Ý nghĩa của ngày Rằm tháng Giêng
Trong dân gian, Rằm tháng Giêng hiểu một cách đơn giản là một trong những ngày Rằm lớn. Ngày này có 3 lễ cúng:
Một là lễ cúng khởi năm đón lộc cầu may.
Hai là Tết ăn lại (Tết bù) cho nhà nào dịp Tết Nguyên đán có người đau yếu, tang ma không kịp ăn Tết, nay khỏe mạnh trở lại, mọi người thư thả thì ăn bù, đi chúc Tết lại nhau một cách cởi mở, không phải kiêng khem gì. Trước đây Rằm tháng Giêng còn thường gọi là Tết muộn, để những nhà khá giả tiếp tục ăn Tết, thưởng mai - đào nở muộn.
Lễ thứ 3 là cúng sao giải hạn. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng, mọi người không nên quá quan trọng vào việc bắt buộc phải thế này hay thế khác mà cốt yếu là ở sự thành tâm trong chính con người mình. Làm việc thiện, việc tốt thì mọi việc sẽ đến một cách suôn sẻ, không phải cúng giải hạn là hạn sẽ tiêu biến hết.
Từ lâu, ông bà ta vẫn thường nhắc nhở con cháu, "cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng". Trong ngày này, mỗi gia đình thường làm mâm cỗ để thể hiện tấm lòng thành kính dâng lên tổ tiên. Thông thường, mâm cỗ cúng Rằm đầu tiên của năm sẽ gồm có những món ăn giống như các ngày Tết. Tuy nhiên, cũng tùy thuộc vào sở thích và hoàn cảnh của mỗi gia đình mà mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng sao cho phù hợp, quan trọng là tấm lòng thành kính của gia chủ.
Ở một số nước châu Á, Rằm tháng Giêng là ngày đức Phật giáng lâm tại các chùa. Với một số nhà tâm linh, ngày này còn là ngày vía thiên quan nên các đền chùa làm lễ cầu an, dâng sao giải trừ tai ách cho năm mới. Do đó, từ sau Tết Nguyên đán, ngày 14, hoặc chính Rằm người dân đã tấp nập đến chùa lễ Phật, cầu bình an, khoẻ mạnh, hạnh phúc... cho cả năm.
Nhưng theo Phật giáo thì Rằm tháng Giêng không phải là lễ quan trọng so với Rằm tháng Tư (Phật đản) và Rằm tháng Bảy (Vu lan), nhưng là ngày rằm đầu tiên của năm mới thích hợp nhất để cầu nguyện an lành cho cả năm nên đông đảo người dân đi lễ.
Cúng chay hay cúng mặn trong Tết Nguyên Tiêu
Theo Thượng tọa Thích Thanh Duệ, Rằm tháng Giêng các gia đình sắm 2 lễ: Lễ cúng Phật, lễ cúng gia tiên.
Cúng Phật là mâm lễ chay thanh tịnh, cùng hương hoa đèn nến.
Cúng Gia tiên vào giờ Ngọ. Cúng Gia tiên là mâm lễ mặn hoặc chay với đầy đủ các món ăn tinh khiết của ngày Tết.
Mâm lễ mặn gồm có:
5 lạng thịt vai luộc
1 bát canh măng
1 đĩa xào thập cẩm
1 đĩa nem
1 đĩa rau xào
1 đĩa giò
1 đĩa xôi gấc
1 đĩa hoa quả
(Tùy theo sự sáng tạo của mỗi gia đình để làm sao mâm cúng trở nên đầy đủ và tinh tươm nhất).
Đặc biệt trong mâm lễ phải có bánh trôi (chè trôi nước). Ý nghĩa của việc ăn bánh trôi ngày Tết Nguyên Tiêu là mong muốn mọi việc quanh năm được hanh thông, trôi chảy. Ngoài ra còn có hương hoa, đèn nến, trầu cau, một ít vàng mã, rượu.
Nguồn: Phong Linh - (nguoiduatin.vn)
T/h: Nhật Minh - (dongbang.vn)