Bấp bênh mùa lũ muộn

Thứ năm, 12 Tháng 9 2019 09:31 (GMT+7)
Nước từ thượng nguồn đổ về trong những ngày qua khiến người dân vùng đầu nguồn An Phú mừng khấp khởi. Mấy tháng nay, dân câu lưới đứng ngồi không yên do lũ kiệt. Hơn tuần nay, nước lũ tràn về bơm đầy các nhánh sông, cánh đồng, nên không khí mưu sinh ở vùng lũ cũng bắt đầu khởi động.

Bấp bênh mùa lũ muộn

Nước lũ về muộn nhuộm trắng quãng đồng của xã biên giới Phú Hữu. Trong cái lạnh hanh hanh của buổi sớm mai, nhiều người giong xuồng thả câu, giăng lưới để bắt đầu một ngày mưu sinh mới. So với năm trước, mùa lũ này về trễ, nước kiệt, tôm, cá rất ít. Năm nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai quy định mới về đánh bắt thủy sản, nên ngư dân vùng lũ rất thận trọng trong việc khai thác nguồn lợi từ thiên nhiên. Danh mục nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản như: lồng xếp (lờ dây, bát quái, dớn), đăng, đáy, xiệp. Đối với các loại ngư cụ như: lưới kéo, vây, lưới rê, vó, chài các loại, ngư dân sử dụng phải chấp hành quy định về kích thước mắt lưới tối thiểu tại nơi tập trung cá… Đặc biệt, năm nay còn quy định cấm khai thác bằng các hình thức đặt đáy, dớn để khai thác thủy sản trên sông Tiền, sông Hậu và các nhánh sông, kênh, rạch của tỉnh.

Theo thói quen khai thác của người dân, từ tháng 5 đã chuẩn bị sẵn sàng ngư cụ, phương tiện khai thác thủy sản để chờ nước lũ về. Nhưng năm nay đến tháng 9, nước lũ mới đổ về lai rai. Nhiều người vốn gắn bó với nghề “bà cậu” cũng không thể chờ đợi, đành phải khăn gói ra TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai tìm việc làm để mưu sinh.     

Trên “đồng không, mông quạnh” thả lưới từ tờ mờ sáng đến gần 9 giờ mới bắt được chừng 2kg cá chạch, cá he, vợ chồng anh Vĩnh (xã Phú Hữu) than vãn: “Năm rồi, vào tháng này nước sâu ngập đầu luôn, tôm, cá rất nhiều. Năm nay nước ít, sâu nhất chừng 7 - 8 tấc nước, nên tôm, cá cũng ít theo. Năm rồi, với mỗi dây lưới 100m bắt được chừng 2 - 3 kg cá là bình thường, còn giờ giảm hơn mấy lần”.

Ngược qua bờ Tây sông Hậu, xã Phú Hội cũng bắt đầu đón nhận những dòng nước lũ tràn về trong những ngày qua. Rút kinh nghiệm từ mùa vụ trước, năm nay người dân không dám sản xuất (lúa, hoa màu) vùng ngoài đê bao. Năm trước, lũ về nhanh bất ngờ gây ngập nhiều diện tích sản xuất ngoài đê bao ở các xã: Phú Hội, Nhơn Hội, Khánh An, Phú Hữu… Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phú Hội Lê Huệ Yến cho biết, nước về chưa nhiều nên bà con chưa triển khai các hoạt động khai thác mùa nước nổi. Địa phương đang tiếp tục theo dõi và tăng cường khuyến cáo người dân đề phòng nước lũ, phòng chống sạt lở và đảm bảo an toàn trong sinh hoạt, sản xuất.  

Còn ở xóm đặt lọp cua đồng ở xã Vĩnh Hội Đông năm nay cũng vắng vẻ, đìu hiu. Trước đây, người dân đi đặt cua quanh năm trên các cánh đồng trong huyện An Phú, nhiều người còn thuê đồng bên Campuchia để đặt cua. Vì thế, cua đồng từ Vĩnh Hội Đông đã có mặt ở nhiều chợ lớn, không chỉ ở An Giang mà lên tận TP. Hồ Chí Minh. Năm nay, phía Campuchia không còn cho thuê, “đồng nhà” thì không có nước nên nhiều người phải khăn gói ra Bình Dương làm thuê kiếm sống. “Tôi chờ nước lũ về từ mấy tháng nay nhưng đặt cua cũng không được nhiều. Gắn bó với nghề này hơn chục năm nhưng giờ thấy bấp bênh quá. Tôm, cua càng ngày càng ít, chắc phải chuyển đổi nghề khác mới sống nổi” - một người dân ở ấp Vĩnh An than.  

Trở lại xóm làm lọp cá linh Cồn Cóc (xã Phước Hưng, An Phú), tuy không sôi động như chục năm trước nhưng nghề làm lọp cũng giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương. Năm nay lũ về muộn, một phần vì người dân sử dụng lại lọp cũ để đặt, nên lượng lọp làm ra không nhiều. “Nhớ chục năm trước mà thấy ham, mỗi năm làm mấy chục ngàn cái lọp, giao khắp các tỉnh, thành phố, có cả dân bên Campuchia đi ghe lớn qua mua. Cả xóm làm nhộn nhịp ngày đêm mới kịp giao hàng. Mấy năm nay lũ kém (trừ năm rồi lũ bất thường), cá ít dần nên người ta cũng bỏ nghề đặt lọp cá linh” - chú Út Tòng, người gắn bó mấy chục năm với nghề làm lọp cá linh ở Cồn Cóc cho biết.

Năm nay lũ về muộn nhưng người dân cũng cần hết sức cảnh giác, đề phòng nước lũ, phòng chống sạt lở và đảm bảo an toàn trong sản xuất, sinh hoạt. Bởi sau vài cơn bão, chắc chắn các đập phía thượng nguồn sẽ xả lũ; cộng với triều cường lên sẽ ảnh hưởng các vùng phía hạ lưu. Vì thế, cần chủ động trong mọi tình huống, không nên chủ quan trong việc phòng chống lũ, đề phòng sạt lở. 
HỮU HUYNH - (baoangiang.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Đời Sống