Đàn chim tung bay đi kiếm ăn từ đầu giờ sáng. Ảnh: Thành Hiệp.
Ông Lê Văn Chìa, 74 tuổi cư ngụ ấp Gia Kiết, xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long có miếng vườn rộng 2ha, trước đây trồng nhãn, măng cụt, dâu…
Kể từ khi đàn chim trời bay về trú ngụ, vườn cây ăn trái của ông xác xơ, trơ cành, trụi lá khiến ông thất thu mỗi năm hàng trăm triệu đồng.
Mặc dù vậy ông vẫn vui vẻ và tâm huyết chăm sóc, bảo vệ và bảo tồn đàn chim trời không cho kẻ lạ săn bắt.
Ông cho biết vào năm 2006 có một đàn vạc độ vài chục con xuất hiện trong vườn nhãn. Qua mấy ngày sau, chúng lại bay về càng lúc càng đông. Khoảng vài tháng sau, khu vườn của ông biến thành một sân chim, sáng chiều chúng bay lượn dày đặc một góc trời vô cùng đẹp mắt, nay ước tính có trên 4.000 con.
Ngoải vạc ra, ông Chìa còn phát hiện có nhiều loại chim hoang dã như cò trắng, cò quắm, cồng cộc… nhiều nhất là cò ốc. Hôm đến xem vườn chim của ông, nhiều người còn nghe tiếng cuốc, tiếng bìm bịp và nhiều loại chim khác cất tiếng vang lên tạo thành một bản hòa tấu thật êm tai.
Hiện nay, cứ 5, 6 giờ sáng là đàn vạc đi ăn đêm bay về xà xuống các lùm cây, chúng vừa đập cánh vừa kêu oạc oạc…làm xao động cả khu vườn. Đến khoảng 8 giờ là đàn cò trắng, cồng cộc, cò ốc bắt đầu rời tổ đi kiếm ăn và quay về từ 4, 5 giờ chiều, chúng tung bay rợp một góc trời.
Trước kia vợ chồng ông Chìa sống dựa vào vườn cây ăn trái, nay cây đã hư hao gần hết nhưng ông vẫn vui vẻ chấp nhận và hết lòng bảo vệ đàn chim cò. Ông nói, đất lành chim đậu, mình không nên xua đuổi chúng. Nếu xua đuổi, chúng sẽ không còn chốn dung thân. Tội nghiệp lắm!
Những con cò ốc đang trú ngụ trên những cành tre. Ảnh: Thành Hiệp.
Từ ý nghĩ và tình cảm đó, ông Chìa đã ra sức bảo vệ chúng cả ngày lẫn đêm. Có những đêm trời mưa to gió lớn nhưng mỗi lần phát hiện có kẻ lạ lọt vào vườn săn bắt là ông rung chuông báo động.
Ông quý chim đến nỗi có những đêm giăng mùng ngủ ngoài chòi để trông chừng kẻ trộm vào bắt chim. Có lúc ông lại xuống sông đặt dớn bắt cá tép đem về cho chim ăn.
Kẻ trộm săn bắt chim cò rất tinh vi và hiểm độc. Chúng bắn chim bằng nạng giàn thun, bằng các dụng cụ bẫy bắt như vợt lưới hoặc trèo lên cây dùng sào thọt cho chim non rớt xuống đất.
Có đêm chúng bắt cả giỏ. Nếu có người phát hiện, chúng phản ứng bằng cách dùng nạng giàn thun bắn trả lại trước khi tẩu tán. Chúng rất ngang tàng, khi bắt gặp, chúng nói chim trời cá nước ai bắt đựơc cứ ăn.
Cò trắng và cò ốc sống chung với nhau như họ hàng. Ảnh: Thành Hiệp.
Ước mong của ông Chia là được các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục đến mọi tầng lớp nhân dân để bảo vệ các loài chim hoang dã, bảo vệ đa dạng hệ sinh thái tự nhiên.
Hiện nay ông rất lo cho đàn chim rồi đây không ai bảo vệ vì tuổi ông đã cao, sức khỏe ngày càng kém, vợ lại bị bệnh nặng, ba người con đi làm ăn xa. Ở nhà chỉ có hai vợ chồng già. Số cây trái còn lại ông bán cầm chừng không đủ ăn, hằng tháng phải nhờ các con gửi tiền về chi xài.
Mấy năm qua ông đã gõ cửa nhiều nơi nhờ hỗ trợ, ngăn chặn các đối tượng có hành vi phá hoại và săn bắt chim. UBND xã Tân Phước và Chi cục Kiểm lâm tỉnh có đến khảo sát nhưng họ nói chưa phát hiện loài chim nào nằm trong sách đỏ nên không cần bảo tồn.
Sở Tài nguyên và Môi trường cũng có đến. Mới đây, công an xã hứa sẽ tuyền truyền và treo bảng cấm săn bắt chim cò trong khu vườn của ông.
Ông Lê Văn Chia đang len lỏi trong vườn theo dõi đàn chim. Ảnh: Thành Hiệp.
Điều làm ông phấn khởi nhất là có một nhà tài trợ ở TP Hồ Chí Minh hứa sẽ hỗ trợ 100 triệu đồng để ông làm hàng rào bao quanh khu vườn. Nếu có hàng rào, ông Chia sẽ hạn chế được trộm cắp ra vào.
Thành Hiệp - (nongnghiep.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)