Đại tướng Võ Nguyễn Giáp (1911 -2013), Anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam (ảnh tư liệu).
Nhân 74 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 5 năm ngày mất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ngày 21.12, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc gia “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với văn hóa dân tộc". Hội thảo có sự tham gia của nhiều vị tướng lĩnh, nhiều nhà khoa học và giới văn nghệ sĩ.
Tại hội thảo, Thiếu tướng Hoàng Kiền có tham luận kể về câu chuyện rất đặc biệt với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Câu chuyện này có giá trị rất lớn về mặt lịch sử. Tướng Hoàng Kiền kể:
Vào buổi sáng tháng 7.2005, tôi đang trong phòng làm việc. Đại tá Nguyễn Huyên (Thư ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp) gọi điện đến nói: Anh Văn giao Tư lệnh Binh chủng Công binh lên kiểm tra hang Cốc Bó về báo cáo. Tôi băn khoăn mãi, bởi đã hai lần có đồng chí lên kiểm tra và về báo cáo hang Cốc Bó không việc gì.
Thiếu tướng Hoàng Kiền (ảnh L.K).
Tôi gọi cho Đại tá Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm tư vấn khảo sát thiết kế công trình quốc phòng đến trao đổi và giao nhiệm vụ: Đưa ngay một tổ công tác mang theo máy camera lên đo đạc, khảo sát toàn bộ khu Pác Bó và trọng tâm là hang Cốc Bó, kết hợp quay phim để về báo cáo Đại tướng. Anh Sơn lên trước, tôi lên sau. Khi chúng tôi khảo sát về, xem băng ghi hình cũng không phát hiện ra điều gì lạ trong hang, mọi người vẫn bảo nhau rằng hang vẫn như cũ.
Về Hà Nội, chúng tôi làm việc với Đại tướng. Ông dành có một buổi sáng để nghe báo cáo, xem trên màn hình toàn cảnh khu Pác Bó và chi tiết trong hang. Ngồi dự còn có Phu nhân Đại tướng, Thư ký Nguyễn Huyên và anh Võ Hồng Nam (con trai Đại tướng). Đại tướng chăm chú theo dõi màn hình, rồi nói: Khối đá to ở giữa hang kia là bị đánh sập từ nóc xuống. Ông trầm ngâm suy nghĩ, rồi gõ tay xuống bàn nói 3 lần: Tại sao họ lại đánh sập cái hang này?
Hang Cốc Bó (ảnh IT).
Hang này bị quân xâm lược dùng bộc phá đánh sập nóc hang vào năm 1979. Sau gần 30 năm, người tham quan nhiều, đi lại sờ vào làm nhẵn mòn mặt đá, nếu không có camera quay để Đại tướng xem và chỉ ra thì cũng không ai biết là hang từng bị đánh sập.
Đại tướng giải thích cho chúng tôi: Ngày 28.1.1941, sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Bác đã qua Trung Quốc trở về Việt Nam. Tôi đón Bác và Pác Bó là điểm dừng chân đầu tiên. Hai bác cháu nằm trong hang Cốc Bó tâm sự 7 đêm, Bác nằm trên phản gỗ, còn tôi nằm trên chiếu dưới đất bên cạnh.
Bác nói: Chú Văn ạ, người làm cách mạng trước hết phải dĩ công vi thượng, nghĩa là phải đặt lợi ích cách mạng lên trên hết. Cách mạng Việt Nam phải tiến hành vũ trang khởi nghĩa, giành chính quyền. Đại tướng nhìn chúng tôi rồi chậm rãi nói tiếp: Suốt đời tôi không bao giờ quên lời căn dặn này. Cả đời tôi luôn cống hiến cho sự nghiệp cách mạng theo lời dặn của Bác.
Cũng tại nơi đây, từ ngày 10 đến 19.5.1941, đã diễn ra Hội nghị Trung ương 8 do Bác chủ trì để bàn về chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền. Sau đó Bác quay trở lại Trung Quốc bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam. Sau khi được trả tự do về nước Bác cũng nằm trong hang này trước khi về Tân Trào.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: Hang Cốc Bó là di tích lịch sử hàng đầu của nước ta. Không có hang này thì không có Cách mạng Tháng Tám, không có Quốc khánh ngày 2.9, không có nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Cần phải khôi phục lại nguyên trạng hang này. Sau đó Đại tướng giao cho Binh chủng Công binh thực hiện. Đại tướng bảo anh Võ Hồng Nam thảo thư tay rồi ông ký đề nghị Thủ tướng hỗ trợ kinh phí. Anh Nam đi gặp các cơ quan chức năng, rồi gặp Thủ tướng lúc đó là ông Phan Văn Khải và được giải quyết.
Theo tướng Hoàng Kiền khi tiến hành khôi phục, điều khó nhất là không có ảnh trần hang ban đầu để thiết kế, anh em phải nghiên cứu, tìm hiểu qua đồng bào khu vực. May mắn lúc đó chúng tôi gặp được cụ Hoàng Văn Lục, người trực tiếp nấu cơm cho Bác tại hang và bà Nông Thị Khìn, người nấu cơm ở bản rồi mang lên cho Bác. Hai cụ vẫn nhớ rất kỹ hình dáng của vòm hang khi xưa giúp chúng tôi ghi chép lại. Đoàn công tác đã kết hợp dùng phương pháp 3 D, hội thảo xin các ý kiến chuyên gia.
Đến tháng 11.2006, công việc khôi phục được khởi công, Công ty xây dựng Lũng Lô (Binh chủng Công binh) đảm nhiệm thi công. Đoàn đã phải dùng máy khoan đá ép hơi chẻ nhỏ đá sập đưa ra ngoài, dựng khung thép ghép chống lên rồi bơm vữa bê tông bù lại tảng đá đã sập. Đến phần phun nhũ đỉnh hang, do tầm quan trọng và ý nghĩa của công trình nên Binh chủng Công binh và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cao Bằng đã thống nhất chọn công ty mỹ thuật hàng đầu của nước ta để thực hiện. Do phía công ty đòi giá cao nên cuộc đàm phán kéo dài. Mãi đến năm 2009, công trình mới hoàn thành. Phó Chủ tịch Quốc hội lúc đó là ông Huỳnh Ngọc Sơn lên thăm đã phê bình việc làm chậm.
Sau khi hoàn thành công trình, Đại tá Nguyễn Thanh Sơn lên báo cáo Đại tướng và chiếu hình ảnh trong hang sau khi khôi phục cho Đại tướng xem. Đại tướng rất hài lòng và khen Bộ đội Công binh làm rất giỏi, hang được khôi phục giống như ban đầu.
Nguồn: Lương Kết - (danviet.vn)
T/h: Nhật Minh - (dongbang.vn)