Chiều cùng ngày, QH bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực nội vụ. Lần đầu tiên ngồi "ghế nóng", Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời về việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, tăng lương; cơ chế trọng dụng nhân tài, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; giải quyết bài toán thiếu giáo viên…
Trả lời câu hỏi của ĐB Tao Văn Giót (Lai Châu) về việc tinh giản biên chế thời gian qua tác động thế nào đến việc cải cách lương cho cán bộ, công chức, viên chức (CCVC), Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết vừa qua cả hệ thống đã sắp xếp bộ máy, cơ cấu lại, giảm đơn vị hành chính cấp huyện, xã; giảm một loạt đơn vị sự nghiệp, giảm biên chế, giảm số người hưởng lương từ ngân sách, mục tiêu là cải cách hệ thống bộ máy, đội ngũ cán bộ CCVC. Việc này tác động lớn để có nguồn lực thực hiện cải cách tiền lương, tăng lương. Cụ thể, giai đoạn 2019-2021 đã tiết kiệm hơn 25.600 tỉ đồng, nguồn này được đưa vào cải cách tiền lương. Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định: "Sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh gọn biên chế tác động rất rõ, tạo ra nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương".
Trả lời ĐB Cao Mạnh Linh (Thanh Hóa) về vấn đề đào tạo, bồi dưỡng CCVC, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng trong thời gian qua có nhiều đổi mới trong đào tạo, bồi dưỡng theo chức danh lãnh đạo, theo vị trí việc làm, cắt giảm tối đa các loại chứng chỉ không cần thiết. "Đến nay, đã giảm 152 chứng chỉ, trong đó có 61/63 chứng chỉ công chức, 89/145 chứng chỉ viên chức" - Bộ trưởng cho biết.
ĐB Lương Văn Hùng (Quảng Ngãi) đề nghị Bộ trưởng đưa ra giải pháp khi việc xác định vị trí việc làm trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay chưa đồng bộ, thiếu quy định cụ thể. Bộ trưởng Bộ Nội vụ xin nhận khuyết điểm với trách nhiệm của ngành về vấn đề đại biểu nêu. "Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục cùng với Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan chức năng hoàn thiện toàn bộ các vấn đề liên quan đến xác định vị trí việc làm cũng như là khung năng lực của vị trí việc làm, triển khai một cách đồng bộ, toàn diện để bảo đảm được vấn đề quản lý biên chế theo vị trí việc làm" - Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà hứa.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn. Ảnh: PHẠM THẮNG
Trong khi đó, ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) dành sự quan tâm đến cơ chế, chính sách trọng dụng nhân tài, cho rằng trọng dụng nhân tài và thưởng, phạt nghiêm minh là thuật dùng người và cũng là quy luật trị quốc muôn đời từ trước đến nay. ĐB Lê Thanh Vân đặt câu hỏi: "Ngày 22-9-2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Vậy bộ trưởng đã tham mưu, đề xuất gì với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để biến chủ trương này thành pháp luật, tức là biến thành các quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung đối với toàn bộ máy nhà nước"?
Trả lời, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước về thu hút và trọng dụng nhân tài đã được thể hiện rất rõ trong các nghị quyết, chỉ thị, trong các văn kiện của Đảng, nhất là Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh về vấn đề này. Bộ Nội vụ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 140, thực hiện từ năm 2018 để trọng dụng, thu hút nhân tài. Các địa phương như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, đã chủ động xây dựng cơ chế, thông qua hội đồng nhân dân để có các chính sách thu hút nhân tài. Đến nay, các địa phương đã thu hút được khoảng 3.000 sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, nhà khoa học trẻ.
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, căn cứ chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Đại hội XIII, với sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nội vụ đang xây dựng chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài. "Với chiến lược này, sẽ có các cơ chế, chính sách hấp dẫn hơn, tốt hơn để thu hút, trọng dụng nhân tài. Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến các bộ ngành, liên quan, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt, đôn đốc để làm sao năm 2023 ban hành được" - Bộ trưởng thông tin.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng thừa nhận hiện đang thiếu cơ chế, hành lang pháp lý về việc khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, năng động sáng tạo, dám đột phá vì lợi ích chung theo tinh thần Kết luận số 14 của Bộ Chính trị.
