Nhiều địa phương gặp khó khăn về kinh phí khắc phục sạt lở.
Nguy cơ sạt lở cao
Từ xưa, ở vùng sông nước có đặc thù dân cư sinh sống ven các tuyến sông để thuận lợi di chuyển và giao thương hàng hóa. Dần dần, hệ thống đường nông thôn ven các tuyến kênh, rạch được hình thành gắn với các tuyến dân cư sinh sống để phục vụ đi lại. Lâu ngày, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và tác động dòng chảy ở các huyện đầu nguồn, cộng với nền đất không ổn định đã xảy ra hiện tượng sụp lở đất bờ sông. Hiện tượng này diễn ra hết sức phức tạp và khó lường. Hàng năm, các vụ sạt lở đất xuất hiện nhiều ở các huyện Châu Thành, thị xã Ngã Bảy, huyện Châu Thành A và huyện Phụng Hiệp.
Sinh sống ở tuyến sông được cảnh báo nguy cơ sạt lở cao, bà Bùi Kim Em, ở ấp Phú Lộc, xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, phập phồng lo: “Ở những nơi như vầy chỉ còn cách đề phòng. Nhìn thấy mặt đường răn nứt hay xói mòn dưới chân đất thì tự biết mà tránh xa, bởi sớm muộn gì đất cũng sụp lún xuống. Bên đây sông Mái Dầm sạt lở nhiều lắm, đa số làm đứt đoạn giao thông khiến bà con không thể đi lại được. Nhiều vụ sạt rồi, khi cặm cây xuống thăm dò sát mé bờ sâu ngoáy rất nguy hiểm”.
Đến cuối tháng 6, toàn tỉnh có 30 điểm sạt lở, tăng 13 điểm so với cùng kỳ 2018.
Các nhà khoa học đánh giá có 2 nguyên nhân dẫn đến sạt lở đất. Căn nguyên chính là việc xây dựng các đập thủy điện, hồ chứa ở thượng nguồn sông Mekong làm giảm 80% lượng phù sa về đồng bằng sông Cửu Long. Do biến đổi khí hậu, nước biển dâng làm thay đổi dòng chảy trên các tuyến sông, kênh làm cho lưu tốc dòng chảy có xu hướng tăng lên. Nguyên nhân nội tại là do việc xây dựng các tuyến đường gần sông, kênh làm mất ổn định mái sông, kênh. Hay lưu lượng phương tiện tải trọng lớn lưu thông nhiều cũng làm gia tăng các đợt sóng lớn vào bờ. Ngoài ra, việc xây dựng nhà ở các tuyến sông, kênh không kiểm soát làm co hẹp dòng chảy…
Ở huyện Châu Thành, sông Mái Dầm là tuyến xảy ra sạt lở đất nhiều nhất tính từ đầu năm đến nay. Đa phần các điểm sạt lở có ảnh hưởng đến công trình lộ giao thông nông thôn, gây đứt quãng đường đi, tăng nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện khi di chuyển. Sạt lở ở huyện này đã tăng hơn 10 điểm so với cùng kỳ và đã cao hơn 6 điểm so với cả năm 2018. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành đã tham mưu cho UBND huyện thống kê các điểm nguy cơ cao, cắm biển cảnh báo. Tuy nhiên, tình hình rất khó lường khi đã vào cao điểm mùa mưa.
Ngôi nhà của anh Phạm Minh Kháng nằm gần điểm sạt lở đất ở ấp Phú Trí B1, xã Phú Hữu, huyện Châu Thành. Vụ việc xảy ra làm đứt đoạn khoảng 30m lộ bê tông ven sông Mái Dầm. Tiếp đó, phần lộ trước nhà anh Kháng lại xuất hiện vết nứt. Việc di chuyển của người dân càng khó khăn hơn bởi một số vị trí trên tuyến bị sụp lún vẫn chưa được khắc phục. “Mong mỏi lớn nhất của các hộ dân quanh đây là chính quyền địa phương sớm khắc phục điểm sạt lở. Bởi những điểm này khá dài và đất ăn sâu đứt một đoạn lộ. Việc chậm trễ khắc phục sẽ dẫn đến nguy cơ nước tràn vào vườn cây ăn trái, gây thiệt hại”, anh Kháng cho biết.
Đồng cảnh chịu ảnh hưởng bởi sạt lở trên tuyến sông Mái Dầm, bà Nguyễn Thị Xuân Bình, ở ấp Phú Trí B1, xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, kể: “Chỗ tôi sạt khoảng nửa tháng rồi. Nó sụp dưới chân đất trước, hở hàm ếch rồi sạt ào ào luôn chứ không có dấu hiệu răn nứt gì hết. Tôi sợ lắm! Hồi trước sông Mái Dầm này không đến nỗi sạt như vậy. Nhưng chắc do sáng múc sát bờ sông nên từ từ đất lở. Nếu không hiến đất lấn vào còn nặng hơn”.
