“1001” kiểu bắt ếch
Trong số các cách bắt ếch thì “nhấp” ếch là công việc thú vị nhất, cách thực hiện cũng rất đơn giản, không cần chuẩn bị và đầu tư dụng cụ nhiều. Chỉ cần trang bị 1 chiếc cần câu bằng cây trúc dài, một ít mồi câu (thường là ốc bươu vàng hay cá cắt nhỏ), 1 chiếc túi hoặc 1 sợi dây dài để buộc. Địa điểm câu ếch thường là những vùng nước có nhiều bụi rậm, lục bình, rau muống…Không giống như câu cá, người câu ếch phải dùng cọng rau muống nối phần lưỡi câu lên dây câu để lưỡi câu không bị vướng khi rê trên cỏ; đồng thời “nhấp” cần câu liên tục không nghỉ tay. Cũng nhờ “nhấp” liên tục nên ếch tưởng là sâu bướm hay côn trùng rớt xuống mặt nước liền nhảy lại để đớp lấy con mồi. Điều quan trọng nhất là tuyệt đối không làm động cỏ rác khu vực xung quanh bờ, hố nước. Do con ếch rất nhát, nên khi nghe tiếng động là nhảy xuống nước và lặn “mất tăm”.
“Nhấp” ếch không chỉ là niềm vui, mà còn là “chén cơm” của nhiều người
Thú vị không kém so với “nhấp” ếch là đi “soi” ếch, chỉ khác là công việc này được thực hiện vào ban đêm. Để “soi” ếch, người ta thường đến những nơi, khu vực đất trống ven ao, hồ hoặc các mô đất ẩm ướt. Dụng cụ chủ yếu là tay không, chĩa và 1 chiếc đèn pin đeo trên trán. Đi “soi” ếch về đêm phải đi hết sức nhẹ nhàng, tránh gây tiếng động lớn. Khi đã xác định đúng vị trí của con ếch, chỉ cần rọi đèn thẳng vào mặt ếch để cho chúng chói mắt, rồi lập tức nhảy đến chụp hoặc dùng chĩa để đâm. Ếch “soi” bằng chĩa thường bị chết, nên chủ yếu để ăn, còn muốn bán ra chợ phải bắt bằng tay.
Nếu như 2 phương pháp trên chỉ bắt được số lượng ít, chủ yếu để người bắt thưởng thức, còn muốn bắt nhiều để bán ở chợ thì phải đi cắm câu. Cắm câu ếch, người ta thường sử dụng cần câu bằng cây tre, vót nhỏ, chiều dài từ 30-40cm. Dây câu buộc vào cần cách 1 đoạn chừng 10cm. Mồi câu thường là cá, ốc bươu vàng cắt nhỏ trộn thêm một ít dầu chuối, xác mắm hay ủ cá cho lên mùi. Khi đã xác định được vị trí, cần câu được cắm chặt xuống đất, đặt mồi câu lên trên. Đêm xuống, ếch nghe mùi mồi hấp dẫn là nhảy đến đớp ngay. Nghề câu ếch tuy cực nhưng thu nhập khá cao, mỗi người có thể đi cắm từ 100-200 cần câu mỗi đêm nên số lượng bắt khá nhiều. Cần câu thường được cắm vào đêm, đến sáng thì gỡ và phải đem ra chợ ngay nếu không con ếch sẽ bị chết, rất khó bán. Có người không cắm câu mà đan lọp bắt ếch với cách làm mồi cũng tương tự. Ếch câu hay đặt lọp đều là ếch còn sống, không như ếch bị soi chĩa nên dễ bán hơn.
Thú vui mùa nước nổi
Ở những vùng nông thôn, từ sau khi thu hoạch vụ lúa hè thu đến hết mùa nước nổi là thời điểm ếch đồng vào mùa sinh sản, sinh trưởng và phát triển. Lúc này, lúa đã làm xong, đồng bỏ không để chờ sản xuất vụ kế tiếp. Đây cũng là lúc mưa nhiều, nguồn thức ăn dồi dào nên con nào con nấy “bự chảng”, có con lớn bằng bàn tay. Thanh niên ở các vùng quê, tranh thủ thời gian lúc nông nhàn thường đi bắt ếch để nhâm nhi với bạn bè hoặc cải thiện bữa ăn hàng ngày.
Gặp anh Lê Văn Tèo (xã Hòa An, Chợ Mới), trong một buổi trưa, 1 tay xách cần câu dài khoảng 5m, 1 tay xách xâu ếch được buộc bằng dây ny-lon chừng 1kg. Anh Tèo chia sẻ: “Thời điểm này, ếch đồng khá mập mạp, bình quân mỗi con ếch đồng nặng khoảng 100-150gr, lâu lâu cũng câu được con nặng gần 400gr. Mấy con này đem về là khỏi chê”. Theo anh Tèo, ếch sau khi câu về được chế biến thành nhiều món như: nướng, chiên giòn chấm muối tiêu chanh là số một; còn nếu dùng cơm có để đem xào xả ớt, ếch xào bạc hà hay xào lăn… đều rất ngon.
Có nhiều người câu ếch để nhâm nhi trong lúc rảnh rỗi, nhiều người lại coi đây như một nghề để mưu sinh. Anh Phạm Minh Sang (ở ấp Vàm Nao, xã Tân Trung, Phú Tân) cho biết, mỗi ngày đi nhấp ếch khoảng 7 tiếng khắp các cánh đồng ở các xã: Phú An, Phú Thọ, Phú Thạnh, Phú Xuân, dọc kênh K16 (xã Hòa Lạc). Anh Sang cho biết, mỗi chuyến đi thu hoạch được 2-3 kg ếch, có hôm “trúng mánh” thì nhấp được khoảng 4-5kg, giá bán bình quân 75.000 đồng/kg, kiếm được trên 250.000 đồng.
Công việc bắt ếch đôi khi chỉ là niềm vui, cũng có thể là “chén cơm, manh áo” của nhiều gia đình. Nhưng nó đã đem lại thu nhập, giúp nhiều gia đình vượt qua được giai đoạn khó khăn, nhất là trong mùa nước nổi.