Năm 2004, cha của anh Lê Phi Công là ông Lê Tấn Đạt cho cải tạo phần đất trống xung quanh nhà trồng cây mai vàng, chủ yếu để tạo cảnh quan và trưng trong dịp Tết Nguyên đán. Nhờ trồng trên nền đất nên mai lớn nhanh, sau vài năm có nhiều người chơi kiểng và thương lái tìm đến hỏi mua, thấy được giá nên ông Đạt bán dần vườn mai của gia đình, cứ bán được cây nào thì ông lại trồng cây khác ngay phần đất trống, tạo lứa mai “dự bị”....
Anh Lê Phi Công bên gốc mai trị giá hơn 900 triệu đồng.
Từ đó, anh Lê Phi Công nhận thấy triển vọng từ mô hình này nên tìm đến các nhà vườn, nghệ nhân học hỏi về kỹ thuật chăm sóc cây cảnh, cách “nuôi” phôi, kỹ thuật cắt cành, uốn, sửa cành, tạo dáng… Năm 2014 anh Công bắt đầu chuyển sang kinh doanh mai vàng tại vườn. Anh Lê Phi Công, nói: “Khi đời sống người dân ngày càng được nâng lên, thị hiếu của bà con cũng thích chơi hoa kiểng, nhất là cây mai vàng, biểu tượng của Tết hầu như nhà nào cũng có, nắm bắt nhu cầu này tôi bắt đầu chuyển qua kinh doanh mai vàng và cây cảnh”.
Theo anh Công, mai vàng cũng khá dễ trồng, nhẹ công chăm sóc và cũng không cần nhiều chi phí. Tuy nhiên, cây mai vàng trong tự nhiên chỉ có 5 cánh, lại mau tàn, vì vậy, để dễ bán và được giá cao, anh Công chọn trồng các giống mai giảo có nhiều cánh, bông to, đẹp và lâu tàn hơn mai tự nhiên. Trước khi trồng, mai giống phải được sửa, quấn rễ đến khi mai lớn sẽ cho gốc (đế) đẹp và có nhiều hình dạng khác nhau, càng “quái lạ” thì người tiêu mua càng ưa thích. Hiện tại trong vườn nhà anh có hàng trăm cây mai vàng lớn nhỏ, trong đó có khoảng 100 cây mai trên 16 năm tuổi, hoành thân từ 50cm-70cm. Đặc biệt, có một cây mai vàng tàng lớn, hoành thân hơn 90cm có người hỏi mua với giá 900 triệu đồng nhưng anh Công chưa bán.
Cùng với mua bán mai vàng, anh Lê Phi Công còn mua bán thêm nhiều loại kiểng bonsai, như: mai chiếu thủy, tùng, nguyệt quế, gừa,… Hiện anh đang sở hữu hơn 50 tác phẩm bonsai nghệ thuật do chính anh “nuôi” tạo. Hằng năm, anh cũng tích cực đưa một số tác phẩm của mình tham gia các hội thi sinh vật cảnh tại trung tâm TP Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang… và đạt được nhiều giải thưởng. Đặc biệt, trung tuần tháng 11-2019 vừa qua, anh đại diện cho Câu lạc bộ sinh vật cảnh TP Cần Thơ tham gia Lễ hội Bonsai và Suiseki châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 15 được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, tác phẩm bonsai nghệ thuật mai chiếu thủy lá trung của anh đoạt cùng lúc 2 giải thưởng, giải vàng và giải đặc biệt. Theo lời kể của anh, tác phẩm này được Ban Giám khảo nhận xét có hồn, dáng dấp của một cây cổ thụ thu nhỏ, rất giống với tự nhiên, sau Lễ hội có người trả giá 300 triệu đồng, nhưng anh cũng chưa chịu bán.
Tác phẩm bonsai nghệ thuật đạt giải vàng và giải đặc biệt tại Lễ hội Bonsai và Suiseki châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 15.
Anh Công còn mua lại những gốc mai vàng và kiểng tự nhiên (còn gọi là phôi) của người dân trong và ngoài địa phương đem về cắt, tỉa, “nuôi” cành và sửa dáng thành phẩm rồi bán ra thị trường. Anh Lê Phi Công, bộc bạch: “Làm nghề này mình phải có niềm đam mê, mắt thẩm mỹ và học tính kiên nhẫn. Bởi tùy theo phôi mà người chơi kiểng chọn dáng, thế cho cây, nếu phôi phù hợp với tàng cảnh thì “nuôi” cho tàng cây lớn nhưng cũng có phôi hình dáng, gốc quái lạ thì chơi bonsai còn gọi là tàng nghệ thuật, quá trình “nuôi” phải mất thời gian đôi ba năm mới cho ra một tác phẩm thành phẩm. Khi chọn đúng dáng, thế sẽ tôn thêm vẻ đẹp tự nhiên và người tạo tác như thổi hồn vào cây kiểng, có như vậy tác phẩm mới có giá trị cao, người thích chơi kiểng sẵn sàng chi số tiền lớn để mua một cây cảnh ưng ý”.
Với mô hình này, mỗi năm đem về thu nhập cho gia đình anh Công hàng trăm triệu đồng. Riêng năm 2019, anh thu được hơn 1,4 tỉ đồng, lợi nhuận hơn 300 triệu đồng. Thời điểm này, chuẩn bị phục vụ thị trường Tết Nguyên đán cũng là lúc hoạt động mua bán hoa kiểng, cây cảnh trở nên nhộn nhịp hơn, nhất là mai vàng đang trở nên hút hàng, cũng như các nhà vườn khác, vườn kiểng gia đình anh sẵn sàng mở cửa phục vụ nhu cầu chơi Tết của bà con. Anh Công nhận thấy, mô hình này không chỉ đem lại nguồn thu nhập cao và ổn định cho gia đình anh mà đối với những hộ có mai vàng, cây kiểng mọc quanh vườn nhà bán phôi cũng có thêm nguồn thu nhập.
Anh Công cho biết thêm, ở địa phương cũng có nhiều hộ trồng và mua bán mai vàng, cây cảnh và đã có một số hộ cải tạo vườn tạp, đất rẫy để trồng mai vàng. “Thiết nghĩ chính quyền địa phương và các hội, đoàn thể cần có giải pháp hỗ trợ phát triển mô hình: mở lớp tập huấn, thành lập Câu lạc bộ sinh vật cảnh, quy tụ các nhà vườn, người chơi kiểng cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật, cũng như tạo điều kiện thuận lợi để tham gia các Hội thi sinh vật cảnh ở các nơi… Từ đó, mở rộng thị trường giao lưu, mua bán, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương” - anh Lê Phi Công mong muốn.
Bài, ảnh: MINH HẢI - (baocantho.com.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)