Kinh phí khắc phục không đảm bảo
Trước mắt, địa phương đã bố trí kinh phí dự phòng khắc phục trước một số điểm, củng cố đê bao bảo vệ vườn cây ăn trái trong mùa lũ. Tiếp tục trồng cây giữ đất, tháo dỡ vật nặng ven bờ sông. Ông Nguyễn Văn Trương, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, cho biết trong 25 điểm sạt lở thì có 11 điểm đã khắc phục và 4 điểm đang khắc phục. Còn lại 10 điểm, huyện đang xin hỗ trợ kinh phí để sớm khắc phục đảm bảo đi lại cho người dân. Đây cũng là khó khăn của địa phương hiện nay.
“Chỉ mới 6 tháng đầu năm nhưng Châu Thành có 25 điểm sạt lở, khái toán kinh phí khắc phục khoảng 3 tỉ đồng. Chưa kể dịch tả heo châu Phi xảy ra đã tiêu hủy trên 8 tấn heo, ước tính trên 5 tỉ đồng. Trong khi đó nguồn ngân sách dự phòng của địa phương không kham nổi do dịch bệnh, thiên tai bất thường. Ngành nông nghiệp đã tham mưu UBND huyện xin thêm nguồn từ tỉnh để bố trí khắc phục thiên tai sạt lở”, ông Trương cho biết thêm.
Ngoài Châu Thành, thị xã Ngã Bảy cũng đã xảy ra 5 điểm sạt lở tính từ đầu năm đến nay. Đặc biệt là điểm sạt lở bờ kênh xáng Cái Côn, thuộc khu vực 1, phường Hiệp Thành, có ảnh hưởng lớn. Vụ việc xảy ra vào tháng 3, làm ảnh hưởng đến căn nhà của bà Nguyễn Thị Thùy Trang (1 trệt, 1 lầu, có 3 người cư ngụ) và căn nhà của bà Nguyễn Thị Hên (nhà trệt, có 10 người cư ngụ). Đoạn tiếp giáp hai đầu có nguy cơ sạt lở tiếp tục với chiều dài 36m gồm 3 hộ và 7 người cư ngụ. Chiều dài đoạn lở đất 21m (vị trí lở đất gần doi Mang Cá), chưa có kinh phí bố trí khắc phục.
Hiện tại, vết nứt đã xuất hiện đến cửa chính của hộ bà Nguyễn Thị Thùy Trang và hộ bà Nguyễn Thị Hên, gây mất an toàn kết cấu nhà, có khả năng vết nứt mở rộng ảnh hưởng đến các hộ lân cận. Nguyên nhân sạt lở được xác định là do dòng nước xoáy chảy mạnh vào bờ, mái kênh hẩm tạo hàm ếch nên sụp lún nền đất xuống lòng sông. Khu vực sạt lở được đánh giá mức độ nguy hiểm rất cao. Thị xã Ngã Bảy đã lập thủ tục hỗ trợ chi phí di dời nhà ở cho 2 hộ dân. Trước mắt, 2 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp đã thuê nhà ở tạm thời để đảm bảo tính mạng và tài sản.
Ông Lê Hùng Chiến, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ngã Bảy, cho biết: Đây là điểm sạt lở nghiêm trọng diễn biến phức tạp và khó lường do vị trí sạt nằm ở bên doi rất sâu, nước xoáy. Nguy cơ sạt lở tiếp ở đoạn xung quanh đã được xác định. Hiện UBND thị xã đã khắc phục tạm thời, đang kiến nghị UBND tỉnh Hậu Giang hỗ trợ kinh phí cho địa phương khắc phục để đảm bảo tài sản, tính mạng và ổn định cuộc sống cho người dân.
Theo Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang, tình hình sạt lở từ đây đến cuối năm chắc chắn sẽ còn diễn biến phức tạp hơn nữa; gây thiệt hại, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Tỉnh đã có đề nghị xin Trung ương hỗ trợ kinh phí ưu tiên xử lý sạt lở những điểm xung yếu.
“Trước mắt phòng sạt lở là chính. Những cán bộ làm ngành thủy lợi phải hiểu được đặc điểm khu vực, tình hình lưu thông để tìm ra giải pháp tối ưu nhất phù hợp từng địa phương có kết hợp sự tham gia của người dân. Đối với vùng nông thôn, tùy theo cấp kênh, biên độ triều khác nhau có thể áp dụng mô hình kè sinh thái cho phù hợp. Để giải quyết được các vấn đề trên, chính quyền địa phương phải tăng cường tuyên truyền, rà soát, nắm diễn biến các điểm nguy cơ sạt lở để có biện pháp đề phòng thích hợp”, ông Trần Thanh Toàn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang, cho biết.
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã tham mưu tỉnh về nguồn kinh phí hỗ trợ cho các địa phương khắc phục thiên tai, sạt lở. Đặc biệt là tận dụng quỹ phòng, chống thiên tai hay một số nguồn hợp pháp khác. |