Nhiều ngôi nhà đã bị chìm trong mênh mông biển nước
Cách trở đường đi
Chúng tôi đến ấp 1, xã biên giới Thường Phước 1 giữa buổi trưa đầy nắng, gió. Từ đây, muốn đến khu dân cư Giồng Bàng, chỉ có thể di chuyển bằng ghe, đò. Nhà có phương tiện thì chủ động được thời gian. Còn những người quá giang đi nhờ thì phải chờ đợi chủ đò đến rước. Cùng chờ với chúng tôi, có những em học sinh vừa tan buổi học sáng, có cả các cô, các bà đi chợ mua lương thực về trữ để dùng trong vài ngày tới. Để kịp những chuyến đò, mọi người phải dậy từ sớm, tầm 4 giờ sáng đã phải chuẩn bị đi và chờ đến khi gặp người quen để quá giang về.
Bà Nguyễn Thị Bạch Yến cùng đợi đò với chúng tôi kể: “Lâu lâu mới đi ra chợ mua một lần. Lúc này, ở đó như cái đảo rồi, xung quanh toàn nước. Năm ngoái nước nhỏ thì đỡ, năm nay nước lớn thì khổ, đi lại vất vả hơn”.
Hơn 11giờ 30 phút, chuyến đò của anh nông dân hiền lành, hằng ngày đưa rước các em học sinh trong ấp đến trường cập bến. Mọi người vui mừng, tất tả bước lên đò, chuyền cho nhau những chiếc phao để mặc, đảm bảo an toàn khi sóng gió. Chúng tôi bắt đầu khởi hành về “ấp đảo”. Con nước năm nay đến sớm và lên nhanh, con đê ngăn lũ cũng là tuyến đường độc đạo đi vào ấp đã bị chìm trong nước hơn cả tháng qua. Nhiều căn nhà đã bị chìm trong dòng nước chảy xiết, chỉ còn thấy nóc chơ vơ giữa mênh mông biển nước.
Chuyến đò đưa rước học sinh và người dân “ấp đảo” ra trung tâm xã
Được hôm ít sóng gió, nên chỉ tầm 30 phút là chúng tôi đã đến khu vực ấp đảo. Trước mắt là những mái nhà đơn sơ, sập xệ, một vài chuồng trại chăn nuôi bò hay lươn. Có lẽ đó là cả gia tài của bà con sống ở khu dân cư này. Anh bạn đi chung đoàn cũng là “thổ địa” vùng này gọi đây là nơi mà người dân thuộc lòng từng cái tên, từng gương mặt hàng xóm. Bởi quanh đi quẩn lại cũng chỉ có hơn 100 hộ dân được đưa vào sinh sống ở khu dân cư này đã mười mấy năm qua.
Còn nghèo khó nhưng thắm đượm tình làng, nghĩa xóm...
Ông Trần Văn Phục là một trong những người dân đầu tiên chuyển về sống ở đây, từ khi khu dân cư mới thành lập. Ông bảo ở đây là khu “6 tháng nước, 6 tháng khô”. Tháng khô còn có thể bươn chải chứ đến mùa nước không có gì làm. Ở đây mười lăm, mười sáu năm rồi, đời sống bà con cũng còn lắm vất vả. Ông Phục cho biết thêm: “Ở đây nói nghề chính là ít, nghề phụ là nhiều, thường là đi làm thuê mướn để sống qua ngày. Mấy tháng Tết thì mọi người mới về đây, chứ ngày thường chủ yếu đi làm ăn xa”.
Không khí ngày thường ở đây có phần hiu quạnh. Đa phần những thanh niên vì mưu sinh phải đi làm xa tận Bình Dương hay TP.Hồ Chí Minh. Người còn ở lại đa phần là người già neo đơn, trẻ em và phụ nữ. Nhiều hoàn cảnh như bà Đỗ Thị Huệ, thân già yếu, gặp khi nước lớn cũng chỉ biết ở nhà rau, cháo qua bữa. Bà Huệ chia sẻ: “Hổng có mần được gì, vì ở đây có mướn, người ta cũng mướn người trẻ, có sức lao động, chứ già như tôi người ta đâu có mướn”.
Công việc “thời vụ” giúp bà con trong ấp có thêm thu nhập
Với người dân trong ấp, có được một việc làm thời vụ trong mùa lũ cũng đã là mừng và an tâm hơn. Thời gian này, nhờ công trình làm đường trong tuyến dân cư mà một số hộ dân có thêm thu nhập, nhẹ nỗi lo cơm gạo hằng ngày. Chị Nguyễn Thị Thúy Loan cũng là một trong những người có được thu nhập từ đây. Nhà dột xiêu, không biết lúc nào đổ sập, con còn quá nhỏ, chị không thể đi làm xa, chỉ quanh quẩn tìm việc gần nhà. Gương mặt lấm tấm mồ hôi, đôi tay vẫn không ngơi làm việc, chị chia sẻ vội với chúng tôi: “Tôi cũng làm mướn, làm thuê chứ đâu có đất canh tác, cứ lam lũ mần tối ngày, mùa này tới mùa kia. Hổm rày nước lũ, không có việc gì làm nhưng cũng may là có công trình làm đường nên tôi xin vô làm mấy ngày nay”.
Có lẽ vì thân thuộc, vì đồng cảnh với nhau nên cũng nặng tình làng nghĩa xóm. Từ đây, người ta nhớ đến một anh nông dân chân chất mà giàu lòng nhân ái, hằng ngày đưa những chuyến đò thầm lặng để các em học sinh không phải nghỉ học. Người ta nhớ đến những thầy, cô từng ngày gian nan đi đò đến điểm trường Mầm non và điểm phụ của Trường Tiểu học Thường Phước 1 nằm trên ấp Giồng Bàng để dạy học trò. Người ta cũng nhớ những câu chuyện tối lửa tắt đèn có nhau của bà con “ấp đảo”.
Tạm biệt Giồng Bàng, chúng tôi mang theo nhiều trăn trở nhưng đâu đó cũng thấy ấm lòng giữa mênh mông con nước. Hy vọng mùa nước nổi năm sau, bà con và các em học sinh sẽ không còn cảnh đợi từng chuyến đò đưa. Thay vào đó sẽ đi trên con đường mới nối liền trung tâm xã với ấp mà hiện nay đang trong tiến trình xây dựng, hứa hẹn sẽ được sớm hoàn thành. Và, cái danh “ấp đảo” sẽ không còn tồn tại, bức tranh đời sống của người dân nơi đây sẽ có nhiều gam màu tươi sáng hơn.