Mực nước trên sông Đồng Nai đoạn qua huyện Định Quán cao nhất trong vòng 30 năm qua.
Cụ thể, tại huyện Tân Phú, đến chiều 9-8, thống kê bước đầu đã có hơn 1.500 ha diện tích tại bốn xã Tà Lài, Đác Lua, Nam Cát Tiên và Phú Thịnh bị ngập; 995 hộ buộc phải di dời. Ngoài ra, có 41 bè cá trên sông Đồng Nai bị cuốn trôi và trang trại nuôi gà Miền Đông tại xã Nam Cát Tiên ngập nước, khiến khoảng 100 nghìn con gà từ 2,5 kg đến 2,7 ka chết. Người mất tích tại xã Phú Thịnh được xác định là ông Nguyễn Văn Lâm (SN 1961, quê tỉnh Bến Tre).
Xuất hiện nhiều điểm sạt lở đất khu vực ven sông Đồng Nai.
Còn tại huyện Định Quán, nước lũ ngập, gây thiệt hại tại bốn xã Phú Vinh, Phú Tân, Thanh Sơn, Ngọc Định, với 32 căn nhà bị ngập; 58 bè cá của 12 hộ nuôi trên sông, với 619 tấn cá bị chết và ra ngoài tự nhiên. Ngoài ra, nước lũ đã cuốn trôi một phà chở 200 bao cám tại xã Phú Vinh.
Đến 15 giờ chiều cùng ngày, mực nước trên sông Đồng Nai, qua địa bàn hai huyện Tân Phú, Định Quán đang ở trên mức báo động 3,056m (chỉ thấp hơn trận lũ lịch sử năm 1987, 0,25m) và tiếp tục có xu hướng dâng cao, gây ngập cho khu vực dọc sông. Do đó, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Đồng Nai đề nghị chính quyền các địa phương phân công lực lượng túc trực ở những nơi xung yếu, kịp thời ứng phó tình huống xấu xảy ra, bảo đảm an toàn cho người dân. Đồng thời, tiến hành cấm các bến phà đưa đón khách và tiếp tục tìm kiếm nạn nhân bị nước cuốn trôi tại xã Phú Thịnh.
Hiện, lực lượng chức năng các địa phương tiếp tục tổ chức di dời hơn 600 hộ tại huyện Tân Phú đến nơi an toàn.
Nước lũ dâng cao gây nhiều thiệt hại cho các hộ nuôi cá bè trên sông Đồng Nai.
Đến 16 giờ chiều 9-8, lực lượng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Nai phối hợp chính quyền huyện Định Quán, đã di dời được 30 người dân từ khu vực cù lao Hòa Hiệp vào đất liền an toàn.
Có mặt tại hiện trường chỉ đạo công tác di dời, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai Huỳnh Thành Vinh cho biết, khu vực cù lao Hòa Hiệp, xã Ngọc Định, huyện Định Quán là nơi thấp trũng nhất, trong khi nước sông Đồng Nai đang tiếp tục dâng nên nguy cơ ngập toàn bộ là rất cao. Do đó, sau khi kiểm tra tại hiện trường vào sáng cùng ngày, đã yêu cầu chính quyền địa phương khẩn cấp di dời toàn bộ các hộ dân sinh sống tại đây vào đất liền.
Lực lượng chức năng dùng thuyền di dời người dân trên cù lao Hòa Hiệp vào đất liền.
Việc di dời tất cả 40 hộ dân, với khoảng 120 người trên cù lao Hòa Hiệp được lực lượng quân đội và chính quyền địa phương thực hiện từ 14 giờ cùng ngày. Đến 16 giờ mới di dời được 30 người. Trong quá trình tiến hành di dời, một số hộ dân không hợp tác, vì lo tài sản bị mất khi ngập nước. Đối với nhũng trường hợp này, lực lượng chức năng buộc phải tiến hành cưỡng chế.
Hiện khoảng 90 người còn lại đang tiếp tục được lực lượng chức năng dùng thuyền để di dời vào đất liền. Người dân sẽ tạm thời được bố trí ở tại nhà văn hóa xã Ngọc Định.
Lâm Đồng cử các lực lượng ứng trực 24/24 tại những nơi ngập lụt
Trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã có mưa nhiều nơi, có nơi mưa vừa đến mưa to, gây ngập lụt tại TP Đà Lạt, Bảo Lộc và các huyện Lạc Dương, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên.
