Chị Hoàng Lan (quận Hoàng Mai, Hà Nội) lấy chồng được 5 năm. Hai vợ chồng mua được căn hộ riêng, nhưng cũng chỉ cách nhà bố mẹ chồng hơn 1 km. 5 năm nay, chị đón Tết trong bếp nhà bố mẹ chồng. Mẹ chồng chị nặng lễ tiết nên từ đầu tháng Chạp, dù công việc cuối năm bận bù đầu nhưng chị Lan vẫn phải dành thời gian để cùng mẹ chồng đi mua sắm, chuẩn bị đặt hàng các loại đặc sản dành cho dịp Tết. Không chỉ đặt ăn mà còn đi biếu 3 dì, 4 chú và cho cả gia đình 3 chị chồng.
Nhiều nàng dâu tự hỏi "chồng muốn về nhà bố mẹ đẻ để đón Tết, còn mình tại sao không?" - Ảnh minh hoạ
Sát Tết, chị lại mất 3-4 ngày vùi đầu vào gói giò, gói nem, làm mứt bí, mứt dừa, kẹo lạc, thịt bò khô, rồi bánh chưng, nấu thịt đông, nấu măng, làm nem… Cái gì cũng phải làm hàng chục cái, hàng chục bát, dăm ba cân vì còn đi biếu xén, đi cho các nơi…
Rồi chị lại lụi cụi làm cơm cúng ông Công ông Táo, cơm tất niên và cơm cúng suốt 3 ngày Tết sau đó. Các chị chồng đưa gia đình về chúc Tết lại bày vẽ ăn uống. Hàng chồng bát đĩa chị lại vùi đầu rửa. Chị Lan cảm thấy chân mình xuống máu như chân voi và đôi tay rã rời như vừa cử tạ quá sức. Gần như không có ai trong gia đình chồng chia sẻ gánh nặng việc nhà dịp Tết với chị. Chồng chị ngồi uống rượu, "chém gió", thi thoảng còn sai chị xào thêm đĩa rau, bưng thêm vò rượu…
Quê bố mẹ chị chỉ cách nhà chồng 50 km nhưng trước Tết chị chỉ ghé qua biếu bố mẹ quà Tết nửa ngày, còn việc chúc Tết cũng phải mùng 3 chị mới về được. Vì thế, chị cảm thấy áy náy, hối lỗi với bố mẹ rất nhiều. Nhưng năm nào chị ngỏ ý muốn về ăn Tết với bố mẹ là chồng chị mặt sưng mày xỉa, nói rằng chị "trốn việc", "làm dâu tắc trách", "lấy chồng theo chồng". Chị sợ chồng giận nên cũng đành nín nhịn.
Tết năm nay, bố chị vừa qua cơn tai biến, người yếu hẳn. Chị nhìn bố mà xót xa, lo rằng sẽ không còn nhìn thấy bố bao nhiêu Tết nữa. Vì thế, chị không nói với chồng mà thưa hẳn với bố mẹ chồng xin về nhà ăn Tết với bố mẹ từ 29 Tết, mùng 2 sẽ lên vì bố mình vừa qua cơn bệnh nặng.
Nào ngờ, mẹ chồng chị đùng đùng nổi giận, nói chị bất hiếu với tổ tiên nhà chồng, con dâu mà không lo Tết nhà chồng, thắp hương nhà chồng vào dịp lễ Tết thì chẳng khác nào phỉ nhổ vào nhà bà. "Nếu cô muốn về ăn Tết với bố mẹ thì ở đó vĩnh viễn luôn đi, đừng quay về nữa"- mẹ chồng lớn tiếng. Chị Lan không nhịn được, cũng cự lại: "Mẹ cũng có cha mẹ, sao có thể chỉ hiếu với nhà chồng mà bỏ qua bố mẹ mình. Bố mẹ không cho thì Tết này con cũng đi".
Anh Bình vừa về đến nhà, vừa nghe mẹ hổn hển tức giận mách, anh tức giận giang tay, tát vợ một cái trời giáng và quát lớn: "Nhà này đã có luật là không có chuyện về ngoại ăn Tết. Cô đừng có lên học thói mất dạy". Chị Lan sững sờ ôm má, nhìn chồng kinh ngạc. Chị không nói thêm lời nào, quay vào phòng. Trong lúc chồng chị xúm vào khí dỗ mẹ nguôi giận thì chị lẳng lặng bế con, lên taxi về quê với bố mẹ mình.
"Không phải chuyện một cái tát, cũng không phải chuyện bị ngăn cản về quê ăn Tết mà tôi cảm thấy đã đánh mất mình quá nhiều vào cuộc hôn nhân này. Tôi có cố gắng bỏ thêm công sức nhiều nữa thì họ cũng sẽ không hiểu, không tôn trọng"- chị Lan tâm sự.
Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, trước đây có khá nhiều cặp vợ chồng lục đục trong dịp sum họp chỉ vì tranh cãi ăn Tết nhà ngoại hay nhà nội. Do tục làm dâu và quan niệm "lấy chồng phải theo chồng" nên không ít người chồng, bố mẹ chồng bắt buộc con dâu phải làm cơm tất niên, đón giao thừa, cúng mùng 1 với gia đình nhà chồng, đến mùng 2 mới được đi Tết nhà ngoại. Cha mẹ có con gái dù buồn nhớ con nhưng cũng cam chịu vì "con gái là con người ta".
Tuy nhiên, con nào cũng là con, gái hay trai đều có cha mẹ, có tình cảm và mong muốn được đón Tết với cha mẹ già của mình. Hơn nữa, ngày xưa, cha mẹ có con đàn cháu đống, thiếu con gái đã có con trai, con dâu nhưng hiện nay, nhiều cha mẹ chỉ có 1 đến 2 con, lại là con gái một bề thì ngày Tết nếu con gái đều đón Tết ở nhà chồng thì cha mẹ sẽ hiu quanh, cô đơn.
Do đó, hai vợ chồng cần bàn bạc một "lịch Tết" đầy đủ, chu đáo không nặng bên này, nhẹ bên kia để vợ chồng cùng vui vẻ, thoải mái và bố mẹ hai bên đều cảm thấy hạnh phúc. Nếu khoảng cách hai quê quá xa thì nên có kế hoạch năm nay Tết nhà nội, sang năm Tết nhà ngoại, hoặc vài năm ăn Tết nhà ngoại một lần.
Như vậy, người vợ sẽ cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc vì người chồng tâm đầu ý hợp, giàu tình cảm với vợ. Người chồng cũng nên "đả thông" tư tưởng cho bố mẹ mình hiểu. Đừng chỉ vì việc "Tết nội Tết ngoại" mà khiến gia đình rơi vào "chiến tranh", mất luôn cả Tết.