Độc lập trong tổ chức và hoạt động thanh tra

Thứ bảy, 04 Tháng 12 2021 11:35 (GMT+7)
Để hoạt động thanh tra được tổ chức chuyên nghiệp, cơ quan thẩm quyền cần xây dựng các tổ chức thanh tra chặt chẽ, có tính độc lập nhất định với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp
 
Tại hội thảo "Sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra: Những vấn đề lý luận và thực tiễn" diễn ra tại Trường Đại học Luật TP HCM, không ít ý kiến nhận xét Luật Thanh tra 2010 làm cho cơ quan thanh tra phụ thuộc quá nhiều vào cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp.
 
Chồng chéo, trùng lắp
TS Lê Việt Sơn (Khoa Luật Hành chính - Nhà nước Trường Đại học Luật TP HCM) dẫn chứng cơ quan thanh tra vẫn trực thuộc cơ quan quản lý nhà nước về mặt tổ chức; chịu phụ thuộc lớn về cơ cấu nhân sự, điều động, miễn nhiệm, cách chức. 
 
Bằng ràng buộc kế hoạch thanh tra phải có thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước phê duyệt, người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước có thể can thiệp khá sâu vào hoạt động thanh tra.
Tương tự, việc xử lý kiến nghị thanh tra hoàn toàn phụ thuộc người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước. "Thực tiễn nhiều lần chỉ rõ sự bị động mà cơ quan thanh tra có thể đối mặt. Trong khi dự thảo luật chưa có những đột phá điều chỉnh vấn đề này" - TS Lê Việt Sơn kết luận.
 
TS Phạm Thị Huệ (Trưởng Phòng Hành chính - Tổ chức, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra thuộc Thanh tra Chính phủ) nhìn nhận nhiều hạn chế liên quan đến hoạt động cũng như hình thức thanh tra.
"Phạm vi thanh tra giữa các cơ quan thanh tra chưa phân định rõ ràng. Cơ quan chức năng chưa phân biệt rõ hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra thường xuyên của cơ quan quản lý; giữa thanh tra bộ với thanh tra tỉnh… Vì thế, hoạt động thanh tra dễ chồng chéo, trùng lặp" - TS Phạm Thị Huệ phân tích.
Độc lập trong tổ chức và hoạt động thanh tra - Ảnh 1.
Hội thảo “Sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra: Những vấn đề lý luận và thực tiễn”
 
Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 17/2021/QH15, trong đó dự kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5-2022), Quốc hội sẽ cho ý kiến về Luật Thanh tra (sửa đổi) và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10-2022.
Hiện nay, tình trạng không hoàn thành kế hoạch thanh tra xảy ra khá phổ biến. 
TS Phạm Thị Huệ đánh giá nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là việc cơ quan thanh tra nhận trọng trách tiến hành nhiều cuộc thanh tra đột xuất. 
Trong khi đó, thanh tra đột xuất phần lớn mang tính chất phức tạp, có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng, đòi hỏi nhiều thời gian, nhân lực, buộc cơ quan thanh tra phải lùi lại những cuộc thanh tra có kế hoạch định sẵn. 
 
"Nhiệm vụ thanh tra thường xuyên không còn phù hợp, lẫn lộn với hoạt động kiểm tra xử lý vi phạm hành chính" - TS Phạm Thị Huệ nhận định.
Luật Thanh tra 2010 quy định về chỉ đạo, xử lý thực hiện kết luận thanh tra; xử lý hành vi không thực hiện yêu cầu, kết luận, quyết định xử lý về thanh tra. 
 
 
Dù vậy, nhiều kết luận thanh tra có tỉ lệ thực hiện thấp, thu hồi tiền sai phạm không cao, thậm chí kéo dài nhiều năm.
Theo ThS Nguyễn Phương Thảo (Khoa Luật Hành chính - Nhà nước, Trường Đại học Luật TP HCM), chế tài xử lý cá nhân, tổ chức không thực thi hoặc thực thi không đúng yêu cầu trong kết luận thanh tra có xuất hiện ở Luật Thanh tra 2010 cùng văn bản hướng dẫn thi hành nhưng mờ nhạt, khái quát. 
Pháp luật chưa hề nhắc đến thời hạn đối tượng thanh tra phải nộp lại số tiền sai phạm cũng như cách xử phạt vi phạm hành chính cụ thể đối với trường hợp không thực hiện, thực hiện không đầy đủ và kịp thời kết luận thanh tra.
 
Trao quyền tự quyết
Quá trình sửa đổi, bổ sung luật, TS Lê Việt Sơn đề xuất người biên soạn lưu tâm, bảo đảm tính độc lập trong tổ chức và hoạt động thanh tra. 
Pháp luật nên trao thủ trưởng cơ quan thanh tra quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức đối với những trường hợp phù hợp (thay vì phụ thuộc thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp).
"Nếu thay đổi như thế thì khi có ý kiến khác biệt suốt giai đoạn thanh tra, lãnh đạo cơ quan thanh tra không cần lo ngại lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp không tái bổ nhiệm mình" - TS Lê Việt Sơn giải thích.
Ngoài ra, dự thảo luật cần thống nhất việc cơ quan thanh tra có thẩm quyền ban hành kế hoạch thanh tra mà không cần ý kiến đồng ý hay phê duyệt từ thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp. 
Trường hợp lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước không chấp nhận, lãnh đạo cơ quan thanh tra cấp trên có toàn quyền "nhập cuộc".
 
Dự thảo luật đề cao trách nhiệm người đứng đầu đối với nhiều công tác liên quan đến thanh tra, kiểm tra để góp phần nâng cao trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước. 
Tuy nhiên, TS Phạm Thị Huệ cho rằng đưa thẩm quyền, trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về kiểm tra vào Luật Thanh tra là không hợp lý vì văn bản chung về nhiệm vụ, quyền hạn của chủ tịch UBND các cấp đã quy định rõ vấn đề này.
 
"Hoạt động thanh tra cần tổ chức chuyên nghiệp, thực sự thể hiện bản chất "nhìn từ bên ngoài" với hệ thống hành chính. Muốn như vậy, cơ quan có thẩm quyền cần xây dựng các tổ chức thanh tra chặt chẽ, có tính độc lập nhất định với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp" - TS Phạm Thị Huệ lưu ý.
 
Có cần thay đổi cơ quan tiếp công dân?
Với quan điểm tạo liên thông, đồng bộ trong công tác tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo..., dự thảo luật nhập chức năng tiếp công dân và quản lý trụ sở tiếp công dân (vốn do UBND quản lý) về cơ quan thanh tra. Đây là điểm mới so với Luật Thanh tra 2010.
 
Tuy nhiên, nhiều ý kiến khẳng định thay đổi này không thực sự cần thiết. Bởi lẽ, chủ tịch UBND thường xuyên ủy quyền cơ quan thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo. Chưa kể, việc chuyển quyền quản lý làm giảm hiệu quả thực hiện trách nhiệm tiếp công dân của người đứng đầu chính quyền.
Hải Ngọc - (nld.com.vn)
T/H:Anh Duc (dongbang.vn)
 

Bài viết mới nhất của Xã Hội