Để chủ động ứng phó, khắc phục trước tình hình mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất gây ra trên địa bàn tỉnh, bảo đảm an toàn, giảm thiểu thiệt hại, sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống của nhân dân, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan kiểm tra, xác định khu vực có nguy cơ ngập úng cục bộ, sạt lở đất để thực hiện các biện pháp sơ tán, di dời người dân, tài sản đến nơi an toàn; triển khai các biện pháp ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ”; tổ chức ngay việc kiểm tra, rà soát, đánh giá tình hình thiệt hại để có biện pháp khắc phục, hỗ trợ kịp thời đối với các địa phương và người dân bị thiệt hại. Ngay sau khi nước rút, tổ chức thăm hỏi, giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại sớm ổn định cuộc sống; tập trung khôi phục sản xuất và có biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường.
Hàng trăm ngôi nhà tại TP Bảo Lộc bị ngập.
Liên quan đến việc ứng phó sự cố thủy điện Đắk Kar, chiều 9-8, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Lâm Đồng cho biết, đã có văn bản gửi Ban chỉ huy PCTT-&TKCN huyện Cát Tiên và Đạ Tẻh, khẩn cấp ứng phó sự cố thủy điện Đắk Kar. Hiện khoảng 300 hộ dân tại khu vực hạ du sông Đồng Nai, thuộc hai địa phương trên, sẵn sàng sơ tán khẩn cấp, nếu xảy ra sự cố.
Công trình thủy điện này hiện đang thi công, nhưng bị sự cố kẹt cửa van nên có nguy cơ cao xảy ra vỡ đập, đe dọa nghiêm trọng an toàn dân cư khu vực hạ du thuộc các tỉnh Đác Nông, Bình Phước và Lâm Đồng. Để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Lâm Đồng đề nghị các huyện Cát Tiên và Đạ Tẻh, khẩn trương tổ chức thông tin về sự cố trên đến các cấp chính quyền và người dân; thường xuyên liên hệ với công ty thủy điện Đắk Kar để nắm bắt tình hình; theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ và sự cố đập để chủ động các phương án xử lý kịp thời, hiệu quả; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để di dời khẩn cấp dân cư ra khỏi khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng, triển khai ứng cứu khi có tình huống xảy ra.
Hiện trường vụ sập ta-luy tại phường 3, TP Đà Lạt.
Trao đổi với PV Nhân Dân điện tử, Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh Lê Mậu Tuấn cho biết, địa phương đã thông báo thông tin về nguy cơ sự cố thủy điện Đắk Kar đến các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị và nhân dân. Hiện địa phương đã có phương án sẵn sàng để nếu khi sự cố xảy ra, trong khoảng thời gian ngắn sẽ tổ chức di dời hơn 100 hộ dân dọc ven sông Đồng Nai đến nơi an toàn.
Tại huyện Cát Tiên, hiện lũ đang rút dần, giao thông đã thông suốt. Chủ tịch UBND huyện Bùi Văn Hùng thông tin, lãnh đạo địa phương đã trực tiếp đến những địa bàn xung yếu để chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai, đặc biệt là các xã ven sông Đồng Nai; tổ chức thông tin về tình hình thủy điện Đắk Kar để nhân dân nắm và sẵn sàng phối hợp ứng phó.
Thống kê ban đầu của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Lâm Đồng, đến chiều 9-8, toàn tỉnh có hơn 2.430 căn nhà bị ngập, trong đó 548 hộ phải di dời; hơn 2.550 ha cây trồng bị ngập; 52,2 ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng, hơn 310 tấn cá tầm bị cuốn trôi... Tại diễn biến khác, do ảnh hưởng mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua, rạng sáng 9-8, đèo Bảo Lộc bị sạt lở 11 điểm, gây ách tắc giao thông gần 10 giờ.
Trang trại nuôi cá tầm tại huyện Lạc Dương bị lũ quét mất trắng.
Tại TP Đà Lạt, chiều 9-8, xảy ra vụ sạt lở ta-luy nghiêm trọng, uy hiếp an toàn nhiều hộ dân tại khu vực phường 3. UBND phường 3 đã tổ chức di dời khẩn cấp bốn gia đình trong vùng sạt lở đến nơi an toàn. Đồng thời, triển khai các phương án khắc phục, tránh ảnh hưởng các công trình xây dựng trong khu vực. Tại huyện Lạc Dương, hiệt hại nặng nhất là 1,2 ha nuôi cá tầm bị ảnh hưởng, khiến hơn 310 tấn cá bị cuốn trôi, chết trắng mặt hồ, thiệt hại hơn 52 tỷ đồng.