, thủy văn, hải văn và bùn cát, tài nguyên nước. Đến nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng Trạm vùng quan trắc môi trường Tây Nam Bộ; xây dựng Trung tâm tích hợp dữ liệu vùng ĐBSCL làm cơ sở cho việc tích hợp dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương, đây là tiền đề để từng bước thực hiện chuyển đổi số, xây dựng ĐBSCL theo hướng thông minh. Mạng lưới quan trắc, giám sát các yếu tố khí tượng thủy văn, hải văn, biến động bùn cát, đo mưa tự động, cũng được tăng cường với 98 trạm khí tượng, 145 điểm đo mưa, 139 trạm thủy văn, sáu trạm hải văn và 154 điểm đo mưa, mực nước tự động, đo mặn... Nhờ có dự báo, cảnh báo sớm, các bộ, ngành, địa phương triển khai kịp thời các giải pháp hạn chế tới mức thấp nhất tác động xấu, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất tại vùng ĐBSCL. Riêng trong đợt hạn hán, xâm nhập mặn năm 2019 - 2020, mặc dù mức độ khắc nghiệt và diện rộng hơn, nhưng nhờ chủ động trong dự báo và kịp thời hành động trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất đã góp phần giảm 90% diện tích lúa bị ảnh hưởng so với đợt hạn mặn lịch sử năm 2015 - 2016.
Để khắc phục tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tại khu vực ĐBSCL, Bộ TN và MT chủ động điều tra, khảo sát thăm dò, tìm kiếm và tổ chức khai thác hợp lý nguồn nước để cung cấp phục vụ sinh hoạt và sản xuất của nhân dân ĐBSCL trong mùa khô và các đợt xâm nhập mặn. Trong các đợt hạn, mặn năm 2020 đã triển khai xây dựng 10 điểm nguồn cấp nước khẩn cấp với tổng công suất xử lý và cung cấp là 3.700 m3/ngày đêm, cung cấp được cho hàng chục nghìn người ở bảy tỉnh chống hạn, mặn cho ĐBSCL. Đến nay, Bộ TN và MT đã bàn giao bản đồ nước ngầm cho tất cả các địa phương vùng ĐBSCL cùng hàng chục giếng khoan để các địa phương đầu tư, xây dựng thành các công trình cấp nước tập trung. Bộ cũng đã hỗ trợ trực tiếp hàng trăm triệu đồng thông qua Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để khắc phục các hậu quả hạn, mặn, qua đó góp phần giúp ĐBSCL vượt qua được các đợt hạn, mặn khốc liệt thời gian qua. Mặt khác, Bộ TN và MT cũng đã kịp thời nghiên cứu, chuyển giao một số kết quả các đề tài nghiên cứu nhằm cung cấp luận cứ khoa học cho cập nhật mô hình, dữ liệu kịch bản BĐKH, nước biển dâng; phòng, chống tai biến môi trường, sụt lún, sạt lở bờ sông, bờ biển; diễn biến nguồn nước, chất lượng nước và đề xuất các giải pháp khai thác thích hợp nhằm chuyển đổi cơ cấu sản xuất... Đồng thời, tham gia hiệu quả trong khuôn khổ hợp tác phát triển với các nước Tiểu vùng sông Mê Công và giữa các nước Tiểu vùng sông Mê Công với các đối tác phát triển; mở rộng và tăng cường các quan hệ đối tác chiến lược (trong đó có các cơ chế hợp tác, đối tác quan trọng như Thỏa thuận đối tác chiến lược Việt Nam - Hà Lan về thích ứng với BĐKH và quản lý nước, WB, GIZ, JICA…).
BĐKH, thiên tai đang ngày càng diễn ra nhanh, phức tạp và sẽ tiếp tục khó lường, khó dự báo do tính thất thường, cực đoan, nhất là những tác động ngắn hạn. Trong khi đó, các hoạt động khai thác, sử dụng nước ở phía thượng nguồn, nhất là các dự án thủy điện trên dòng chính sông Mê Công ngày càng phức tạp hơn trong khi cơ chế điều phối tiểu vùng đã cho thấy những bất cập, khó phát huy tối đa hiệu quả; tình trạng thiếu cát, thiếu màu, thiếu nước được dự báo sẽ còn tiếp diễn nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến phát triển ĐBSCL. Do vậy, để tiếp tục thực hiện tốt những mục tiêu Nghị quyết số 120/NQ-CP đề ra, Bộ TN và MT sẽ phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các bộ, ngành, các địa phương trong công tác điều tra, đánh giá tài nguyên đất; điều tra, đánh giá, xây dựng các giải pháp trữ nước dựa vào xu thế tự nhiên của từng tiểu vùng. Đẩy mạnh công tác giám sát BĐKH, năng lực quan trắc, dự báo khí tượng - thủy văn phục vụ chủ động phòng, chống thiên tai, chuyển đổi quy mô lớn trong điều kiện BĐKH khắc nghiệt, biến động tài nguyên nước...
Tiếp tục đầu tư bổ sung tăng dày các trạm quan trắc khí tượng - thủy văn, môi trường, tài nguyên nước, sạt lở, sụt lún, xâm nhập mặn cung cấp thông tin, dữ liệu, phân tích dự báo cho Trung tâm tích hợp dữ liệu vùng ĐBSCL phục vụ xây dựng chiến lược, quy hoạch, hoạch định chính sách phát triển và các hoạt động kinh tế - xã hội khác của vùng. Nâng cao hơn nữa năng lực dự báo khí tượng - thủy văn, cảnh báo sớm thiên tai, thời tiết cực đoan; xây dựng hệ thống giám sát, dự báo cảnh báo sớm diễn biến tài nguyên nước, bao gồm cả phần thượng nguồn, toàn lưu vực và sụt lún, sạt lở bờ sông, bờ biển. Tích cực điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất, nhất là các tầng chứa nước nằm sâu để phục vụ cấp nước sinh hoạt ở các vùng thường xuyên bị xâm nhập mặn; xây dựng các công trình khai thác nước ngầm để kết hợp dự phòng sẵn sàng ứng phó với xâm nhập mặn khi cần thiết.
TRUNG TUYẾN - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)