Cứu bé trai lọt vào trụ bê-tông: Phép mầu đã không xảy ra

Thứ năm, 05 Tháng 1 2023 08:44 (GMT+7)
Nhiều ngày liên tiếp với nỗ lực rất cao, song vì nhiều lý do khách quan, các lực lượng chức năng đành thừa nhận không còn hy vọng
 
Tối 4-1, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, xác nhận Thái Lý Hạo Nam (SN 2012; ngụ xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) đã tử vong. Nam là bé trai hôm 31-12-2022 không may lọt vào trụ bê-tông cắm sâu xuống mặt đất 35 m và mắc kẹt ở đó.
 
Linh hoạt nhiều phương án
 
Từ đêm 3-1 đến chiều 4-1, lực lượng chức năng đổi từ phương pháp sử dụng khoan xoáy nước áp lực cao sang khoan guồng xoắn, tiếp tục nỗ lực thực hiện công tác giải cứu bé Nam.
 
Trước đó, lực lượng cứu hộ dùng phương pháp khoan guồng xoắn để thực hiện khoan ở độ sâu 34-35 m, tương đương độ sâu đáy của trụ bê-tông. Sau đó, phương pháp khoan xoáy nước áp lực cao được thay thế với kỳ vọng tăng cường năng lực giải cứu nạn nhân.
 
Cứu bé trai lọt vào trụ bê-tông: Phép mầu đã không xảy ra - Ảnh 1.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp túc trực tại hiện trường để thăm hỏi, động viên lực lượng cứu hộ. Ảnh: LÊ KHÁNH
 

Nói về có khởi tố vụ án hay không, một lãnh đạo của UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết lực lượng chức năng đang ưu tiên các biện pháp cứu hộ và hỗ trợ khó khăn cho gia đình bé Nam nên việc xử lý trách nhiệm sẽ để sau khi việc trên kết thúc.

Tuy nhiên, chỉ vài giờ thực hiện, phương pháp này đem lại kết quả hạn chế nên phải tạm ngừng để ưu tiên khoan kỹ thuật guồng xoắn bằng mũi khoan có đường kính nhỏ hơn so với trước đó nhằm làm tan rã phần đất còn lại, giảm áp lực ma sát tối đa.
 
Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết việc thay đổi phương pháp khoan xuất phát từ tình hình thực tế cứu nạn, khi việc khoan xoáy nước áp lực cao khá chậm và chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng do gặp tầng địa chất cứng.
 
Cũng theo lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, ngay từ đầu, lực lượng chức năng đã tiên lượng sức khỏe của bé rất xấu. Lý do là vì trụ bê-tông hẹp, độ sâu đến 35 m, không khí không bảo đảm, có thể bé bị đa chấn thương trong lúc rơi vào trụ...
 
Điều kỳ diệu đã không tới
 
Nói về việc các hy vọng đã tắt, ông Bửu cho hay việc xác định cháu bé tử vong là do nhiều cơ quan cùng đánh giá, đưa ra dựa vào thời gian bé gặp nạn, tình trạng rơi vào ống có độ sâu.
 
Nói rõ thêm, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, đến thời điểm hiện nay, sau khi hội chẩn, gặp gỡ gia đình và đánh giá của cơ quan chuyên môn, cơ quan chức năng đã xác định không còn hy vọng.
 
Cứu bé trai lọt vào trụ bê-tông: Phép mầu đã không xảy ra - Ảnh 4.
Việc cứu hộ diễn ra liên tục 24/24 giờ.
 
"Chúng tôi có sự phối hợp liên ngành giữa pháp y, y tế, chính quyền địa phương và đánh giá hiện trạng tại vị trí cháu bé bị tai nạn rơi vào ống cọc có độ sâu, thời gian kéo dài, cứu hộ trong thời gian 4 ngày... Qua quan sát hiện trường, kết hợp với các yếu tố chuyên môn khác mà chúng tôi xác định bé đã tử vong" - ông Bửu nói và cho biết lực lượng cứu hộ đang tìm mọi cách đưa cháu bé lên mặt đất để gia đình lo hậu sự.
 
 
Hay tin bé Nam đã tử vong, nhiều người dân có mặt gần hiện trường và đội ngũ tham gia cứu hộ đã không cầm được nước mắt. Những ngày qua, dù biết sự sống của Nam rất mong manh nhưng ai cũng cầu nguyện và hy vọng điều kỳ diệu sẽ đến với bé. Tuy nhiên, giờ thì phép mầu đã vĩnh viễn không đến. 
 
 
Quyết tâm cao nhưng khó khăn chồng chất
 
Trong ngày 4-1, đoàn công tác của Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ - Bộ Công an và Bộ GTVT, Bộ Xây dựng, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cùng các chuyên gia, công an, quân đội đã đến hiện trường để hỗ trợ thêm cho công tác đưa bé Nam lên mặt đất.
 
Có mặt tại hiện trường, Thiếu tướng Nguyễn Minh Triều, Phó Tư lệnh Quân khu 9, đánh giá hiện trường vụ tai nạn nằm ở địa hình phức tạp, khó khăn trong di chuyển bằng đường bộ lẫn đường thủy nên buộc phải huy động nhiều lực lượng và thiết bị chuyên dụng...
 
Ông Lê Hoàng Bảo, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp, nhận định yếu tố cản trở quá trình cứu nạn là do ảnh hưởng về địa chất địa tầng, thiết bị được vận chuyển từ nơi xa đến nên lực lượng chức năng không thể chủ động được. Đây là lý do chậm rút trụ bê-tông lên theo như dự tính trước đó.
 
 
Diễn tiến vụ việc
 
Vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 31-12-2022, một nhóm trẻ em độ tuổi từ 11 đến 12 đi vào công trường xây dựng cầu Rọc Sen, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp và được nhân viên bảo vệ phát hiện đuổi ra. Tuy nhiên, đến khoảng 11 giờ 50 phút, khi công nhân đang nghỉ trưa thì nhóm trẻ này lại vào công trường phía mố MA không rõ mục đích.
 
Đến 11 giờ 55 phút, em Thái Lý Hạo Nam lọt vào trong lòng cọc ống D500 tại mố MA (cọc C1-MA) có đường kính ngoài cọc 50 cm, đường kính trong 25 cm. Tại thời điểm xảy ra sự cố, công trường ngừng làm việc và công nhân đang nghỉ trưa.
 
Ngay sau khi phát hiện, Ban Chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Tháp; Sở GTVT; Ban Quản lý dự án; tư vấn giám sát; nhà thầu thi công; chính quyền địa phương, lực lượng y tế và các lực lượng cứu hộ khác nhanh chóng đến hiện trường.
 
Đơn vị thi công đã dùng các bình ôxy có tại công trình bơm vào lòng ống; đồng thời sử dụng tất cả thiết bị chuyên dùng để phá vỡ kết cấu chặt của lớp địa chất làm giảm ma sát xung quanh thành cọc để có thể rút cọc lên, cứu bé trai lọt vào trụ bê-tông...
 
 
 

Bài viết mới nhất của Xã Hội