Theo các chuyên gia, Hậu Giang cần có giải pháp gia cố bờ kênh, bờ sông trở về hiện trạng trước khi sạt lở.
Tám tháng qua, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã quán triệt đầy đủ và tổ chức thực hiện có hiệu quả với phương châm “4 tại chỗ”. Hoạt động tuyên truyền được thực hiện thường xuyên. Khâu quan trắc, dự báo kịp thời, cập nhật đầy đủ đến người dân. Thực hiện “phòng là chính” nên thiệt hại do thiên tai gây ra rất thấp. Theo ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh xảy ra 45 điểm sạt lở, gồm huyện Châu Thành 39 điểm, huyện Châu Thành A 3 điểm, thành phố Ngã Bảy 3 điểm. Trong đó, có 2 điểm sụp lún đê bao. So với cùng kỳ năm 2019 tăng 2 điểm. Nhà sập 64 căn; tốc mái 245 căn; ước thiệt hại 4,402 tỉ đồng. So với cùng kỳ năm 2019 thì thiệt hại tăng 2,111 tỉ đồng. Công tác khắc phục hậu quả thiên tai cũng được tập trung thực hiện. Tỉnh đã vận động các mạnh thường quân hỗ trợ người dân vùng ảnh hưởng mặn; duy tu, sửa chữa, nạo vét kênh, đê bao, xây dựng trạm bơm trên địa bàn. Khắc phục kịp thời các điểm sạt lở, tạo điều kiện cho người dân lưu thông; hỗ trợ người dân có nhà sập, tốc mái.
Ông Tăng Quốc Chính, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát an toàn thiên tai - Tổng cục Phòng, chống thiên tai, cho rằng Hậu Giang cần xác định kịch bản cho các loại hình thiên tai. Đối với đồng bằng sông Cửu Long, tuy lũ nhỏ và trung bình ngày càng ít, nhưng không thể không cảnh giác. Ngoài ra, tỉnh cần tổ chức tập huấn, diễn tập theo các kịch bản đã được vạch ra, xác định nâng cao ý thức người dân là chính, nhất là sạt lở đất. Chính phủ cũng rất quan tâm đến vấn đề sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long. Thống kê từ năm 2018 đến nay, Chính phủ đã hỗ trợ khoảng 7.000 tỉ đồng cho đồng bằng để phòng, ứng phó sạt lở. Về hạn, mặn, tỉnh cần tập trung nhiều giải pháp ứng phó, nhất là các giải pháp giúp nông dân thích nghi sản xuất trong mùa hạn, mặn.
Các ngành, địa phương luôn phát huy tốt phương châm “4 tại chỗ” trong ứng phó các tình huống thiên tai.
Ông Tăng Quốc Chính gợi ý thêm biện pháp cần thiết cho tỉnh hiện nay là Hậu Giang cần xây dựng bản đồ ngập lụt, bản đồ sạt lở bờ sông, bản đồ xâm nhập mặn. Qua đây, giúp công tác quản lý ngày càng hiệu quả và hạn chế được nhân lực và nâng cao hiệu quả hoạt động của Văn phòng Ban chỉ huy cấp tỉnh. Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng thí điểm hệ thống phòng chống sét, khoảng 200 triệu đồng/cột, bán kính mỗi cột khoảng 2km. Ban Chỉ đạo đang phối hợp với tỉnh đánh giá lại hiệu quả, làm cơ sở nhân rộng ra cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Tỉnh Hậu Giang cũng đã đề xuất với Ban chỉ đạo Trung ương sớm phê duyệt quy hoạch về thủy lợi; phòng, chống thiên tai cho đồng bằng sông Cửu Long phù hợp cho từng vùng, miền. Trong đó, cần kế thừa các công trình hạ tầng thủy lợi đã được đầu tư trước đây. Bộ NN&PTNT tiếp tục quan tâm đầu tư các công trình phòng, chống thiên tai cho cả vùng, khu vực. Hỗ trợ kinh phí cho địa phương thực hiện các giải pháp phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ kênh; hỗ trợ tỉnh thực hiện Đề án di dời dân cư cấp bách do thiên tai và đê bao sông Mái Dầm, huyện Châu Thành với kinh phí 395 tỉ đồng. Tỉnh đề xuất Trung ương khảo sát, đánh giá vùng thường xuyên xảy ra sét đánh để hỗ trợ tỉnh xây dựng hệ thống thu lôi chống sét đánh trên địa bàn và khu vực để đảm bảo an toàn tính mạng người dân. Ông Nguyễn Thanh Nam, Chi Cục trưởng Chi cục miền Nam - Cục ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai - Tổng cục Phòng, chống thiên tai, cho biết: Liên quan đến đề xuất về xây dựng hệ thống thu lôi chống sét, cảnh báo mưa giông, Chi cục miền Nam sẽ chuyển lại đề án cho tỉnh để khảo sát, thực hiện. Về kế hoạch phòng, chống thiên tai, Chi cục miền Nam sẽ hỗ trợ cho Hậu Giang trong xây dựng kế hoạch giai đoạn tới.
Đề cập đến công tác phòng, chống sạt lở, ông Đinh Công Sản, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Chính trị sông và Phòng, chống thiên tai - Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, đánh giá cao kè sinh thái của Hậu Giang trong đề phòng sạt lở bờ sông. Ông cho rằng cần triển khai mạnh kè sinh thái để đáp ứng được vấn đề phòng sạt lở. “Đối với Hậu Giang, sạt lở hai bên bờ sông do nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó cần quan tâm tới việc phương tiện tàu, thuyền di chuyển rất nhiều. Nhiều tuyến trước kia chỉ khoảng 10m bề rộng, nhưng hiện nay hai bên bờ lấn ra 15-20m, chúng ta mất rất nhiều đất đai. Ở đây, năng lực của các kênh không lớn ra mà ngày càng giảm đi. Do đó, tỉnh cần có giải pháp gia cố, khôi phục lại bờ kênh bằng cách lấn ra chứ không phải lùi vào. Đây không phải chuyện lấn lòng sông mà trở về hiện trạng cũ của kênh. Khi đó kết hợp thêm kè sinh thái để chúng ta bảo vệ được nó”, ông Sản góp ý.
Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Hậu Giang mới đây, ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đề nghị Hậu Giang chuẩn bị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai giai đoạn 2016-2020, xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai trong giai đoạn tới. Xác định các loại hình thiên tai, trên cơ sở đó đưa ra giải pháp ứng phó phù hợp. Tiếp tục tuyên truyền nâng cao ý thức người dân không được chủ quan trước các dự báo, cảnh báo của cơ quan chuyên môn. Đề nghị Hậu Giang tiếp tục kiện toàn Ban chỉ huy các cấp, nâng cao năng lực của Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy cấp tỉnh; xây dựng, củng cố lực lượng nòng cốt. Thời gian tới, tỉnh cần quan tâm ứng phó sạt lở bờ sông, giông lốc, sét, xâm nhập mặn; các loại thiên tai thường xuất hiện trên địa bàn gây ảnh hưởng dân sinh thời gian qua...
Bài, ảnh: NGUYỄN HẰNG - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)