Trải nghiệm một ngày mùa nước nổi cùng ngư dân Đồng Tháp

Thứ tư, 30 Tháng 10 2019 06:49 (GMT+7)
Mặc dù tồn tại trong thời gian ngắn và gắn liền với con nước đổ nhưng chính hình ảnh đánh bắt cá và phiên "chợ hẹn" đã góp phần làm sinh động cho bức tranh miền Tây sông nước mỗi khi mùa nước nổi về.

Cá linh noi - đặc sản mùa nước nổi. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Đồng Tháp được biết đến là một trong những tỉnh đầu nguồn đón dòng nước lũ từ thượng nguồn đổ về.

Trong thời gian con nước ngập đồng, bà con ở các huyện đầu nguồn luôn tất bật cho những cuộc mưu sinh trên những cánh đồng trắng nước.

Không chọn cho mình cách trải nghiệm theo các tour tại các điểm du lịch quen thuộc, phóng viên theo chân những người nông dân thứ thiệt lênh đênh sông nước để trải nghiệm “nghề bà cậu," tận tay đánh bắt “sản vật trời ban” chỉ có riêng trong mùa nước nổi.

Nửa đêm đi tìm đặc sản “cá linh”

Hơn 1 giờ sáng, vợ chồng anh Đặng Văn Đức, chị Hồng Thị Hường (trú tại ấp Bình Hòa Trung, xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự) đi bắt cá linh - đặc sản mùa nước nổi.

Vừa lái chiếc xuồng đục khoang, anh Đức cho biết thông thường mùa nước nổi Đồng Tháp bắt đầu vào khoảng giữa tháng Tám đến cuối tháng 11 dương lịch hàng năm. Đây là khoảng thời gian hai dòng lưu vực sông Tiền, sông Hậu đón dòng nước lũ mang nặng phù sa từ dòng Mekong chảy về. Vì vậy, người dân Đồng Tháp vốn đã quen với hình ảnh dòng nước đỏ ngầu từ thượng nguồn đổ về. Năm nay, lũ về muộn, bà con “trông đứng trông ngồi."

Anh Đức kể, chỉ có ba tháng mùa nước, anh mới làm “nghề hạ bạc." Với chiếc xuồng đục khoang và hơn 10 cái dớn (tên ngư cụ bằng lưới để bắt cá linh), vợ chồng anh rong ruổi trên các cánh đồng từ 1 giờ sáng đến rạng sáng. Mỗi ngày, với công hai người, anh Đức, chị Hường kiếm được vài ký cá linh và vài chục ký cá mồi (các loại cá tạp còn nhỏ dùng để làm thức ăn cho cá lóc hoặc để ủ nước mắm).

Nhắc đến hai câu đố của người miền Tây: “Nước không chân sao kêu nước đứng?/ Con cá không thờ sao gọi cá linh?," chị Hường giải thích, đây là loài cá theo dòng Mekong đổ về vùng đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu, theo con nước tràn vô ruộng đồng, ao hồ, sông rạch. Đầu mùa, cá chỉ bằng tăm nhang, cuối mùa lớn bằng ngón chân cái. Người ta dùng mùng lưới hay rổ xúc để bắt loại cá này.

Ngày xưa, cá còn nhiều, cá linh lội xanh nước, nhiều người gọi đó là cá linh đua. Bây giờ, lượng cá giảm hẳn, một đêm đánh bắt được khoảng 10 ký đã được xem là “trúng mánh." Vì vậy, cá linh đầu mùa rất được giá, tầm khoảng 250.000/kg, với riêng loại cá này, nếu cá lớn, giá sẽ giảm theo.

Chị Hường vừa dứt lời, anh Đức trầm mình xuống nước cất cái dớn khỏi mặt nước, trong lưới chỉ tầm khoảng chục con linh, còn lại chỉ là cá mồi. Anh Đức cười bảo “chắc hôm nay thất thu quá." Tuy nhiên, đến cái thứ hai, ba khấm khá hơn, mỗi cái cũng được vài chục con cá linh.

Giữa màn đêm xung quanh toàn nước, anh chị mưu sinh bằng chiếc xuồng máy và chiếc đèn pin đeo trên đầu để định hướng đường đi, dò tìm nơi đặt dớn. Chị Hường nói, sống trong vùng rốn lũ, mỗi năm khi con nước về, người dân ở đây tận dụng các ngư cụ như lưới, dớn, lợp, lờ,... khai thác sản vật từ lũ. Công việc tuy vất vả, thường bắt đầu từ giữa khuya nhưng đổi lại, thu nhập người dân cũng kha khá giữa những tháng nông nhàn.

