Gần chục ngày nay, anh Nguyễn Văn Ngẫm bắt đầu ra đồng giăng lưới bắt cá
Kinh doanh, sản xuất ngư cụ vào mùa
Thời điểm này, người dân bắt đầu mua sắm, làm mới các ngư cụ để mong bắt được nhiều cá, tôm, hoạt động kinh doanh, sản xuất ngư cụ nơi đây cũng nhộn nhịp hơn hẳn. Gia đình ông Trương Thanh Hưng (ở xã Bình Thạnh, TX.Hồng Ngự) gắn bó với nghề làm lọp cua trên 10 năm. Dù sản xuất quanh năm, song cứ vào mùa nước thì hoạt động này tại gia đình ông Hưng lại nhộn nhịp hơn, hiệu suất làm việc tăng gấp 2, 3 lần so với ngày thường. Theo ông Hưng, làm lọp cua phải mất nhiều công đoạn, nên mỗi ngày một người chỉ làm được khoảng 3 - 4 cái. Mỗi mùa nước nổi, gia đình ông cung ứng ra thị trường trên 1.000 cái lọp với giá từ 28.000 - 30.000 đồng/cái, trừ chi phí người sản xuất có lãi từ 10.000 - 15.000 đồng/cái. “Giai đoạn bán được nhiều nhất là từ đây cho đến tháng 9, bởi vì đã vào vụ người dân mua lọp đi đặt nhiều lắm. Bây giờ con nước đang quây, nước nhiều chừng nào thì anh em đặt lọp nhiều chừng ấy” - ông Hưng cho biết.
Còn chú Phạm Văn Dũng (ấp Bình Chánh, xã Bình Thạnh, TX.Hồng Ngự) đã nhiều năm mưu sinh bằng nghề đan lưới thuê. Chú Dũng chia sẻ: “Ngày thường cũng có người đặt mình đan lưới với kích cỡ theo yêu cầu. Lúc này, mùa nước đang về, hàng đặt nhiều hơn. Hiện bình quân mỗi ngày tôi đan 2 tay (100m) cho khách, thu nhập khoảng 150 ngàn. Mỗi mùa nước lên, tôi đan khoảng 70 - 100 tay lưới đủ loại. Năm nay lũ về sớm, nước dự báo ngập sâu nên lượng hàng có thể tăng hơn năm ngoái...”.
Ngoài hoạt động gia công, sản xuất, các cửa hàng kinh doanh ngư cụ cũng “ăn nên làm ra”. Theo một số chủ cửa hàng kinh doanh tại chợ Hồng Ngự, do năm nay nước về sớm và lớn nên cửa hàng phải chủ động đặt thêm hàng với số lượng lớn. Trong đó, các loại lưới đang được người dân tại các vùng lũ tập trung mua nhiều nhất. Anh Trương Hoài Nam - chủ cơ sở kinh doanh ngư cụ tại phường An Thạnh, TX.Hồng Ngự cho biết: “Năm nay do lũ về sớm nên bà con chuẩn bị dụng cụ sớm hơn. Lượng khách mua hàng năm nay tăng gấp đôi so với năm trước. Thường người dân chuẩn bị “đón lũ” trước 1, 2 tháng, nhưng năm nay lũ về sớm và bất ngờ nên nhiều người không kịp trang bị ngư cụ. Do đó, nhiều người tìm mua các mặt hàng làm sẵn để kịp vào mùa đánh bắt thủy sản”.
Người dân chọn mua ngư cụ tại chợ Hồng Ngự
Ngư dân sẵn sàng mưu sinh mùa lũ
Huyện Hồng Ngự, Tân Hồng và TX.Hồng Ngự được xem là những địa phương đầu nguồn của tỉnh, nơi nước lũ về sớm và nhiều nhất. Năm nay, con nước về sớm hơn và lũ cũng cao hơn vài năm trở lại đây nên người dân phấn khởi chuẩn bị dụng cụ sẵn sàng cho cuộc mưu sinh.
Bà Bùi Thị Sương (SN 1957, ngụ xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự) có hơn chục năm hành nghề giăng câu, thả lưới mùa lũ. Theo nghề “bà cậu” nhiều năm qua, có lúc vợ chồng bà “ăn nên làm ra” khi cá, tôm rất nhiều. Nhưng cũng có năm thu nhập chỉ để sống qua mùa nước nổi. Mùa lũ năm nay, nước lên nhanh và lớn, vợ chồng bà Sương kỳ vọng lượng tôm, cá thu được sẽ khấm khá hơn mọi năm. Bà Sương tâm sự: “Gắn bó với nghề bao nhiêu năm trời nên nó như ăn vào máu không bỏ được. Năm nào cũng vậy, không hiểu sao tôi cứ mong ngóng con nước về. Dẫu biết rằng cái nghề giáp mặt “bà thủy” này lắm cơ cực và bấp bênh, nhưng dân nghèo chúng tôi không còn lựa chọn khác”. Do con nước mới bắt đầu, mỗi ngày vợ chồng bà Sương chỉ bắt được vài ký cá các loại, thu nhập chưa tới 100 ngàn đồng.
