Khởi nguồn của Lễ Vu Lan
Theo quan niệm của Phật giáo, Lễ Vu Lan là lễ đáp đền công ơn dưỡng dục của ông bà, bố mẹ, tổ tiên, thường được tổ chức vào buổi chiều tối ngày 14/7 hoặc 15/7.
Còn trong quan niệm dân gian, tháng này là tháng xá tội vong nhân. Ngoài ra, một tích khác là câu chuyện Ngưu Lang - Chức Nữ (còn gọi là ông Ngâu, bà Ngâu), lễ Chức Nữ để cầu duyên phận.
Lễ Vu Lan được bắt đầu từ tích truyện Đại Đức Mục Kiền Liên (một trong 2 đại đệ tử của Phật Thích Ca) với lòng đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ.
Sau khi tu luyện, Mục Kiền Liên đã đắc đạo thần thông, dùng mắt thần lục tìm trời đất để tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ như thế nào.
Thế nhưng đắng cay thay, mẹ của ông hồi sống đã gây nhiều nghiệp ác nên phải sinh làm ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở.
Thấy vậy, ông đã đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ. Tuy nhiên do đói ăn lâu ngày nên mẹ của ông khi ăn đã dùng một tay che bát cơm của mình đi không cho các cô hồn khác đến tranh cướp, bởi vậy khi thức ăn đưa lên miệng đã hóa thành lửa đỏ.
Sau đó, Mục Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: "Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày Rằm tháng Bảy là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó".
Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng: chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này. Từ đó, ngày lễ Vu Lan ra đời.
Hàng năm vào tháng lễ Vu Lan, tùy vào từng phong tục tập quán từng vùng sẽ có những nghi lễ và cách thức cúng khác nhau.
Ngoài ra, mọi gia đình đều chuẩn bị một mâm cơm cúng để dâng lên gia tiên, cúng phóng sinh cho các linh hồn để báo hiếu và tỏ lòng thành. Ăn chay cũng là một hoạt động trong ngày lễ Vu Lan.
Đặc biệt, lễ Vu Lan ở Việt Nam còn có nghi lễ cài hoa hồng lên ngực áo được thực hiện từ thập niên 60 do Thiền sư Thích Nhất Hạnh khởi xướng.
Bông hoa hồng được chọn là biểu tượng của tình yêu, sự cao quý và ngát hương. Việc nhớ về bâc sinh thành và cài lên ngực bông hoa cao quý là tình cảm đẹp nhất, là chữ Hiếu mà con cái gửi đến bậc sinh thành.
Với ý nghĩa đó, nhiều người Việt mình đến ngày Vu Lan đều cài một bông hoa màu hồng lên áo, ấy là biểu tượng của việc còn cha mẹ. Ai đã mất mẹ thì cài hoa trắng.
Bạn có thể chọn một bông hoa cài lên ngực áo hoặc không trong ngày lễ Vu Lan, nhưng nghĩ về ngày này với ý nghĩa nhân bản, âu cũng là cách để bạn tri ân cuộc sống tươi đẹp này.
Lễ Vu Lan ở các nước châu Á
Ở các nước châu Á, lễ Vu Lan được coi là trọng lễ báo hiếu đáp ơn sinh thành.
Ở Nhật Bản, lễ báo hiếu diễn ra vào tháng 8 dương lịch hằng năm.
Lễ hội Obon ở Nhật Bản.
Lễ hội Obon của người Nhật Bản có đến 3 mốc thời gian tổ chức tùy theo địa phương:
Bon tháng bảy (Shichigatsu Bon): 15 – 7 dương lịch; Bon cũ (Kyu Bon): 15 – 7 âm lịch; Bon tháng tám (Hatchigatsu Bon): 15 – 8 dương lịch.
Vào ngày 16, khi lễ hội Obon kết thúc, người ta thay mukaebi bằng okuribi để đưa tiễn linh hồn của các tổ tiên. Cũng có nơi người ta tiễn đưa bằng cách thả những chiếc đèn lồng xuống sân.
