Long An: Cơ giới hóa trong nông nghiệp mang lại nhiều hiệu quả

Thứ hai, 25 Tháng 5 2020 08:46 (GMT+7)
Cơ giới hóa nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đang có chuyển biến tích cực, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao (CNC). Đây là bước tạo nền tảng vững chắc cho nông nghiệp bảo đảm hướng sản xuất hàng hóa, thực hiện thành công mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững, phát triển.
 
Mang lại nhiều hiệu quả
 
10 năm trở lại đây, sự phát triển của cơ giới hóa trong nông nghiệp đã góp phần chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - Nguyễn Chí Thiện, đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp góp phần nâng cao năng suất lao động, cây trồng và thúc đẩy sản xuất hàng hóa trong lĩnh vực trồng trọt. Cùng với việc tiếp cận khoa học - kỹ thuật, khoa học CNC và hệ thống máy móc, trang thiết bị, nông dân ngày càng chủ động, sáng tạo, thay đổi tư duy, hướng đến sản xuất bền vững. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, sản phẩm chủ lực gắn với hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm an toàn: Vùng chuyên canh rau, lúa, thanh long,...
 
Cơ giới hóa trong nông nghiệp mang lại nhiều hiệu quả
 
Hiện nay, đối với cây lúa, các khâu làm đất cơ giới hóa 100%, thu hoạch trên 98% chủ yếu bằng máy gặt đập liên hợp; sấy khô hạt trên 70% sản lượng. Việc cơ giới hóa sản xuất giúp giảm chi phí cho nông dân. Anh Nguyễn Văn Tiệp có thâm niên hơn 30 năm trồng lúa ở xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, nói: “Ngày xưa, làm lúa phải thuê trâu, bò cày đất, khi thu hoạch thì thuê người cắt, thuê xe chở, máy suốt lúa,... vừa tốn kém lại vừa bị hao hụt. Nhưng bây giờ, cơ giới hóa toàn bộ nên nông dân đỡ cực. Hiện toàn huyện có hàng chục ngàn máy phục vụ sản xuất nông nghiệp các loại. Sản xuất lúa từ khâu làm đất, gieo sạ đến thu hoạch đều được cơ giới hóa. Lúa chín, chỉ cần gọi điện là có máy gặt đập liên hợp vào tận ruộng cắt lúa, vô bao, thu gom,… Trước đây, thu hoạch 2-3ha lúa tốn thời gian đến 2-3 ngày, còn bây giờ chỉ vài tiếng đồng hồ là có thể thu hoạch xong”.
 
Còn ông Lê Quang Dình, ngụ xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa, đầu tư gần 1 tỉ đồng để sở hữu chiếc máy cày Kubota đa năng với công suất lớn, có thể gắn các dàn máy cuộn rơm, máy kéo, máy sạ hàng, máy xới đất,… Cứ đến mùa, tùy theo công việc mà ông thay đổi dàn máy cho phù hợp. Theo ông Dình, cơ giới hóa trong sản xuất mang lại nhiều hiệu quả. Do đó, ông mạnh dạn đầu tư không chỉ phục vụ gia đình mà còn cho người dân xung quanh. Ông Dình chia sẻ: “Đầu tư cơ giới giảm rất nhiều thời gian, chi phí trong sản xuất. Thu hoạch 1ha lúa bằng máy chỉ mất hơn 1 giờ, còn thu hoạch thủ công thì phải cả ngày. Việc cơ giới hóa và áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật giúp giải phóng sức lao động, tiết kiệm chi phí, thời gian sản xuất, cải thiện chất lượng nông sản, tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích canh tác”.
 
Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp Công ty TNHH Nông nghiệp Xanh và Xanh trình diễn máy bay phun thuốc không người lái. Đây là sản phẩm công nghệ 4.0 với độ tin cậy và hiệu suất phun thuốc 10ha/8 giờ, cao gấp 30 lần so với phun thủ công và tiết kiệm nước đến 90%; có thể phun trên diện tích rộng và những địa hình phức tạp trong phạm vi điều khiển 7.000m. Máy bay mang 10 lít nước, công suất phun đạt 2-3ha/giờ.

Đặc biệt, sử dụng máy bay không người lái sẽ an toàn cho người sử dụng vì không tiếp xúc trực tiếp với hóa chất độc hại.
 
Theo ông Thiện, phạm vi cơ giới hóa trong toàn tỉnh đang tập trung chủ yếu trong khâu sản xuất như làm đất, thu hoạch.
 
