Sau thời gian chờ đợi, mới đây, Chính phủ đã đồng ý cho phép TP HCM được tự quyết thí điểm xe buýt điện theo đề xuất trước đó. Ðây là tín hiệu vui cho vận tải hành khách công cộng tại TP HCM, kỳ vọng mở thêm nhiều tuyến buýt sử dụng nhiên liệu sạch (gọi chung là buýt sạch) khác trên địa bàn TP sau thí điểm.
Phù hợp quy hoạch và xu thế
5 tuyến xe buýt điện mà Chính phủ cho phép TP HCM tự quyết định thí điểm do Tập đoàn Vingroup - Công ty CP (gọi tắt là Tập đoàn Vingroup) đề xuất đầu tư. Ðó là tuyến VB01 (từ Vinhomes Grand Park - Trung tâm Thương mại Emart, cự ly 27 km), tuyến VB02 (từ Vinhomes Grand Park đến sân bay Tân Sơn Nhất, cự ly 30 km), tuyến VB03 (từ Vinhomes Grand Park đến bến xe buýt Sài Gòn, cự ly 29 km), tuyến VB04 đến Bến xe Miền Ðông (cự ly 8,5 km) và tuyến VB05 đến khu đô thị ĐHQG (cự ly 10 km).
Xe buýt điện đầy đủ tiện nghi, thân thiện môi trường đi vào hoạt động hứa hẹn sẽ kéo khách lên xe .Ảnh: NGUYỄN HẢI
Theo đơn vị đề xuất đầu tư, dự kiến có 77 xe hoạt động, sức chứa mỗi xe từ 65 - 70 chỗ (đứng + ngồi), xe chạy bằng điện năng, không phát sinh khí thải, hạn chế tiếng ồn, thân thiện môi trường. Giá vé dự kiến sau khi có trợ giá của nhà nước trung bình 7.000 đồng/lượt hành khách các tuyến VB01, VB02, VB03 và 5.000 đồng/lượt hành khách đối với các tuyến VB04, VB05. Riêng học sinh, sinh viên giá vé 3.000 đồng/lượt.
Lộ trình 5 tuyến này dừng đón khách tại các trạm dừng, nhà chờ hiện hữu, ngoài ra nhà đầu tư sẽ bổ sung 9 điểm đón mới, xây dựng 1 depot, bến bãi rộng hơn 12.200 m2 tại khu dân cư Vinhomes Grand Park và hệ thống trạm sạc tại các điểm đầu và cuối bến.
Nhà đầu tư đề xuất được trợ giá tương đương mức trợ giá cho dòng xe sử dụng khí thiên nhiên CNG, đơn giá áp dụng cho xe buýt CNG tại TP HCM từ 19.000 đến 24.000 đồng mỗi km, tùy khu vực. TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải (GTVT) Việt Ðức, cho rằng đối với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam buộc phải phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng nhằm giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Trong đó, định hướng sử dụng nhiên liệu thân thiện môi trường là tất yếu góp phần giảm ô nhiễm, đa dạng hóa các loại hình vận tải.
Ông Ðỗ Ngọc Hải, Trưởng Phòng Quản lý vận tải đường bộ Sở GTVT TP HCM, nhận định 5 tuyến xe buýt điện trên nằm trong quy hoạch mạng lưới tuyến xe buýt của TP nhằm kết nối hành khách từ các khu dân cư mới, không nhằm phục vụ cho nhà đầu tư.
Ðặc biệt, việc doanh nghiệp cùng nhà nước tham gia đầu tư xe buýt điện, thân thiện môi trường là phù hợp với chủ trương của TP nhằm góp phần giảm ô nhiễm môi trường, đa dạng hóa phương tiện xe buýt, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và giúp tăng sản lượng vận tải hành khách công cộng đang ngày càng sụt giảm.
Cần thêm những nhà đầu tư đủ mạnh
Trưởng Phòng Quản lý vận tải đường bộ Sở GTVT TP nhấn mạnh xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch (CNG, LPG, điện...) được TP khuyến khích phát triển từ năm 2015 bằng nhiều chính sách ưu đãi. Ðiển hình, người mua xe buýt CNG chỉ đóng lãi suất vay 3% thay vì 5% khi mua xe chạy bằng dầu diesel (còn lại nhà nước hỗ trợ) và đến nay toàn TP có khoảng 485 xe buýt CNG trên tổng số 2.260 phương tiện.
"Ðể phát triển loại hình xe buýt sạch thì TP còn cần nhiều hơn nữa những doanh nghiệp chế tạo ôtô vào cuộc như Trường Hải, SAMCO để sớm nghiên cứu đưa ra các mẫu xe buýt điện, xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch giá thành hợp lý, phù hợp điều kiện hoạt động tại Việt Nam. Song song đó, TP sẽ quy hoạch mạng lưới trạm sạc điện, trạm tiếp nhiên liệu CNG phục vụ nhu cầu cho đoàn phương tiện này" - ông Ðỗ Ngọc Hải mong muốn và đưa ra kế hoạch để buýt sạch ngày càng phát triển mạnh.
Riêng việc chuẩn bị để đưa 5 tuyến xe buýt điện vào vận hành, ông Ðỗ Ngọc Hải cho hay Sở GTVT sẽ làm việc với Tập đoàn Vingroup rà soát lại lộ trình 5 tuyến, đề xuất đơn vị vận hành khẩn trương chuẩn bị xây dựng các trạm dừng, nhà chờ, depot… Riêng Sở GTVT tiến hành xây dựng bộ đơn giá định mức sau khi xe lăn bánh, việc xây dựng có thể mất từ 6 tháng đến 1 năm, sau khi có bộ đơn giá, sở sẽ đấu thầu tuyến theo quy định.
Theo TS Vũ Anh Tuấn, việc một tập đoàn tư nhân tham gia đầu tư từ phương tiện đến vận chuyển hành khách trong lĩnh vực giao thông công cộng chắc chắn tác động rất lớn đến thị trường phương tiện (xe buýt sạch) và đặc biệt hứa hẹn sẽ nâng cao chất lượng phục vụ hành khách. Vì vậy, việc Sở GTVT TP kêu gọi thêm nhiều doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư vào buýt sạch là hướng đi đúng đắn.
Tương tự, nhiều chuyên gia giao thông nhận định đầu tư phát triển phương tiện cũng như thị trường vận tải công cộng ở TP HCM lâu nay gặp khó bởi phụ thuộc vào túi tiền của cá nhân, chưa kể việc thu hút nguồn lực từ xã hội vào lĩnh vực này không dễ dàng vì chính sách trợ giá chưa thu hút. Việc đưa loại hình xe buýt điện với phương tiện hiện đại vào hoạt động hy vọng sẽ tạo ra làn gió mới, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mới phương tiện, tăng sức cạnh tranh để kéo khách lên xe.
Buýt điện mini ngày càng hiệu quả
Từ năm 2017, TP HCM đã triển khai thí điểm vận hành 3 tuyến buýt điện không trợ giá với xe 12 chỗ tại khu trung tâm TP, khu đô thị Phú Mỹ Hưng, dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Việc thí điểm này thực hiện theo đề án do Công ty CP Tập đoàn Mai Linh và Công ty Bất động sản Phố Cảnh đề xuất. Theo Sở GTVT TP, loại này ngày càng phát huy hiệu quả và nhận được sự ủng hộ của nhiều người, nhất là học sinh, sinh viên, khách du lịch...
Hải Ngọc - (nld.com.vn)
T/H:Anh Duc (dongbang.vn)