Với gần 1.000m lưới các loại từ 2 - 4 phân, anh Nguyễn Văn Ngẫm (xã Bình Thạnh, TX.Hồng Ngự) đã ra đồng bắt cá hơn chục ngày. Gia đình nghèo không có đất sản xuất, chủ yếu dựa vào nguồn thu nhập từ nghề làm thuê. Nước lũ về, đồng nghĩa với việc làm thuê của vợ chồng anh ngày càng ít đi. Do vậy, nghề câu lưới trong mấy tháng nước nổi giúp vợ chồng anh Ngẫm có thêm thu nhập. “Năm nay nước về sớm, nhờ vậy đi giăng lưới cũng sớm hơn. Cá thu được bây giờ còn ít, mỗi ngày chỉ 1 - 2kg thôi. Dù không khấm khá nhưng tiền bán cá cũng giúp gia đình tôi đủ sống và lo cho con ăn học. Thường tôi giăng lưới đến khi nào nước xuống khô đồng mới nghỉ” - anh Ngẫm chia sẻ.
Năm nay đã 63 tuổi, nhưng chú Phan Văn Triều (ở Thường Thới Hậu B, huyện Hồng Ngự) vẫn gắn bó với nghề đặt lọp tôm. Chú Triều nhớ rất rõ là mình đã làm nghề này từ năm 20 tuổi và cứ thế cái nghề “bà cậu” theo chú đến hôm nay. Vừa chăm chú ngồi đan lọp, chú Triều cho biết: “Nước về rồi, tôi tranh thủ làm thêm vài chục cái lọp, cộng với số lọp cũ để mưu sinh. Theo từng năm, lượng tôm cũng ngày càng cạn kiệt”. Theo chia sẻ của chú Triều, hiện lọp đan sẵn bày bán rất nhiều ở các chợ, nhưng chỉ có lọp mình tự tay làm ra mới chạy được nhiều tôm. Bởi thế, mỗi người đã theo nghề đặt lọp tôm đều rất khéo tay trong việc tạo ra những chiếc lọp cho riêng mình.
Lực lượng chức năng kiểm tra việc sử dụng ngư cụ đánh bắt thủy sản
Khai thác song hành cùng bảo vệ nguồn lợi thủy sản
Vùng đầu nguồn Hồng Ngự, Tân Hồng và TX.Hồng Ngự được xem là xứ sở “trên cơm dưới cá” với nguồn lợi thủy sản nội đồng phong phú nhất tỉnh. Mùa nước nổi kéo theo lượng lớn cá, tôm giúp người dân nghèo tăng thu nhập lúc nông nhàn. Những năm gần đây, việc đánh bắt, khai thác trái phép làm cho nguồn lợi thủy sản nơi được cho là “trù phú” này cũng dần cạn kiệt khiến cuộc sống của những ngư dân mưu sinh vùng lũ càng khó khăn hơn.
Nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản tự nhiên, cuối năm 2015, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành quy định về việc cấm khai thác thủy sản giai đoạn từ ngày 1/5 - 1/7 hằng năm. Ngoài ra, nghiêm cấm việc sử dụng ngư cụ có mắc lưới nhỏ, ghe cào gắn máy nổ và xung điện đánh bắt thủy sản... Trạm Thủy sản vùng số 1 (quản lý huyện Hồng Ngự, TX.Hồng Ngự và huyện Tân Hồng) thường xuyên tuyên truyền trên Đài truyền thanh các địa phương về việc cấm khai thác thủy sản kiểu tận diệt, cũng như thực hiện nhiều biện pháp giáo dục nâng cao nhận thức của người dân trong việc đánh bắt thủy sản. Đồng thời, tổ chức nhiều đợt ra quân kiểm tra, xử lý những trường hợp vi phạm, đặc biệt là thời điểm vào mùa nước nổi hằng năm.
Theo số liệu thống kê năm 2017, Trạm Thủy sản vùng số 1 phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng chuyên ngành tổ chức 18 đợt ra quân kiểm tra, phát hiện 183 trường hợp vi phạm. Kết quả, tạm giữ 26 ghe cào; tịch thu 26 bộ lưới có kích thước mắc lưới nhỏ hơn quy định; xử phạt vi phạm hành chính 26 trường hợp với số tiền 43 triệu đồng và tuyên truyền, nhắc nhở, cho làm cam kết không tái phạm hàng trăm trường hợp vi phạm mức độ nhẹ, vi phạm lần đầu...
Đầu mùa lũ 2018 này, Trạm Thủy sản vùng số 1 phối hợp với các ngành hữu quan tổ chức đợt kiểm tra tại TX.Hồng Ngự. Qua kiểm tra, Đoàn phát hiện 20 trường hợp vi phạm: dùng lưới có mắc lưới nhỏ đánh bắt thủy sản, 5 trường hợp chất chà trong thời gian cấm khai thác, tịch thu 5 đú dớn, cho 10 trường hợp cam kết tự tháo dỡ đú dớn...
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, tình trạng khai thác tận diệt nguồn thủy sản đầu mùa lũ vẫn còn xảy ra phổ biến ở khu vực đầu nguồn. Việc tổ chức ra quân, kiểm tra xử phạt còn gặp nhiều khó khăn. “Việc xử phạt hành chính hay tịch thu phương tiện, ngư cụ khó lòng khiến người dân thay đổi nhận thức. Bởi, đa số hộ dân đánh bắt thủy sản đều rất nghèo nên vì mưu sinh mà họ vi phạm lệnh cấm trong khai thác thủy sản. Do vậy, thời gian tới, Trạm Thủy sản vùng số 1 đề nghị các địa phương tăng cường giải pháp tuyên truyền, nhắc nhở và giáo dục là chính. Việc này giúp nâng cao nhận thức để người dân tự chấp hành quy định trong đánh bắt thủy sản, từng bước xóa bỏ tình trạng vi phạm...” - ông Lê Hoàng Nam Trưởng Trạm Thủy sản vùng số 1 nhấn mạnh.