Tuy nhiên, đối với nhiều loại cây trồng, vẫn có thể đẩy mạnh cơ giới hóa trong một số khâu như gieo trồng, chăm sóc để giảm công lao động, tăng hiệu quả sản xuất. Để hướng tới xuất khẩu được các sản phẩm chủ lực, việc đẩy mạnh cơ giới hóa rất quan trọng, đặc biệt, cần tập trung vào khâu sơ chế, bảo quản, chế biến. Vì vậy, người sản xuất cần thay đổi tư duy, tập trung đa dạng hóa các hình thức cơ giới hóa, để áp dụng phù hợp với từng giai đoạn phát triển của từng loại cây trồng.
 
Để nông nghiệp phát triển  hiệu quả
 
Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Thanh Truyền cho biết: “Những năm qua, sản xuất nông nghiệp của tỉnh, cả lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi đều phát triển, hiệu quả. Đặc biệt, sản xuất nông nghiệp có bước phát triển theo hướng chất lượng cao. Chương trình đột phá về Phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp như cơ giới hóa trong sản xuất, giảm lượng giống gieo sạ, sử dụng giống xác nhận, phân hữu cơ sinh học,… tiếp tục mang lại  hiệu quả cao”. Cụ thể, năm 2019, tổng diện tích lúa đạt 506.258ha, sản lượng lúa cả năm trên 2,769 triệu tấn, đạt 100,7% kế hoạch, trong đó, sản lượng lúa chất lượng cao ước đạt 1,37 triệu tấn. Đến nay, tỉnh có trên 15.075ha ứng dụng CNC trong sản xuất, đạt 75,38% kế hoạch, trong đó có 100% diện tích sử dụng giống chất lượng cao và cơ giới hóa trong sản xuất.
 
Kết quả từ các mô hình điểm cho thấy, chi phí giảm so với ngoài mô hình từ 0,8-1,5 triệu đồng/ha, lợi nhuận cao hơn ngoài mô hình từ 2-4 triệu đồng/ha. Đặc biệt, đối với mô hình lúa cấy gắn với tiêu thụ lúa giống, có hộ lợi nhuận cao hơn so với ngoài mô hình từ 6-8 triệu đồng/ha.
 
Nông dân ứng dụng máy móc từ khâu gieo sạ đến thu hoạch lúa
 
Ngoài ra, một số nông dân còn sử dụng máy bay thông minh siêu nhẹ trong phun thuốc quản lý dịch hại trên cây trồng. Từ năm 2013, tỉnh đã quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng cao phục vụ chế biến gạo xuất khẩu với diện tích canh tác hơn 48.000ha ở 25 xã thuộc các huyện, thị xã vùng Đồng Tháp Mười. Mục tiêu của chương trình là phát huy lợi thế cạnh tranh, nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập cho người dân. Theo đó, nông dân sản xuất lúa trong vùng quy hoạch phải thực hiện gieo sạ bằng các loại giống xác nhận chất lượng cao, áp dụng các quy trình thống nhất “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng”,… bảo đảm 100% sản lượng lúa thu được phải là lúa chất lượng cao phục vụ chế biến xuất khẩu. Phấn đấu đến năm 2020, các diện tích lúa trong vùng quy hoạch sẽ sản xuất theo hướng VietGap.
 
Trong quá trình thực hiện, tỉnh tập trung nhiều nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng thủy lợi, giao thông, xây dựng và sửa chữa các trạm bơm điện…; đồng thời, hỗ trợ đẩy mạnh việc sử dụng lúa giống xác nhận, xây dựng các cánh đồng lớn,… từ đó giúp năng suất, sản lượng lúa chất lượng cao không ngừng tăng lên. Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán sản xuất của nông dân; vận động người dân tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã để cùng hợp tác trong các khâu của quá trình sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật nhằm giảm chi phí đầu tư, tăng giá trị sản phẩm. Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức lại sản xuất theo hướng hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, cánh đồng lớn, liên kết sản xuất - tiêu thụ theo chuỗi giá trị; tạo điều kiện cho các tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động hiệu quả,…”.
 
“Thời gian tới, tỉnh tập trung nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi các quy trình, kỹ thuật tiên tiến; đồng thời, đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản. Ngoài ra, tỉnh đang có chủ trương xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng CNC để phát triển vùng tập trung sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC; thực hiện tốt Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh đến năm 2020” - ông Truyền thông tin thêm./.
 
Huỳnh Phong - (baolongan.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Đời Sống