Trong khi đó, hệ thống thể chế có những mặt chưa đồng bộ, có những vấn đề còn xung đột lẫn nhau, chưa thật sự bảo đảm đầy đủ các yếu tố cho cán bộ làm. "Theo tinh thần chỉ đạo Thủ tướng, Bộ Nội vụ đang xây dựng một Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, cụ thể hóa Kết luận số 14 của Bộ Chính trị" - Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà trả lời.
Giao biên chế giáo viên phải căn cứ theo định mức
Trả lời ĐB Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) và ĐB Đỗ Huy Khánh (Đồng Nai) về giải pháp cụ thể trước tình trạng thiếu giáo viên, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đề nghị: Trước mắt, việc giao biên chế phải căn cứ trên cơ sở định mức, nếu căn cứ theo từng điểm trường thì rất khó khăn, sẽ không bao giờ thực hiện được.
"Chia lửa" về vấn đề này, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cung cấp thông tin: từ nay đến năm 2026, tổng số giáo viên còn thiếu là 107.000 người, trong khi chỉ tiêu được giao bổ sung là 65.850. Con số 107.000 chỉ tiêu này là cách tính dựa trên thực tế, bởi có nhiều lớp học không theo chuẩn, học sinh ít nhưng vẫn phải duy trì điểm trường với tinh thần "ở đâu có học trò, ở đó có giáo viên".
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, cần rà soát, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông. Một số địa phương cần khẩn trương vừa tuyển theo chỉ tiêu cũ (vẫn còn) vừa tích cực tuyển theo chỉ tiêu mới. Bên cạnh đó cần cấp bách tăng lương, nâng phụ cấp ưu đãi, đặc biệt là đối với giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học với tinh thần "có thực mới vực được đạo".
. ĐB TRẦN VĂN LÂM (Bắc Giang):
Cần sự vào cuộc của nhiều ngành, nhiều cấp
Bộ trưởng TT-TT là người nắm rất chắc vấn đề, đặc biệt là vấn đề công nghệ, chuyển đổi số và trả lời thẳng thắn. Thời gian vừa qua, Bộ TT-TT đã làm khá tốt trong việc ngăn ngừa thông tin xấu, độc trên mạng. Các giải pháp bộ trưởng đưa ra tại phiên chất vấn phù hợp theo chức năng, thẩm quyền, phạm vi khả năng của các bộ, ngành.
Để ngăn ngừa thông tin xấu, không chỉ Bộ TT-TT hay Bộ Công an, mà đòi hỏi sự vào cuộc toàn thể, toàn diện và đồng bộ, phối hợp trách nhiệm của nhiều ngành, nhiều cấp. Ví dụ như trách nhiệm của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch hay Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc cùng phối hợp để nâng cao dân trí, xây dựng sức đề kháng của mỗi người dân trước những luồng thông tin độc hại, để người dân có kiến thức cần thiết để nhận biết và ứng xử phù hợp.
. ĐB NGUYỄN THANH CẦM (Tiền Giang):
Trả lời những vấn đề khá sát, thẳng thắn
Các phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra thành công, không khí phiên chất vấn cũng hết sức xây dựng, thẳng thắn và tập trung.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã trả lời những vấn đề khá sát, thẳng thắn những vấn đề đại biểu nêu. Đơn cử như khi nói đến Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24-4-2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, chúng tôi cũng thấy Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đã đưa ra những lộ trình, kế hoạch chủ động để khắc phục những vấn đề còn bất cập; giải pháp bộ trưởng nêu ra cũng khá cụ thể. Bộ trưởng cũng thấy rõ những bất cập khi thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính tinh gọn lại, đặc biệt là nhiều nơi có quy mô dân số của một đơn vị hành chính cấp xã rất lớn.
Mong rằng thời gian tới, những vấn đề bất cập sẽ sớm được giải quyết.