Du lịch 'chòm xóm' ở Cồn Sơn đang rất bát nháo?

Thứ năm, 14 Tháng 2 2019 10:07 (GMT+7)
Theo phản ánh của nhiều khách du lịch và người dân, du lịch ở Cồn Sơn hiện nay đang rất bát nháo, làm mất đi hình ảnh của một khu du lịch mang đậm “tình chòm xóm” của cách đây mấy năm.

Giá trên trời, chất lượng dưới thấp

Mới đây, theo bức xúc của 2 khách đến Cồn Sơn  (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) du lịch dịp nghỉ Tết Nguyên đán, họ đến bến đò Cô Bắc để qua cồn thì được một nhóm người mặc đồng phục màu xanh có in chữ MKPRO tư vấn các giá vé để tham quan, trải nghiệm các dịch vụ tại đây. Sau khi được nghe, 2 người này đã mua vé giá 59.000 đồng/người với các dịch vụ được trải nghiệm là: xem cá lóc bay, tham quan phiên chợ quê, bơi xuồng trong ao sen và thưởng thức trái cây miễn phí. Bên cạnh đó, thông tin trên tờ quảng cáo, thì vé còn bao gồm cả nước suối và khăn lạnh.

Điểm nhận khách của công ty Mekong Pro

Tuy nhiên, thực tế 2 người này chỉ được đến nhà vườn Tín Hòa xem cá lóc bay, “thưởng thức” một dĩa ổi và uống nước miễn phí, ao sen bơi xuồng cũng tại địa điểm này. Về dịch vụ tham quan phiên chợ quê, người hướng dẫn cho biết, do dịp Tết nên phiên chợ không có họp. “Đến đó xem thì không có phiên chợ quê nào hết, địa điểm đó chỉ là tên một nhà vườn làm du lịch, tại đây chỉ phục vụ ăn uống trả tiền. Nước suối, khăn lạnh như quảng cáo cũng có thấy gì đâu”, người này cho biết thêm.

Theo nhiều người từng mua vé sử dụng dịch vụ tại bến đò Cồn Sơn cho hay, họ rất thất vọng khi đến cồn trải nghiệm. Bởi nhiều người mua vé giá cao hơn giá niêm yết tại quầy nhưng chất lượng thì không như quảng cáo. Vé mua tại quầy ở bến đò cao hơn vé bán tại nơi tham quan, dịch vụ thì như nhau chẳng có gì khác. Cụ thể, một vé xem cá lóc bay ở nhà vườn Tín Hòa chỉ có giá 30.000 đồng/người, với giá này khách vẫn được thưởng thức trái cây và xem cá lóc bay.

Bến tàu du lịch cồn Sơn

Không chỉ khách tham quan bức xúc, nhiều hộ kinh doanh du lịch tại cồn Sơn cũng rất khó chịu khi nhiều khách đến nhà vườn của họ yêu cầu được trải nghiệm, nhưng các nhà vườn này không hề bán dịch vụ cho đơn vị bán vé ở bến đò. Theo bà Phan Thị Kim Phước (chủ nhà vườn Song Khánh) tâm sự, trước Tết Nguyên đán, một hướng dẫn viên ở Phong Điền có đặt dịch vụ ở nhà vườn của bà, tuy nhiên, khi đến bến đò, có người chặn lại, tư vấn bán vé với giá 200.000 đồng/người.

Theo đó, khách tham quan sẽ được xem cá lóc bay, bơi xuồng trong ao sen, tham quan vườn và thưởng thức trái cây, tuy nhiên, trên thực tế, khách tham quan chỉ đến chỗ nhà vườn Tín Hòa xem biễu diễn cá lóc bay và ăn một dĩa ổi cùng nước mát là xong. “Tốn tiền nhiều nhưng dịch vụ không chất lượng như quảng cáo nên khi đi đến chỗ tôi, 2 vị khách rất tức giận. Làm ăn kiểu chụp giật vậy là vô tình giết chết những người làm du lịch như chúng tôi”, bà Phước cho trình bày.

Cùng nỗi lo lắng đó, bà Phan Thị Kim Ngân (chủ nhà vườn du lịch Công Minh) kể, ngày Mùng 4 Tết Nguyên đán năm nay, trong lúc chuẩn bị bánh dân gian cho khách thì bà Ngân được một nhóm người yêu cầu được thưởng thức. Tuy nhiên, khi bà Ngân hỏi là đặt dịch vụ của ai thì nhóm người này đưa ra tấm vé tham quan của Công ty TNHH Đẳng cấp ĐBSCL (Mekong Pro). Do hộ bà Ngân không có liên kết hay bán dịch vụ cho công ty này nên từ chối phục vụ, thế là khách lớn tiếng cho rằng bà làm ăn lừa đảo.

