Trong nhiều chuyến đi thực tế, không ít lần chúng tôi nghe được nỗi niềm chứa đầy tâm sự: “Nghề truyền thống giờ đã mai một ít nhiều”. Nhưng với quyết tâm làm giàu từ chính cái nghề đã nuôi lớn mình, anh Sĩ đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách khi khởi nghiệp với cái nghề được xem là “quá lứa lỡ thì” - làm cối đá. Vậy là, sau bao năm bôn ba lập nghiệp nơi xứ người, anh Sĩ về lại quê hương bắt tay với chính cái nghề đã có từ mấy mươi năm của quê hương. Đó là nghề làm cối đá và các sản phẩm trưng bày thủ công mỹ nghệ bằng đá.
Với số vốn ít ỏi ban đầu là 3,5 triệu đồng, anh Sĩ trang bị 2 máy mài, cắt đá. Sau gần 1 năm chào hàng, những sản phẩm đầu tiên bán được như tiếp thêm động lực cho người thanh niên trẻ. “Khách hàng đầu tiên mua dùng tỏ vẻ rất vừa ý. Họ không chỉ tiếp tục đặt hàng mà còn giới thiệu nhiều người. Từ đó, sản phẩm của tôi bắt đầu được đón nhận trên thị trường, đơn hàng ngày càng nhiều hơn, đôi khi làm từ sáng đến tối mịt vẫn chưa xong” - anh Sĩ cho biết.
Khởi nghiệp từ cối đá là hướng đi chính xác của hai vợ chồng anh Sĩ
Nghề cối đá ở thị trấn Núi Sập đã có từ rất lâu đời. Người dân quê xem chiếc cối đá là vật không thể thiếu trong mỗi gia đình, bởi nó gắn liền với sinh hoạt hàng ngày như: giã gạo, đập lúa, đâm cua hay các loại gia vị. Năm tháng qua đi, khi những chiếc máy gặt đập, máy xay xát gạo hiện diện ở hầu hết các làng quê thì vai trò thiết yếu của những chiếc cối đá không còn nữa. Theo anh Sĩ, trước đây cha anh cũng làm nghề cối đá nhưng với phương pháp thủ công, dùng tay đục đẻo rất tốn sức lại mất nhiều thời gian. Một ngày sản phẩm làm ra khoảng 1-2 cái cối. Nếu không thật sự yêu nghề thì khó mà bám trụ. Hơn 1 năm nay, anh Sĩ mở rộng quy mô sản xuất cối đá, nâng số vốn ít ỏi ban đầu lên hơn 60 triệu đồng và dành dụm được số vốn cất căn nhà mới.
“Tôi sắm thêm 12 cái máy phục vụ tất cả công đoạn làm cối đá. Nhờ vậy, không còn mất quá nhiều thời gian để tạo ra sản phẩm như xưa; riêng công đoạn bắt chỉ, tô màu là phải làm thủ công vì đòi hỏi sự tỉ mỉ rất cao. Để sản phẩm tiêu thụ mạnh trên thị trường, tôi tạo dấu ấn riêng cho mình. Người trong nghề dễ dàng phân biệt bằng mắt thường từng sản phẩm. Điểm nhấn quan trọng nhất là sự trơn bóng, láng mịn trong từng chiếc cối đá. Một chiếc cối đá bị trầy nhẹ, tôi sẽ bỏ ngay để không làm mất danh tiếng của mình” - anh Sĩ bộc bạch.
Giờ đây, khi những công cụ tiên tiến ra đời, việc chế tác đá không còn vất vả như trước. Theo anh Sĩ, thời gian đầu, anh tìm tòi học hỏi thêm từ bạn bè và tiến hành xây dựng lều trại cách xa nhà khoảng 100m để tránh gây tiếng ồn, bụi đá ảnh hưởng bà con hàng xóm. Trung bình mỗi ngày tôi làm ra từ 8-9 cái cối đá. Sản phẩm làm ra được giao cho các vựa tạp hóa ở thị trấn Núi Sập với giá dao động từ 150.000-160.000 đồng/cái, thu nhập bình quân mỗi ngày từ 1,3-1,4 triệu đồng. Nhiều nhất vẫn là giao hàng cho các huyện như: Tri Tôn, Tịnh Biên, TP. Châu Đốc, TP. Long Xuyên để phục vụ du lịch. Ngoài ra, anh Sĩ còn bỏ mối cối đá ở các tỉnh: Kiên Giang, Đồng Tháp, TP. Cần Thơ…
Chị Nguyễn Thị Diệu (sinh năm 1987, vợ anh Sĩ) cho biết, để có một chiếc cối đẹp thì phải chọn những đá có gân hô trắng, gân hô xanh... khi mài ra cối sẽ đẹp, nhẵn và sáng bóng. Cối có kích cỡ nhỏ thì làm rất khó và công phu nên giá thành cao hơn. Để thành người thợ đá lành nghề đòi hỏi phải cần mẫn, chăm chỉ, có đam mê và phải thật sự yêu nghề thì mới trụ được vì nó có muôn vàn khó khăn, vất vả. Ngày đó, dụng cụ thô sơ nên mỗi khi đúc, mài đá, tay chân người thợ bị ghim miễng đủ chỗ. Nay thì, máy móc hiện đại đã giúp người thợ đỡ vất vả hơn rất nhiều. Khuyến khích tinh thần khởi nghiệp của anh Sĩ, địa phương đã hỗ trợ anh lập hồ sơ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, có điều kiện tiến xa hơn với nghề đã chọn.
Bí thư Huyện đoàn Thoại Sơn Nguyễn Thị Ngọc Hà thông tin: “Làm cối đá là nghề truyền thống của thị trấn Núi Sập. Anh Nguyễn Ngọc Sĩ đã chọn đây là mô hình khởi nghiệp để phát triển kinh tế gia đình. Nhờ áp dụng tiến bộ của khoa học - kỹ thuật, sản phẩm anh Sĩ làm ra không tốn nhiều thời gian như trước. Việc làm của anh Sĩ phần nào giúp gầy dựng lại nghề “vang bóng một thời” của địa phương và tạo điều kiện cho thanh niên trên địa bàn học hỏi kinh nghiệm. Góp phần làm cho phong trào khởi nghiệp của thanh niên huyện Thoại Sơn ngày càng phát triển”.
Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN - (baoangiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)