Đầu tư giao thông liên kết 8 tỉnh, thành phía Nam

Chủ nhật, 31 Tháng 5 2020 09:59 (GMT+7)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu nghiên cứu cơ chế đặc thù và gói hỗ trợ cho các vùng kinh tế trọng điểm, đặc biệt là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Ngày 30-5, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các Phó Thủ tướng, lãnh đạo các bộ, ngành đã làm việc với 8 tỉnh, thành phố khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam về nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Kiến nghị bổ sung nhiều tuyến đường sắt
 
Ngay trước buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thị sát các dự án trọng điểm ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu như cầu Phước An; tuyến đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải và cảng Hyosung; nghe báo cáo về tiến độ triển khai các dự án của Công ty Hóa chất Hyosung Vina với tổng vốn đầu tư khoảng 1,3 tỉ USD, trong đó có kho ngầm lưu trữ khí hóa lỏng dưới núi đá có độ sâu 200 m đầu tiên ở Đông Nam Á.
 
Ngay sau khi thị sát tiến độ các dự án, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với các địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tại buổi làm việc, đại diện 8 tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Bình Phước, Tây Ninh, Long An) đã báo cáo về tình hình của địa phương và đề xuất các kiến nghị với Thủ tướng. Đáng chú ý, nhiều tỉnh - thành đều đề xuất đẩy nhanh các dự án giao thông kết nối vùng.
Đầu tư giao thông liên kết 8 tỉnh, thành phía Nam - Ảnh 1.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn đại biểu thị sát tuyến đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho rằng cần đẩy nhanh tiến độ một số dự án trọng điểm, có tính liên kết vùng, cụ thể là bố trí vốn để hoàn thành dự án cầu Phước An, tuyến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, sớm nghiên cứu dự án tuyến đường sắt kết nối cảng Cái Mép - Thị Vải. Đồng thời, ông Nguyễn Văn Thọ kiến nghị bổ sung tuyến đường sắt kết nối từ Tây Ninh, Bình Phước qua Bình Dương, Đồng Nai vào tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu để vận chuyển hàng hóa ra vào khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải.
Theo ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cần ưu tiên quy hoạch đầu tư các công trình hạ tầng mang tính liên kết vùng, đặc biệt là tuyến đường cao tốc, hệ thống đường vành đai TP HCM, hệ thống cảng logistics. Định hướng ưu tiên phát triển từng địa phương nhằm tránh tình trạng các địa phương tự làm, đầu tư dàn trải. Trước mắt, đẩy nhanh tiến độ dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây - Liên Khương, Phan Thiết - Dầu Giây, mở rộng tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, Vành đai 3, Vành đai 4...
Lãnh đạo các tỉnh Bình Dương, Long An, Tiền Giang cũng kiến nghị sớm bố trí vốn thực hiện đường Vành đai 3, Vành đai 4, đường cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; mở rộng Quốc lộ (QL) 13 thuộc TP HCM; kiến nghị ủng hộ Bình Dương và Đồng Nai thực hiện kéo dài 1,8 km tuyến metro số 1 ở TP HCM bằng vốn vay ODA của Nhật Bản…
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền mong muốn sớm đầu tư tuyến đường cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành - Hoa Lư và tuyến đường sắt từ Dĩ An đi Hoa Lư nhằm giảm áp lực vận tải cho QL13, QL14 phục vụ phát triển các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các tỉnh Tây Nguyên và ĐBSCL.
"Bàn tiến chứ không bàn lùi"
Ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), đồng tình với đề xuất của 8 tỉnh, thành về kết nối giao thông vùng. Bộ GTVT đang bố trí vốn để đẩy nhanh các tuyến kết nối. Tuy nhiên, do nguồn vốn ngân sách nhà nước còn hạn hẹp nên các địa phương có thể chủ động, huy động các nguồn vốn khác để sớm triển khai dự án.
Đồng tình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đề xuất thêm các phương án để huy động nhiều nguồn vốn ngoài ngân sách địa phương, đồng thời nêu lên một số giải pháp để tập trung phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chiếm 42% GDP cả nước, 42% thu ngân sách cả nước; trong đó vị trí đầu tàu là TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương. Các tỉnh Tiền Giang, Bình Phước, Tây Ninh, Long An là các tỉnh có vị trí lan tỏa cho sự phát triển của vùng.
 
