''Làm mới'' sản phẩm bánh phồng để khởi nghiệp

Thứ ba, 10 Tháng 11 2020 08:35 (GMT+7)
Giữa nhiều lựa chọn để lập nghiệp cho thanh niên hiện nay, bạn Trần Thị Trúc Ly (sinh năm 1990, ngụ ấp Thượng 3, thị trấn Phú Mỹ, Phú Tân, An Giang) đã quyết định gắn bó với nghề làm bánh phồng truyền thống. Ngoài lợi thế có sẵn về vốn và kinh nghiệm sản xuất, Trúc Ly còn mong muốn giữ lại nghề đã nuôi sống gia đình qua 4 thế hệ, cũng là nghề lâu năm làm nên tên tuổi của quê hương mình.
 
Cơ sở sản xuất bánh phồng của bạn Trần Thị Trúc Ly.
 
Trên hành trình lập nghiệp, Trúc Ly nỗ lực bắt nhịp với những cơ sở trong làng nghề, mong muốn tìm ra giải pháp để sản phẩm nâng cao chất lượng hơn. Bánh phồng Phú Mỹ không chỉ là đặc sản của huyện Phú Tân, mà còn là một trong những đặc sản của tỉnh được nhiều du khách ưa chuộng.
 
Để có được những chiếc bánh thơm ngon phải trải qua rất nhiều công đoạn thủ công, vất vả nhất là công đoạn quết bánh, kế đến là cán bánh. Quết bánh phải thực hiện từ khuya, làm thật kỹ và đều tay để kịp có nguyên liệu cho thợ làm buổi sáng, chỉ công đoạn này thôi đã tạo nên âm thanh đặc trưng ở làng nghề làm bánh phồng.
 
Nối nghiệp gia đình làm bánh phồng được 10 năm, nhưng chủ yếu làm thủ công, sản lượng không nhiều khiến Trúc Ly luôn trăn trở. Tham gia trong công tác Đoàn, thấy được sự thiết thực từ các hoạt động hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp của Đoàn Thanh niên, Trúc Ly mạnh dạn viết đơn đề xuất xin vay vốn sản xuất với dự án nâng cao cơ sở sản xuất bánh phồng. Cô gái 9X kỳ vọng với ý tưởng của mình, nghề làm bánh phồng sẽ tiến xa hơn về thương hiệu, còn cá nhân sẽ giữ gìn nghề của ông bà để lại.
 
Năm 2019, sau khi được Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh cho vay 50 triệu đồng theo lãi suất thấp và trả chậm trong 2 năm, Trúc Ly huy động thêm vốn gia đình đầu tư máy móc, cơ giới hóa các công đoạn làm bánh. Giải phóng phần nào sức lao động, cơ sở đã có máy quết, máy cán bánh, thuê thêm nhân công phụ giúp phơi bánh.
 
Nếu ngày trước, làm thủ công được 1 ổ bánh phải mất 40 phút thì từ khi có máy móc chỉ mất 10-15 phút, sản phẩm bánh làm ra đều, đẹp như nhau, đạt tính thẩm mỹ và chất lượng. Công thức trong chế biến vẫn giữ nguyên để đảm bảo hương vị truyền thống. Nhờ số lượng làm nhiều nên cơ sở chủ động tìm thêm các mối tiêu thụ, tăng uy tín và sức cạnh tranh, đưa bánh phồng Phú Mỹ vang xa.
 
Trúc Ly tâm sự: “Nghề này đã được gia đình duy trì qua 4 thế hệ, em phải tiếp bước giữ nghề, cũng là nghề truyền thống có tiếng và tự hào của địa phương. Hiện gia đình làm 2 loại bánh chủ yếu là bánh phồng nướng và bánh phồng mè. Tùy theo thời điểm, bình quân số lượng làm ra 7-8 ổ bánh/ngày (ổ loại nhỏ 450 cái và loại lớn 300-400 cái), các dịp lễ, Tết do nhu cầu nhiều hơn thì sản lượng tăng gấp đôi. Ngoài ra, cơ sở đang giải quyết việc làm cho 6 lao động với các công đoạn phụ”. Từ khi ổn định sản xuất, cơ sở đem lại thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng, trừ chi phí còn lợi nhuận 7 triệu đồng.
 
Thị trấn Phú Mỹ hiện còn 16 cơ sở sản xuất bánh phồng, giải quyết việc làm cho khoảng 110 lao động tại chỗ. Không chỉ có tiếng nhờ tồn tại lâu năm, bánh phồng Phú Mỹ được sử dụng nguyên liệu chính là nếp đặc sản bản địa để làm, khi kết hợp thêm đường, đậu, nước cốt dừa tạo nên thành phẩm ngon riêng hòa quyện các vị thơm, béo, ngọt.
 
Bánh phồng Phú Mỹ hiện được tiêu thụ trong và ngoài nước. Mô hình khởi nghiệp của bạn Trúc Ly được đánh giá cao, bởi có ý nghĩa trong giữ gìn làng nghề truyền thống ở địa phương, thu nhập kinh tế ổn định, góp phần giải quyết việc làm và có triển vọng phát triển xa hơn khi cải tiến sản phẩm quen thuộc bằng việc hiện đại hóa từng bước trong sản xuất.
 
Sau thành công này, Trúc Ly tiếp tục hoạch định hướng phát triển để nâng chất lượng sản phẩm tốt hơn, cải tiến một số công đoạn làm bánh. Đây là mô hình khởi nghiệp được Huyện đoàn chấm chọn đại diện cho huyện Phú Tân dự thi mô hình khởi nghiệp cấp tỉnh.
 
MỸ HẠNH - (baoangiang.com.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Đời Sống