Nghệ An, Hà Tĩnh và một số tỉnh Bắc Trung Bộ là những địa phương có lượng người di cư lao động nhiều nhất nước. Đây cũng là những địa phương mà các đường dây đưa người ra nước ngoài trái phép hoạt động nhộn nhịp, nhất là mồi chài người dân sang Anh. Bất chấp rủi ro, nhiều người đã lao vào các đường dây này.
Đổi đời bằng mọi giá
Những ngày đầu tháng 11, chúng tôi về xã Đô Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, nơi có 3 gia đình trình báo có người thân mất liên lạc nhiều ngày khi trên đường sang Anh. Dọc theo các tuyến đường vào xã này là nhưng căn biệt thự, dãy nhà nhiều tầng mọc lên san sát, ôtô đắt tiền đỗ đầy đường. Nhiều gia đình có cuộc sống ổn định nhờ có con em đi làm việc hợp pháp ở Hàn Quốc, Nhật Bản nhưng cũng không ít người phất lên do sang Anh bất hợp pháp.
Khoảng hơn 20 năm trước, Đô Thành cũng như bao xã khác ở vùng quê lúa Yên Thành, chỉ là vùng quê nghèo. Từ những năm 90 của thế kỷ trước, Việt Nam xúc tiến hợp tác lao động với Hàn Quốc, Nhật Bản, nhờ đó mở ra cơ hội cho người dân Đô Thành. Thanh niên địa phương bị cuốn vào làn sóng di cư, ra nước ngoài làm việc. Ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch UBND xã Đô Thành, huyện Yên Thành - cho biết hiện toàn xã có 1.471 trường hợp đang làm việc tại nước ngoài. Ngoài đi theo các chương trình hợp pháp, rất nhiều người theo các đường dây bất hợp pháp để sang các nước châu Âu, đặc biệt là Anh.
Cùng với Đô Thành, tại các xã khác của huyện Yên Thành, nhiều người cũng đang cuốn vào làn sóng di cư ở nước ngoài. Theo ông Phan Văn Tuyên, Chủ tịch UBND huyện Yên Thành, toàn huyện có hơn 15.000 người đang làm việc ở nước ngoài, hằng năm gửi về hơn 200 triệu USD, tương đương khoảng 4.500 tỉ đồng.
Để kiếm được đồng tiền nơi đất khách, nhiều người ở huyện Yên Thành đã phải trả giá rất đắt. Đó là do làm việc "chui", sống ngoài vòng pháp luật nên số người bị bóc lột, cưỡng bức lao động, bị tai nạn lao động, bệnh tật, mất tích, chết ở nước ngoài ngày càng tăng. Ông L.M.T (trú xã Đô Thành, bố của anh L.V.H, 30 tuổi, nghi là nạn nhân của vụ 39 người chết trong thùng xe tải ở Anh), nói rằng đến lúc này ông rất hối hận vì ước vọng đổi đời cho gia đình, cho con. "Nghe nhiều người bảo sang Anh dễ làm ăn nên gia đình "cắm bìa đỏ" để có 800 triệu đồng cho cháu sang đó. Ai ngờ lại đau đớn như vậy" - ông T. xót xa.
Ở xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, phía sau những ngôi nhà mới khang trang vẫn còn đó những thảm cảnh của di cư trái phép. Có 5 thanh niên ở xã này được trình báo mất tích, nghi là nạn nhân trong số 39 người thiệt mạng ở Anh. Ngoài vụ việc này, đã có 5 thanh niên địa phương sang châu Âu tử vong, trong đó 1 trường hợp ở Anh, 3 ở Đức và 1 tại Ba Lan.
Một người dân ở xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An kể lại với phóng viên Báo Người Lao Động việc người thân sang Anh và đang mất liên lạcẢnh: VŨ ĐỨC
Môi giới biệt tích
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những năm gần đây, rất nhiều người ở Hà Tĩnh, Nghệ An sang Anh làm việc bất hợp pháp, nhất là trồng cần sa. Để được sang Anh, họ phải bỏ ra từ 800 triệu đồng đến 1 tỉ đồng để chung chi cho các đối tượng môi giới.