“Mấy người khách chửi tôi là làm ăn lừa gạt, bán vé lấy tiền rồi mà không cho thưởng thức miễn phí. Nhóm người đó nói mua vé 80.000 đồng/người và được tư vấn là thưởng thức bánh dân gian nên vào chỗ tôi ăn, nhưng tôi đâu có bán vé gì đâu. Chỗ tôi muốn ăn phải đặt trước chứ tôi chỉ làm đủ cho khách đặt thôi. Nguyên đợt Tết tôi bị mấy nhóm yêu cầu giống vậy, rồi chửi rủa tôi là làm ăn lừa đảo này kia trong lúc đông khách, tôi bức xúc lắm và muốn gặp phía công ty để hỏi cho ra lẻ”, bà Ngân nói trong tức tối.

Bảng giá xem cá lóc bay chỉ có 30000 đồng/người

 Ai bảo vệ quyền lợi cho khách tham quan?

Trước bức xúc của khách tham quan và các hộ dân làm du lịch trên cồn Sơn, từ số điện thoại có trên vé tham quan, phóng viên đã liên lạc với ông Nguyễn Trung Hiếu, Giám đốc công ty TNHH Đẳng cấp ĐBSCL (Mekong Pro). Theo ông Hiếu, vấn đề phản ánh của khách tham quan, ông có biết, nhưng đó là do một số người cạnh tranh không lành mạnh nên đã cố tình làm vậy để hạ uy tín của đơn vị ông. “Hiện nay tôi đã nhờ công an phường trích lục camera quan sát để xác định những người cố tình dựng nên “kịch bản” đó cạnh tranh không lành mạnh”, ông Hiếu thông tin thêm.

Cũng theo vị giám đốc công ty này khẳng định, trong suốt đợt Tết Nguyên đán, phía đơn vị không cung cấp bất kỳ tour du lịch nào có giá 59.000 đồng/người, mỗi người tham quan cá lóc bay, thưởng thức trái cây chỉ tốn chi phí 39.000 đồng/người. Lý giải về sự chênh lệch giữa giá tại nhà vườn và giá do công ty đưa ra, ông Hiếu cho biết, 9.000 đồng đó là phí bảo hiểm du lịch, người hướng dẫn và dịch vụ khăn lạnh, nước suối. Riêng về phần tham quan phiên chợ quê và thưởng thức bánh dân gian, ông Hiếu cho hay, phiên chợ quê là ở địa điểm của nhà vườn Quốc Thịnh.

“Còn thưởng thức bánh dân gian là vẫn có, dịp Tết du khách vẫn được chiêm ngưỡng bánh tét khổng lồ và ăn sâm bổ lượng”, ông Hiếu khẳng định.

Phiên chợ quê là tên của một nhà vườn kinh doanh dịch vụ ăn uống

Theo tìm hiểu, giá tour cao nhất phía công ty Mekong Pro cung cấp có giá là 119.000 đồng/người bao gồm tất cả các trải nghiệm. Tuy nhiên, một du khách đã phải tốn đến 180.000 đồng để mua vé cho tour này tại một khách sạn ở Cần Thơ. Vấn đề này, ông Hiếu giải thích, vé công ty bán ra cho đại lý đúng giá, còn phía đại lý bán cho người mua bao nhiêu thì tùy họ. “Khách sạn một sao thì họ bán vầy, hai sao thì bán khác tùy theo đại lý. Họ bán sao cho có lợi nhuận, chúng tôi không thể nào quản lý được vấn đề này”, ông Hiếu cho hay.

Vấn đề đặt ra là, du khách phải bỏ ra 180.000 đồng để thụ hưởng chất lượng dịch vụ của 119.000 đồng, như vậy có hợp lý hay không? Lâu nay, du lịch cồn Sơn được nhiều người biết đến là cụm du lịch mang đậm tình “chòm xóm” và nơi đó còn có những món bánh dân gian thất truyền cùng vũ điệu cá lóc bay độc đáo. Điều mà du khách muốn đến cồn tham quan chính là nét độc đáo, hoang sơ và để cảm cái tình dân giã của một miền quê yên bình. Nhưng chính sự thương mại hóa nhanh chóng và cách làm ăn không có hệ thống đang khiến cho hình ảnh cồn Sơn chân chất dân mất đi trong lòng du khách trong và ngoài nước.

Ông Trương Hoàng Em, Phó Thanh Tra Sở VHTT&DL TP Cần Thơ cho biết, ngành chức năng, hồi tháng 12-2018, Sở có thành lập đoàn liên ngành kiểm tra và phía công ty đã cung cấp được chứng nhận địa điểm kinh doanh tại khu vực Cồn Sơn do Sở Kế Hoạch và Đầu tư cấp. Có một số sai phạm nhỏ như: không được sử dụng cụm từ “Quầy bán vé” Du lịch Cồn Sơn, cũng đã được đoàn nhắc nhở và phía công ty cam kết thực hiện đúng theo quy định.
Nguồn: Song Anh - (giadinhvaphapluat.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Du Lịch