Các đại biểu tại buổi Hội thảo
Cách đây 75 năm, ngày 23-9-1945, dưới sự lãnh đạo của T.Ư Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Xứ ủy, UBND và Ủy ban kháng chiến Nam Bộ đã kịp thời phát động quân và dân Nam Bộ mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Nam Bộ trở thành tiền tuyến của cả nước, đã thể hiện khí phách anh hùng, ý chí quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc, dũng cảm chiến đấu chống lại kẻ thù xâm lược, tạo điều kiện cho Đảng và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có thời gian chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài.
Từ ngày mở đầu kháng chiến (23-9-1945) đến khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ (19-12-1946), trên chiến trường Nam Bộ, ta đã từng bước thống nhất lực lượng vũ trang, hệ thống tổ chức đảng, chính quyền và các đoàn thể cách mạng. Trên cơ sở đó, quân và dân Nam Bộ đẩy mạnh các hoạt động tác chiến, phá tề trừ gian, tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch. Mặc dù không thể đánh bại được kế hoạch mở rộng đánh chiếm của thực dân Pháp do tương quan lực lượng quá chênh lệch, nhưng cuộc chiến đấu của quân và dân Nam bộ đã bước đầu làm thất bại chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của địch, khẳng định ý chí bảo vệ độc lập, tự do, thể hiện hình ảnh cao đẹp của “Nam Bộ thành đồng Tổ quốc”.
Mười lăm tháng kháng chiến là khoảng thời gian không dài, nhưng cuộc chiến đấu ở Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ đã tạo tiền đề cho việc xác định đường lối kháng chiến sau này, đồng thời khẳng định những quy luật của chiến tranh cách mạng trong điều kiện và bối cảnh mới của lịch sử. Đó là quy luật của chiến tranh nhân dân chống chiến tranh xâm lược, từng bước giành thắng lợi, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Để tiến hành Hội thảo, ban tổ chức đã nhận được gần 90 báo cáo, tham luận của các cơ quan T.Ư, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành; các tướng lĩnh, sĩ quan, nhân chứng lịch sử, các nhà khoa học trong và ngoài quân đội. Các tham luận khoa học đã đề cập một cách toàn diện, phong phú, sâu sắc xoay quanh những nội dung, vấn đề Hội thảo đặt ra.
Các đại biểu phân tích làm rõ bối cảnh lịch sử, tình hình trong nước và quốc tế liên quan, đặc biệt là âm mưu và hành động của thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam và Đông Dương, khởi đầu từ Sài Gòn - Chợ Lớn và các địa phương Nam Bộ. Các tham luận đã khẳng định đường lối, chủ trương lãnh đạo đúng đắn của T.Ư Đảng, Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời làm sáng tỏ sự nhạy bén, chủ động, kiên quyết của Xứ ủy, UBND và Ủy ban kháng chiến Nam Bộ trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân Nam Bộ khẩn trương chuẩn bị lực lượng, nêu cao tinh thần, ý chí, quyết tâm kháng chiến, kịp thời giáng trả quân Pháp bằng thứ vũ khí có trong tay.
Hội thảo khoa học đã khẳng định và nêu bật tầm vóc, ý nghĩa của sự kiện Nam Bộ mở đầu kháng chiến; khái quát và đúc rút những bài học kinh nghiệm, bài học lịch sử có giá trị vận dụng trong lãnh đạo, chỉ đạo, hoạch định đường lối chính trị, chiến lược quân sự, quốc phòng nhằm không ngừng tăng cường, củng cố tiềm lực mọi mặt, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Phát biểu tại Hội thảo khoa học “Nam Bộ kháng chiến - ý chí bảo vệ độc lập, tự do và bài học lịch sử”, Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên T.Ư Đảng, Ủy viên Quân ủy T.Ư, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định, đây là hoạt động thiết thực kỷ niệm 75 năm Ngày Nam Bộ kháng chiến, là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ôn lại truyền thống đấu tranh anh dũng của các thế hệ cha anh, đặc biệt là của “Nam Bộ thành đồng Tổ quốc”. Kết quả Hội thảo sẽ góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí bảo vệ nền độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Đồng thời, giúp chúng ta có cái nhìn sâu sắc, toàn diện, đầy đủ hơn về tầm vóc, giá trị lịch sử và hiện thực của 15 tháng kháng chiến ở Nam bộ, qua đó, đúc rút những kinh nghiệm và bài học lịch sử quý để vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay.
Trung tướng Nguyễn Tân Cương nhấn mạnh, Hội thảo hôm nay đã cung cấp thêm nhiều tư liệu quý, góp phần bổ sung, làm phong phú, nhận thức sâu sắc hơn về Nam Bộ kháng chiến. Tuy nhiên, sự kiện lịch sử đã diễn ra cách đây 75 năm, vẫn còn nhiều tư liệu, sự kiện cụ thể chưa được tổng hợp đầy đủ, toàn diện. Vì vậy, sau cuộc Hội thảo này, đề nghị các ban, ngành, đơn vị, các nhân chứng lịch sử, sĩ quan, tướng lĩnh, các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, cung cấp thêm các tư liệu, sự kiện liên quan, để các cơ quan nghiên cứu bổ sung vào các công trình khoa học, phục vụ cho việc nghiên cứu trong tương lai.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí của T.Ư, Quân đội và các địa phương tiếp tục tuyên truyền, thông tin về Nam Bộ kháng chiến một cách rộng rãi để nâng cao nhận thức và trách nhiệm đối với lịch sử, củng cố lòng tự hào và tinh thần yêu nước cho các thế hệ người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, các cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường trong toàn quân cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, đưa các kết quả nghiên cứu trên được hiện thực hóa đầy đủ, sâu sắc hơn nữa trong hoạt động thực tiễn.
MẠNH HẢO - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)