 

Đánh bắt cá linh. (Ảnh minh họa. Công Mạo/TTXVN)

Đi “chợ hẹn” mùa nước nổi

Một nét rất riêng của mùa nước nổi là “chiến lợi phẩm” sau đêm đánh bắt được bà con bán cho thương lái tại các địa điểm đã giao ước trước đó như bến sông, bờ kênh. Việc mua bán diễn ra nhanh chóng nhưng cũng không kém phần nhộn nhịp từ khoảng 4 đến 5 giờ sáng. Đặc biệt, “chợ” ở đây chỉ tồn tại trong các tháng mùa lũ và không có bất cứ sản phẩm gì, ngoại trừ cá.

Bốn giờ sáng, tại bến tập kết mua bán thủy sản ở xã Thường Thới Hậu B, huyện Hồng Ngự, “phiên chợ hẹn” bắt đầu diễn ra nhộn nhịp. Dù trời còn nhá nhem tối nhưng ánh sáng của những chiếc đèn pha chính là dấu hiệu để người bán, người mua tìm đến nhau. Mỗi phương tiện chừng vài kg đến vài chục kg, chủ yếu là cá linh đã được người đánh bắt lựa sẵn nên việc mua bán rất nhanh gọn, chỉ cân cá và tính tiền.

Sau chuyến đánh bắt trắng đêm trên đồng nước, từng phương tiện đánh bắt thủy sản như anh Đức, chị Hường xếp hàng để chờ cân cá. Mỗi người được vài kg cá, do vậy bà con thường tập trung về một điểm hẹn thường gần điểm đánh bắt và có đường giao thông thuận lợi cho cả đường bộ, đường thủy để thuận tiện cho cả người bán, người mua.

Chị Nguyễn Thị Tha (xã Thường Phước 2, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) cho biết chị bắt đầu công việc từ 23 giờ. Theo chị Tha, tùy theo bữa, cá linh ít hay nhiều, có hôm được vài kg nhưng có hôm hơn 20kg. “Chợ” đã được mặc định vào giờ cố định nên phải tranh thủ thời gian đổ dớn, thu lưới cho xong trước 4 giờ, để người mua cá bán lại ở chợ đến cân cá.

Mua bán cá linh vào mùa nước nổi. (Ảnh minh họa. Công Mạo/TTXVN)

Anh Lê Văn Vinh, một tiểu thương hàng cá ở xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự, cho biết “chợ” được “hẹn” qua nhiều năm nên được thương lái thường tụ họp rất đông, để cân cá về bán ở các chợ truyền thống. Họ thường là thương lái trung gian ở các chợ thị xã, chợ tỉnh thường đến đây từ sớm để kịp về bán chợ sáng hoặc bỏ mối cho các tiểu thương. Tuy nhiên, năm nay cá ít, mỗi xuồng chỉ được vài kg nên lượng cá mua được không nhiều như các năm trước.

Về mặt hàng cá linh, anh Vinh cho biết do con nước về trễ, kích thước cá nhỏ hơn và giá vẫn giữ ở mức ổn định. Nguồn cá linh trong thiên nhiên ngày càng ít đi, khiến cá linh trở thành một loại đặc sản của vùng Đồng Tháp Mười. Giá cả đầu mùa đắt hơn giá thịt lợn ngon, thậm chí ngang bằng giá tôm nuôi. Mặt khác, thông thường cá linh chỉ đắt hàng khi còn sống. Để vận chuyển về các chợ hoặc đi tỉnh khác, người bán phải dùng bình oxy để "dưỡng" cho cá sống, vì cá linh rất dễ chết.

Không khí rôm rả của “chợ” cũng tan khi trời hửng sáng và cũng chỉ kéo dài trong 3-4 tháng mùa nước nổi, sau đó tự giải tán khi con nước rút. Mặc dù tồn tại trong thời gian ngắn và gắn liền với con nước đổ nhưng chính hình ảnh này đã góp phần làm sinh động cho bức tranh miền Tây sông nước mỗi khi mùa nước nổi về.

Theo Vietnamplus 
T/h: M.Phúc (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Đời Sống