Trong những ngày thâm nhập thực tế để bóc mẽ các đường dây buôn bán người, chúng tôi tìm gặp anh N.V.H (trú TP Vinh, tỉnh Nghệ An). Anh H. từng có nhiều năm đi trồng cần sa ở Anh, bị cảnh sát bắt rồi trục xuất về nước. "Do đi chui nên mọi việc đều do người trong đường dây lo, mình chỉ việc đưa cho họ trước 20.000 USD làm một số giấy tờ rồi chờ đợi. Sau nhiều chặng đi, tôi được người trong đường dây đưa tới Pháp, khi chuẩn bị lên xe sang Anh, môi giới yêu cầu đóng số tiền còn lại hơn 22.000 USD" - anh H. thuật lại.
Rất nhiều người Việt cùng chuyến sang Anh với anh H. là nạn nhân của các đường dây buôn bán người do một số đối tượng trong nước cấu kết với người nước ngoài lập ra. Dù biết sẽ đối mặt với rất nhiều rủi ro nhưng vì mong ước đổi đời nên họ chấp nhận đánh đổi, chấp nhận cảnh sống chui sống nhủi, bị cưỡng bức lao động. "Người mình sang Anh, con gái thì đi làm nail, con trai đi trồng cần sa. Khổ cực thì may ra mới có tiền" - anh H. tâm sự.
Cũng theo anh H., do sang Anh làm việc bất hợp pháp nên việc thỏa thuận đưa tiền giữa người đi và môi giới chủ yếu bằng miệng, không có giấy tờ ràng buộc. Khi xảy ra sự cố thì người lao động phải gánh chịu vì sau khi nhận tiền, bọn cò mồi này đã cao chạy xa bay. Từ thông tin do các gia đình ở xã Thiên Lộc trình báo có người thân mất tích ở Anh, chúng tôi liên lạc với một đối tượng môi giới qua số điện thoại 0363...223. Tuy nhiên, người này chủ động cắt liên lạc, bỏ trốn khỏi địa phương.
Tại xã Hưng Đông, TP Vinh, sau khi gia đình trình báo em T.T.N (SN 2000) mất liên lạc, đối tượng môi giới đưa em N. sang Anh cũng đã trốn đi nơi khác. Ông Trần Anh Tấn, Chủ tịch UBND xã Hưng Đông, thông tin người này có đến gia đình N. trả lại số tiền đã chung chi. Sau khi Công an tỉnh Hà Tĩnh khởi tố vụ án liên quan đến vụ 39 người chết ở Anh, đối tượng này liền bỏ trốn.
Thủ tướng chia buồn với gia đình các nạn nhân
Ngay sau khi Đại sứ quán Việt Nam tại Anh và Bộ Ngoại giao báo cáo về việc Cảnh sát hạt Essex thông báo có nạn nhân người Việt, chưa xác định danh tính cụ thể trong vụ 39 người thiệt mạng trên xe tải, nhân chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 tại Thái Lan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình các nạn nhân.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an và Bộ Ngoại giao cử ngay các đoàn công tác do lãnh đạo bộ làm trưởng đoàn, trực tiếp sang Anh để làm việc với nhà chức trách, xử lý các công việc liên quan. Chính quyền các địa phương có nạn nhân thực hiện các biện pháp phù hợp, quan tâm chia sẻ, động viên các gia đình để họ sớm vượt qua đau thương, mất mát.
Liên quan đến vụ việc, tối 3-11, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương. Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành hữu quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng với phía Anh xác minh danh tính các nạn nhân để sớm công bố thông tin chính thức.
Theo báo cáo tại cuộc họp, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, tối 2-11, đoàn công tác của Bộ Công an đã lên đường sang Anh và tối 3-11, đoàn công tác của Bộ Ngoại giao cũng sang nước này.
T.Dũng - D.Ngọc