Bằng cách ứng dụng khoa học, công nghệ tưới tiết kiệm, tích trữ nước ngọt nên nhiều cây trồng ở Sóc Trăng đang sống khỏe giữa thiên tai, hạn mặn.
Huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng đang chịu tác động nặng bởi hạn hán và mặn xâm nhập. Không ít diện tích nông nghiệp ở địa phương bị ảnh hưởng do thiếu nguồn nước ngọt. Tuy nhiên có rất nhiều diện tích nhờ ứng phó tốt với hạn mặn bằng cách ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tưới tiêu tiết kiệm, tích trữ nước ngọt phục vụ sản xuất nên nhiều cây trồng vẫn sống khỏe giữa thiên tai hạn mặn.
Mương lót bạt chứa nước ngọt.
Ngày nào cũng vậy, sau khi thu hoạch nhãn cùng thực hiện xong việc tưới tiêu, ông Trần Văn Khánh, ở ấp An Lạc, xã An Thạnh Tây lại tranh thủ bơm nước từ hệ thống nước ngầm vào một mương được lót bạt ngay trong vườn nhà để trữ sẵn. Ông Khánh cho biết, nước ngầm khi bơm lên, cần để qua đêm cho lắng phèn, như vậy, khi tưới cho cây trồng sẽ tốt hơn.
Giữa hạn mặn gay gắt, nhưng vườn nhãn Ido của gia đình ông Khánh vẫn thu về khoảng 100kg nhãn mỗi ngày để giao cho thương lái. Tổng diện tích trồng nhãn của gia đình ông Khánh gần 2ha, trong đó, chủ yếu trồng theo hình thức rải vụ, thu hoạch quanh năm. Hiện vườn nhãn của ông vẫn đang phát triển tốt.
Giữa hạn mặn, nhưng ông Khánh vẫn có nhãn để thu hoạch hàng ngày.
Ông Khánh cho biết, từ sau tết Nguyên đán, hạn mặn tại địa phương diễn ra gay gắt, không thể lấy nước ngọt vào tưới tiêu; trong khi các kênh mương tích trữ nước ngọt chỉ cầm cự được hơn 1 tháng. Nhưng nhờ gia đình có sự chủ động ứng dụng công nghệ tưới tiêu tiết kiệm từ hệ thống lấy nước ngầm và tích trữ nước ngọt trong hồ chứa, cho đến nay, tất cả diện tích đất trồng nhãn của gia đình đều không bị ảnh hưởng.
Hệ thống tưới tiết kiệm nước của nông dân Cù Lao Dung.
“Hệ thống này cũng làm cũng đơn giản, tưới cũng không hao nước, tưới dạng phun mưa này thì 1 ngày 7.500 m2 này chỉ cần khoảng 40 m3 nước là tưới ướt đầm đìa luôn. Nước khoan giếng thì tưới không chất lượng bằng nước phù sa, nhưng mà mình bơm phải trữ lại, xử lý nước phèn xong thì mình mới bơm lên tưới”, ông Khánh nói.
Còn ông Trần Văn Phục, ở xã Đại Ân 1, huyện Cù Lao Dung cho biết, ứng phó với hạn hán và mặn xâm nhập mùa khô năm nay, ông thực hiện thử nghiệm đào ao diện tích 1000m2 để trữ nước ngọt kết hợp bơm tưới tiết kiệm cho 10 công đất trồng nhãn. Đến nay, hệ thống trữ ngọt, tưới tiết kiệm này đang phát huy hiệu quả tốt khi giúp cây nhãn của gia đình không bị khô hạn và đang cho hoa kết trái.
Hệ thống ao chứa nước của gia đình anh Trần Văn Phục (xã Đại Ân 1, Cù Lao Dung).
“Mình ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước để đảm bảo lượng nước tiết kiệm tối đa trong sản xuất. Tôi cũng đang xây dựng thử nghiệm mô hình hồ chứa nước để khi mùa nước ngọt mình đưa ngọt vào trữ, nước mặn thì đóng lại trữ ngọt. Tôi đang thử nghiệm xây dựng hồ chứa 1000m2 để tưới cho 10 công cây ăn trái, hồ thì kết hợp nuôi cá thì đáp ứng được khoảng hơn 2 tháng trong thời điểm mặn xâm nhập”, ông Phục cho hay.
Ông Trần Văn Phục cho biết thêm, từ hiệu quả của mô hình đào ao chứa nước ngọt kết hợp nuôi cá, sắp tới, anh tiếp tục vận động bà con xung quanh cùng thực hiện để tạo thành mô hình liên kết đảm bảo nguồn nước ngọt tưới tiêu kéo dài hơn trong các đợt xảy ra hạn mặn nghiêm trọng.
Theo ông Nguyễn Văn Đắc, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cù Lao Dung, so với đợt hạn mặn năm 2016 thì năm nay độ mặn tại địa phương cao hơn rất nhiều, hạn mặn diễn biến gay gắt hơn. Tuy vậy, nhờ sự chủ động trong công tác ứng phó nên không gây thiệt hại.
Phần lớn là ảnh hưởng năng suất và sự sinh trưởng của cây trồng. Để tránh bị thiệt hại trong thời gian tới, huyện Cù Lao Dung đang khuyến cáo nông dân không tiếp tục xuống giống ở tất cả các loại cây trồng, do không thể chủ động được nguồn nước.
Đối với thủy sản thì thả thăm dò; đồng thời khai thác tốt mạch nước ngầm, ứng dụng tốt khoa học kỹ thuật công nghệ trong tưới tiêu để cứu cây trồng trong đợt hạn mặn này.
“Giải pháp về lâu dài thì hiện nay huyện cũng đang hoàn thiện hệ thống thủy lợi, đặc biệt là thủy lợi nội đồng, rồi các kênh, cống khu sản xuất tập trung để từng bước hành các mương, kênh trữ nước ngọt phục vụ khu sản xuất tập trung quy mô vài chục ha,kết hợp với hệ thống khép kín thì chúng ta có thể đảm bảo sẽ giữ được nguồn nước ngọt với hệ thống cống mà chúng ta điều tiết”, ông Nguyễn Văn Đắc cho biết.
Với địa hình là vùng cù lao, nằm cuối nguồn sông Hậu và giáp biển nên huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng luôn chịu tác động nặng bởi biến đổi khí hậu. Song, nhờ những giải pháp kỹ thuật, ứng dụng tốt các khoa học công nghệ, đã và đang từng bước giúp nhiều hộ dân tại địa phương vượt qua đợt hạn hán và mặn xâm nhập của mùa khô năm nay./.
Thạch Hồng - (vov.vn)
T/h: Nguyễn Quyên - (dongbang.vn)