Trong đó, Hatchigatsu Bon là lễ hội lớn nhất được tổ chức tại Kyoto và thu hút lượng lớn người dân và khách du lịch tham gia.
Trước ngày tổ chức lễ hội, tức khoảng ngày 13, người dân sẽ treo những chiếc lồng đèn trước cửa nhà và cả những con đường dẫn vào nhà để chào đón và dẫn lối cho các linh hồn đã khuất về thăm nhà cũ.
Cùng ngày, người dân sẽ thực hiện các hoạt động giống như tục Tảo Mộ của người Việt Nam như: Thăm viếng mộ, lau chùi, dọn vệ sinh, tu sửa lăng mộ và cúng để mời người thân quá cố quay về thăm nhà.
Mâm cỗ cúng bao gồm các loại bánh đặc trưng và trái cây được trình bày đẹp mắt, phẩm vật luôn được thay đổi theo từng ngày trong kỳ lễ để các linh hồn vui và thấy mình luôn được chào đón.
Đây là ngày để người dân Nhật Bản nhớ về những người thân đã qua đời, đồng thời trở thành ngày đoàn tụ gia đình, thăm viếng, dọn dẹp phần mộ của tổ tiên.
Ở Trung Quốc, lễ Vu Lan được tổ chức từ ngày 15/7 đến 30/7 âm lịch.
Vào ngày này, người dân Trung Quốc cũng đi thăm phần mộ của người thân, sửa sang, quét dọn lại, đốt giấy tiền, vàng mã cho người đã khuất.
Lễ Vu Lan ở Trung Quốc được coi là lễ trọng.
Họ hi vọng việc làm này sẽ giúp người đã mất đỡ vất vả, thậm chí phù hộ cho người sống ăn nên làm ra, có cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc.
Một người dân đang đốt vàng mã ở Hong Kong trong ngày Vu Lan.
Mặc dù, chọn ngày báo hiếu khác với Việt Nam, nhưng người Hàn Quốc gọi ngày rằm tháng 7 Âm lịch là ngày lễ Hội Vu Lan Bồn, cũng gọi là ngày lễ hội Trung Nguyên (Jungwon).
Họ cũng có nghi lễ cài hoa lên ngực áo giống như chúng ta. Chỉ có điều loại hoa được họ chọn là hoa cẩm chướng.
Trước kia, khi người Hàn Quốc chưa ấn định ngày mùng 8 tháng 5 là ngày Cha mẹ thì ngày Rằm tháng 7 tức ngày Bách Trung (Baekjung) đã từng đóng vai trò là ngày báo hiếu với bậc sinh thành.
Ở Indonesia, người dân tổ chức ném tiền giả để tỏ lòng thành kính với tổ tiên vào ngày lễ Vu Lan hằng năm. Lễ vật họ dâng lên người đã mất gồm cả lá mù tạt và mía đỏ.
Người dân ở Medan, tỉnh Bắc Sumatra, Indonesia, tổ chức ném tiền giả để tỏ lòng thành kính với tổ tiên vào ngày lễ Vu Lan hàng năm.
Họ cũng dựng nhiều hình nhân cỡ lớn và dựng ở các ngôi chùa. Tại đền chùa, các nhà sư tế lễ, đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn lang thang.
Singapore kỷ niệm lễ Vu Lan hàng năm bằng các hoạt động thờ cúng tổ tiên và đốt vàng mã. Khi ăn cơm, họ đặt hình nhân của Diêm Vương ở giữa bàn ăn. Thức ăn được đặt mọi nơi trong nhà từ sáng đến đêm.
Hình ảnh người dân hóa vàng mã gửi cho người đã khuất ở Singapore. Dân Singapore quan niệm không nên sắm nhà, khởi nghiệp hoặc cưới hỏi vào tháng cô hồn vì rủi ro có thể tìm đến
Vào những ngày này, người dân cấm kỵ việc huýt sáo, chụp ảnh, treo quần áo bên ngoài nhà, mặc đồ màu đỏ hoặc đi ngoài đường ban đêm. Họ hạn chế không đi bơi hoặc lội xuống nước vì lo sợ chết đuối.