Theo khuyến cáo của Cục Trồng trọt, ở ĐBSCL, những vùng có nguy cơ hạn mặn cuối vụ như vùng ven biển Nam bộ các tỉnh Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Kiên Giang) nằm trong khu vực xuống giống sớm từ ngày 10 đến 30-10-2019. Đây là những vùng có nguy cơ thiếu nước vào cuối vụ cần xuống giống sớm để né mặn với diện tích khoảng 400.000ha chiếm khoảng 25% diện tích vụ đông xuân. Lịch xuống giống đợt 1 từ ngày 1-11 đến ngày 30-11-2019; đây là thời vụ chính cho cả 3 vùng thượng, vùng giữa và vùng ven biển với diện tích xuống giống khoảng 700.000ha, chiếm khoảng 42% diện tích kế hoạch. Lịch xuống giống đợt 2 từ ngày 1-12 đến ngày 31-12-2019 với diện tích khoảng 400.000ha, chiếm khoảng 25% diện tích kế hoạch. Một số vùng xuống giống đông xuân muộn kết thúc xuống giống trước ngày 10-1-2020.Việc bố trí thời vụ như trên và chủ động xuống giống sớm, linh hoạt cho những vùng ảnh hưởng của xâm nhập mặn hằng năm tại các tỉnh ven biển sẽ đảm bảo đủ lượng nước cho sản xuất lúa và sẽ hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn, mặn gây ra. Ngoài ra cũng đề phòng khô hạn cục bộ tại một số địa bàn thuộc vùng phù sa ngọt.
Tùy theo tiểu vùng sinh thái, các địa phương ở ĐBSCL sẽ chọn lựa cơ cấu giống phù hợp với địa phương mình. Theo đó, vùng Tây sông Hậu và Tứ giác Long Xuyên ưu tiên áp dụng các giống lúa thâm canh cao, chất lượng khá - tốt; chủ lực là các giống OM5451, OM4900, OM6976, OM2517, OM7347, Đài Thơm 8 và IR50404... Vùng Đồng Tháp Mười ưu tiên áp dụng giống lúa chịu phèn, điều kiện khó khăn mặn trung bình – khá; chủ lực là các giống Đài Thơm 8, IR50404, OM5451, OM6976, OM4900... Vùng phù sa ngọt dọc sông Tiền, sông Hậu ưu tiên sử dụng các giống lúa cao sản chất lượng cao như: OM4900, OM6976, OM4218, OM5451, OM 18, Đài Thơm 8, Jasmine 85... Vùng ven biển Nam bộ ưu tiên áp dụng giống ngắn ngày, thâm canh trung bình - khá, chịu mặn khá như OM2517, OM576, OM5451, OM6976, OM6162, OM 8959, OM 9921, OM9577...
Đông xuân là vụ lúa chính trong năm nên công đoạn làm đất trong vụ này cần phải đầu tư thật kỹ. Nông dân cần dọn vệ sinh đồng ruộng, gia cố bờ bao để quản lý nước. Rơm rạ trên ruộng có thể loại bỏ ra khỏi ruộng hoặc cày vùi và phun nấm Trichoderma sp. giúp cho phân hủy nhanh rơm rạ để giảm ngộ độc hữu cơ. Sau khi thu hoạch lúa xong, gốc rạ được trục để chôn vùi xuống đất sâu và cho ngập nước tối thiểu 3 tuần trước khi gieo sạ; xới đất tơi xốp và san phẳng mặt ruộng. Nông dân cần sử dụng hạt giống đạt tiêu chuẩn chất lượng cấp xác nhận theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trước khi ngâm ủ nên phơi hạt giống khoảng 1-2 giờ và thử độ nảy mầm. Tùy theo từng vụ, tùy điều kiện sinh thái đất, điều kiện thời tiết và tùy từng nhóm giống nên áp dụng giảm lượng giống từ 60-100kg/ha.
Các nhà khoa học về kỹ thuật canh tác của Viện Lúa ĐBSCL cũng khuyến cáo nông dân phải bón phân cân đối, hợp lý, tránh bón thừa phân đạm. Cần bón phân theo nguyên tắc 5 đúng, kết hợp khoa học với kinh nghiệm và kiểm tra thực tế trên đồng ruộng để gia giảm hợp lý trong từng điều kiện cụ thể, chống thất thoát phân bón, tăng hiệu quả phân bón. Về biện pháp quản lý dịch hại, nông dân phải phối hợp đồng bộ các khâu kỹ thuật như: chọn giống, kỹ thuật canh tác, biện pháp sinh học và biện pháp hóa học vào chiến lược quản lý dịch hại tổng hợp dịch hại trên ruộng lúa. Cần thăm đồng thường xuyên để phát hiện dịch hại kịp thời để phòng trị tương ứng với các thời kỳ sinh trưởng.
Cơ giới hóa khâu cấy lúa ở một địa phương vùng ĐBSCL. Ảnh: CTV
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thúy Kiều Tiên, Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, Viện Lúa ĐBSCL đã xây dựng quy trình canh tác lúa bền vững cho 4 vùng sinh thái (vùng ven biển nhiễm mặn, vùng nước lợ, vùng nước ngọt, vùng nhiễm phèn) phù hợp với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL. Đối với vùng ven biển nhiễm mặn, các địa phương cần chú ý nguồn nước ngọt khi canh tác lúa do thiếu nước và nước bị nhiễm mặn vào cuối vụ đông xuân. Ở vùng nước lợ cần chú ý vấn đề tưới tiêu vào cuối vụ đông xuân và ảnh hưởng nước mặn trước vụ hè thu. Đối với vùng nhiễm phèn cần lưu ý tận dụng nguồn nước và bón bổ sung vôi trước khi canh tác nhằm rửa phèn triệt để; nên đào mương xổ phèn trên nền ruộng bị nhiễm phèn. Nhìn chung, quy trình kỹ thuật canh tác sản xuất lúa bền vững cho các tiểu vùng sinh thái canh tác 2-3 vụ lúa/năm ở ĐBSCL là một quy trình động và cần được vận dụng linh hoạt theo tình hình thực tế ngoài đồng ruộng của từng địa phương, trong từng thời điểm cụ thể, từng giống lúa cụ thể.