Cánh đồng nước nổi hay nước tràn đồng là hình ảnh lâu nay người dân đầu nguồn miền Tây vẫn quen mắt mỗi khi mùa nước nổi về. Theo bà con miệt đầu nguồn, mùa nước nổi bắt đầu từ khoảng tháng 7 âm lịch đến tận tháng 10 âm lịch. “Nhưng nay, mãi đã đến gần cuối tháng 7 mà nước vẫn chưa về. Hổm rày chúng tôi trông chờ nước về như nắng hạn chờ mưa vậy!” - lão nông Thạch Thanh Hồng (sinh năm 1956, ngụ xã Phú Lộc) chùn giọng chỉ tay về phía cánh đồng nhấp nhô cỏ khô phía trước mặt. Thật ra, mùa nước nổi là muốn nói đến nước lũ lên. Nhưng người miền Tây lâu nay vẫn quen gọi với cái tên thân thuộc là “mùa nước nổi”. Bởi không chỉ mang lại nguồn lợi thủy sản to lớn, con nước về còn mang theo lượng phù sa, góp phần bồi đắp đồng bằng, giúp đồng đất thêm màu mỡ. Thế nên, bà con vùng ĐBSCL còn gọi mùa nước nổi là “món quà” của thiên nhiên ban tặng. Cảm giác mong ngóng “món quà” ấy thật nôn nao, khó tả. Dù lũ lớn hay lũ nhỏ vẫn ít nhiều mang đến những lợi ích nhất định cho đời sống bà con nông dân. Còn giờ, ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ “đói lũ” nếu như con nước cứ không về như hiện nay.
Đồng đất và kênh 7 xã đang rất mong nước về
Phó Chủ tịch UBND xã Phú Lộc Lê Văn Dũng cho hay: “Xã Phú Lộc hiện có 1.136ha, sản xuất nông nghiệp chiếm 84% diện tích đất, với 2 tiểu vùng. Ngoài làm ruộng, người dân còn có thêm nguồn thu nhập từ nghề câu lưới, đặt lọp vào mùa nước nổi. Nhịp sống mưu sinh mùa nước nổi nhộn nhịp và thấy rõ nhất khi địa phương có đến trên 100 hộ dân làm nghề. Dù không giàu có nhưng mưu sinh trong mùa nước nổi giúp bà con có thêm nguồn thu nhập kha khá, góp phần ổn định cuộc sống. Nhưng đó là chuyện của nhiều năm trước. Vài năm trở lại đây, lũ thất thường nên nhiều bà con bỏ nghề, đi làm công nhân ở những địa phương khác. Nay chỉ còn gần 10 hộ bám trụ với nghề câu lưới vào mùa nước nổi. Lũ nhỏ hay lũ không về, không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân mà còn kéo theo nhiều hệ lụy như: đồng đất không được phù sa bồi đắp, nhiễm phèn và sâu bệnh sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất mùa vụ sau của người nông dân. Những năm gần đây, chúng tôi đã phối hợp mở lớp dạy nghề nuôi lươn, nuôi dê và hỗ trợ bà con tiếp cận nguồn vốn vay phát triển kinh tế gia đình, để không rơi vào cảnh “nhàn rỗi” khi nguồn lợi thủy sản mùa nước nổi ngày càng ít như hiện nay”.
Ngư cụ của người dân đã chuẩn bị sẵn sàng nhưng nước thì… vẫn chưa về
Dẫn chúng tôi thăm những bồn nuôi lươn đã chuẩn bị hơn 1 tháng trước khá chu đáo, anh Nguyễn Văn Nhàn (sinh năm 1971, ngụ xã Phú Lộc) chia sẻ: “Cũng như mọi năm, tôi chuẩn bị ngư cụ để sống mùa nước với số tiền khoảng 4 triệu đồng. Nhưng đợi mãi đến hôm nay vẫn chưa thấy tâm hơi con nước mùa nổi. Hàng chục năm nay, khi mùa nước nổi về, tôi chèo xuồng men theo những cánh đồng nước để bắt lươn đồng, bắt cá. Chịu khó mỗi ngày cũng bắt được vài chục ký lươn về làm giống nuôi. Trung bình, khoảng 7-8 tháng, tôi đã có thể xuất bán lươn, một mùa cũng kiếm được vài chục triệu đồng. Còn cá thì tôi mang ra chợ bán, mỗi ngày cũng được khoảng 200.000 - 300.000 đồng. Riêng chiếc xuồng “kiếm cơm”, tôi đã tu sửa lại để chống nước. Mọi thứ đã sẵn sàng, vậy mà con nước thì…!”.
Cùng tâm trạng như anh Nhàn, ông Thạch Thanh Hồng lắc đầu ngao ngán. Theo ông Hồng, mùa nước nổi nào ông cũng theo anh em ra đồng nước bắt lươn giống. Nếu không bắt được lươn đồng thì người nuôi lươn phải mua con giống với giá khoảng 8.000 đồng/con, khá tốn chi phí khi nuôi. Ngoài nỗi lo ấy, ông Hồng còn một nỗi lo lớn hơn khi hướng mắt về cánh đồng xác xơ cách con kênh 7 xã trước mặt. “Tôi có 23 công đất ruộng, nhờ mùa nước nổi mà đồng ruộng sạch mầm bệnh, được phù sa bồi đắp nên năng suất cao. Nay thì, bà con nông dân chúng tôi mong nước lên từng ngày, hết tháng 7 này mà vẫn chưa thấy nước thì coi như xong! Không chỉ chi phí sản xuất đội lên gấp đôi, mà cây lúa cũng không phát triển tốt trên ruộng đất khô cằn. Chưa bao giờ chúng tôi mong “lũ” như năm nay!” - ông Hồng khao khát.