Theo sự phát triển của cuộc sống hiện đại, cây cầu khỉ ở vùng lũ ngày càng ít dần. Thế nhưng đâu đó vẫn còn một số ít vùng nông thôn, mùa lũ về là lúc những cây cầu khỉ được bắc lên để người dân đi lại trong 3 tháng nước.
Cây cầu khỉ rất đơn giản chỉ gồm những thân tre hay bất cứ loại cây gì có thể đi lên được là người dân chọn làm thân bắc nằm trên những thanh tre bắc chéo, tạo thành cây cầu khỉ. Chiếc cầu nhỏ nhắn đung đưa, phía dưới là nước, phía trên có tay vịn để người đi lại trên cầu không bị ngã xuống dòng nước. Chị Hồ Thị Lắm ngụ xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự cho biết: “Dân trong xóm bắc cầu đi qua đi lại, mười mấy nhà gì đó, đi chung một cây cầu. Mình trồng tre, nhà nào có cây thì góp vô, rồi bắc cầu đi chung với nhau”.
Với địa thế vùng trũng thấp, gần 100 hộ dân ở ấp Trung 2, xã Thường Thới Tiền bị ngập sâu khi lũ về, vì thế mà cây cầu khỉ rất cần thiết đối với người dân ở đây. Theo nhiều người dân sinh sống ở ấp Trung 2, xã Thường Thới Tiền, khi nước lũ tràn vào là cả xóm chung tay làm những chiếc cầu khỉ dài hàng chục mét, bắc từ nhà này sang nhà khác. Người có tre thì góp tre, không có thì ra công, cùng xúm nhau làm.
Cây cầu khỉ không chỉ đảm đương nhiệm vụ là một chiếc cầu nối cho người dân qua lại mà còn có một sứ mệnh cao cả hơn đó là nối nhịp tình làng nghĩa xóm.
Ông Trần Hữu Đức - Trưởng Ban nhân dân ấp Trung 2, xã Thường Thới Tiền cho biết: “Nước lũ về sớm thì bà con chung tay góp sức bắc cây cầu đi ra đường cho con em đi học dễ dàng trong mùa lũ, qua đó thể hiện tình đoàn kết giữa nhà này với nhà kia”.
Nếu ai đã từng đi trên chiếc cầu khỉ chắc có lẽ sẽ nhớ mãi cái cảm giác vừa thích thú vừa hồi hộp bởi sự rung lắc của những chiếc cầu. Với vùng đất đặc trưng, người miền Tây đã quá quen thuộc với chuyện sống chung với lũ. Và những cây cầu khỉ cũng góp phần khắc ghi mãi hình ảnh vùng quê trong ký ức của biết bao thế hệ.