Nghĩ từ bữa cơm thường nhật

Thứ hai, 19 Tháng 8 2019 09:13 (GMT+7)
Bà xã tôi có thời gian dài sống ở Mỹ Tho nên được dịp đi du lịch với bạn bè, vợ chồng tôi đến Mỹ Tho thường ghé quán bên đường, không phải "quán bên đường" của cố nhà văn Trang Thế Hy được Phạm Duy phổ nhạc.

Quán bên đường ở đây là quán cơm bình dân có bán canh chua và cá kho tộ. Món canh là một tập hợp: cá lóc + cây bạc hà + đậu bắp + cà chua + thơm + dằn một chút đường; kho tộ nấu trong siêu gồm cá + thịt ba chỉ kho sền sệt; bên cạnh thêm dĩa rau luộc (rau muống, rau cải hay cần) chấm vào nồi cá kho tộ thì ngon hết biết. Đây là 2 món ăn mà những người bạn ở miền Bắc và miền Trung cũng rất thích.

Đến nhà của người bạn, vợ tôi mở đề nghị: "Đãi vợ chồng tao cơm canh chua cá khô kho tộ đi mậy". Dĩ nhiên, nữ chủ nhân đồng ý. Món này nhà thực hiện có vẻ ngon hơn quán, do cộng tình bạn lâu lâu gặp lại, cộng thêm rộn rã thời quá khứ; cộng thêm cánh đàn ông rôm rả bên dĩa mồi cá lóc nướng trui cuốn rau sống chấm mắm nêm, cụng ly "dzô 100 phần trăm Gò Đen xịn đây". Rượu Gò Đen đặc sản của Long An, gia chủ nói rượu xịn, là bởi rượu này được làm giả nhiều vô cùng tận, bán hai bên đường đa phần không phải thứ thiệt, rượu giả còn len vào siêu thị nữa.

Lúc chiều về ghé quán cháo lòng, đầy đủ phủ tạng heo "bành ky" nóng hổi, ai thích có thể chọn cháo cá rau đắng, hai người với hai tô cháo không, cộng dĩa cá lóc nguyên con, làm cho tô cháo giảm nhiệt dĩ nhiên là phần rau đắng (giảm nhiệt có hai nghĩa là vừa cho nguội vừa cho mát). Tôi không dùng ruột cá nhưng những thực khách khác thì khoái khẩu.

Có những cơm mà không phải cơm, đó là cây cơm nguội, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết "Nhớ mùa thu Hà Nội":

"Hà Nội mùa thu cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu...".

Có gạo mà không phải gạo là bông hoa gạo, đó chính hoa gạo trong bài "Chị tôi" (thơ Đoàn Thị Tảo, nhạc Trọng Đài):

"Thế là chị ơi rụng bông hoa gạo/ Ô hay trời không nín gió cho ngày chị sinh/ Ngày chị sinh trời cho làm thơ...".

Trời ơi! Ngôn ngữ lạ lùng, lạ thường, lạ lẫm, nghe nhức nhối nao lòng.

Nghĩ từ bữa cơm thường nhật - Ảnh 1.

Nghĩ từ bữa cơm thường nhật - Ảnh 2.

Canh chua, cá kho tộ từ lâu đã trở thành những món ăn ngon nức tiếng của miền Nam Ảnh: Internet

Hoan hô chữ đã mượn từ cơm từ gạo cho ra "cây cơm nguội", "bông hoa gạo" sản sinh thi ca, sản sinh âm nhạc.

Ai đó nói: "Đường đi đến trái tim người đàn ông đi qua dạ dày", "cơm" đi qua hay "phở" đi qua? Dĩ nhiên câu nói ám chỉ "cơm", chỉ nội tướng hằng ngày bếp lửa lo chồng con ngon miệng, do vậy "cơm" đi qua cho an toàn trên…xa lộ.

Nghe ca dao đạm bạc nhớ cơm:

"Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương".

Nghe nhà thơ Phạm Hữu Quang còn da diết hơn:

"Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt/ Nghe tiếng cơm sôi đã nhớ nhà".

Tôi quý những bữa cơm gia đình, thường hay về nhà cùng vợ con chung bát, nhiều khi bạn bè rủ buổi trưa lai rai, tôi lắc đầu (trừ khi bạn bè ở xa lâu ngày không gặp). Tôi thích không khí truyền thống gần gũi; văn chương là phải đi tới, những bữa cơm thì phải ngồi lại, sinh hoạt thường trực ấy làm cho ăn uống ngon miệng hơn. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng ăn cơm một mình gây ra những cảm xúc tiêu cực, ảnh hưởng đến tiêu hóa của dạ dày. Ông bà xưa hay nói "rầu thúi ruột" là vậy.

Vũ Trọng Quang - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Đời Sống