Thủ tướng đề nghị 8 tỉnh, thành phố quyết tâm phấn đấu vượt hoặc bằng mức kế hoạch mà Chính phủ đã giao. Ngoài ra, các địa phương cần thực hiện một số biện pháp như giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp, chú trọng phát triển các nguồn lực về kinh tế hạ tầng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vui mừng khi các tỉnh, thành vẫn chưa thay đổi mục tiêu kinh tế - xã hội mà Chính phủ đã giao và hội nghị này "chỉ bàn tiến chứ không bàn lùi".
 
Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu cơ chế đặc thù cho các vùng kinh tế trọng điểm, đặc biệt là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; cần nghiên cứu gói hỗ trợ vùng kinh tế trọng điểm; đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu việc tham gia của các tổ chức tín dụng đối với các dự án PPP trong lĩnh vực giao thông và các dự án trọng điểm khác.
 
Thủ tướng cũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch đất để giành đất cho KCN, khu đô thị; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh quy hoạch đáp ứng yêu cầu của địa phương, quốc gia để đón làn sóng đầu tư mới, thu hút đầu tư từ các tập đoàn công nghệ, nhất là các vùng kinh tế trọng điểm. Ngoài ra cũng cần lưu ý tình trạng thôn tính doanh nghiệp Việt Nam thông qua mua bán doanh nghiệp. Giao Bộ GTVT nghiên cứu đề xuất lập dự án kết nối các hạ tầng giao thông với KCN như dự án cầu Phước An (Bà Rịa - Vũng Tàu)... 
 
TP HCM: Điểm đến thu hút đầu tư, đổi mới sáng tạo
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng dù những tháng qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tăng trưởng GDP của TP HCM giảm nhưng vẫn chiếm tỉ trọng 25% trong tổng GDP của cả nước; tổng thu ngân sách giảm nhưng vẫn chiếm 25% tổng ngân sách cả nước...
 
TP HCM sẽ tập trung hỗ trợ cho DN từ nay đến hết năm 2020 với nhiều giải pháp lớn để duy trì sản xuất - kinh doanh, ngăn chặn sự phá sản của DN. Phấn đấu đến năm 2025, TP HCM cải thiện môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh đưa TP trở thành điểm đến hàng đầu trong khu vực về thu hút đầu tư, đổi mới sáng tạo; nâng cao công tác cải cách hành chính, giảm giấy tờ, rút ngắn quy trình giải quyết hồ sơ; đẩy mạnh công khai minh bạch về thông tin, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. TP HCM cũng tranh thủ nguồn đầu tư của các tập đoàn nước ngoài dịch chuyển vào Việt Nam.
Chuyên gia ĐỖ THIÊN ANH TUẤN,giảng viên Trường Đại học Fulbright:
3-do-thien-anh-tuan
Điều tiết phân bổ ngân sách chéo
Để phát triển kinh tế vùng, cần có thể chế đặc thù cho các vùng kinh tế nói chung, trong đó vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng, quan trọng là nhanh chóng hoàn thiện các tuyến đường cao tốc huyết mạch của vùng, như đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Mộc Bài - TP HCM, Bến Lức - Long Thành, Trung Lương - Mỹ Thuận và tiếp tục nối tuyến Mỹ Thuận - Cần Thơ...
 
Vấn đề quan trọng là chính sách, cần xác lập ngân sách vùng theo công thức đối ứng 20-80, trong đó ngân sách trung ương 20%, ngân sách các tỉnh trong vùng là 80%. Cho phép địa phương được giữ một tỉ lệ nhất định nguồn thu ngoại thương, không phải cho địa phương đó mà cho cả vùng. Thay vì nguồn ngân sách phải đi một vòng ra trung ương rồi quay trở lại địa phương thì cho phép 4 tỉnh, thành phát triển điều tiết trợ cấp chéo cho 4 địa phương còn lại trong vùng.
Ông NGUYỄN VĂN HÙNG, Chủ tịch HĐQT Becamex Bình Dương:
 
3-chu-tich-becamex-nguyen-van-hung-300x217
Thủ tục phải nhanh gọn
Trong thời kỳ hậu đại dịch, việc đẩy nhanh tốc độ hỗ trợ hành chính cho các DN sẽ là yếu tố then chốt. 
Chúng tôi mong Chính phủ quan tâm, cải cách thủ tục nhanh gọn, tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư tìm kiếm thị trường tiềm năng, đồng thời hỗ trợ sát sao cho những DN đang gặp khó khăn, vướng mắc. Đây chính là chìa khóa để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.
DN cam kết sẽ hết lòng, hết sức cùng Chính phủ, địa phương chung tay tháo gỡ khó khăn, bứt phá kinh tế - xã hội thời kỳ hậu Covid-19.
Trần Thường - (nld.com.vn)
T/H: Anh Đức - (dongbang.vn

Bài viết mới nhất của Chính Trị