Để tìm hiểu mối quan hệ giữa sở thích ngủ-thức và nguy cơ mắc trầm cảm, các chuyên gia ở Đại học Colorado Boulder và Bệnh viện Phụ nữ Brigham ở Boston đã phân tích dữ liệu y khoa của 32.470 phụ nữ (độ tuổi trung bình là 55), lấy từ Nghiên cứu Sức khỏe của Y tá II và không có ai bị trầm cảm lúc bắt đầu tham gia nghiên cứu. Đây là nghiên cứu quy mô lớn tập trung nhận diện các yếu tố nguy cơ dẫn đến các bệnh mãn tính ở phụ nữ, bằng cách yêu cầu người tham gia điền bảng khảo sát sức khỏe định kỳ 2 năm/lần. Theo đó, có 37% người tham gia được xác định là ngủ sớm-thức sớm, 10% là thức khuya-dậy trễ và số còn lại thuộc nhóm giữa, tức là có thói quen ngủ-thức không sớm cũng không trễ.
Sau khi loại trừ những yếu tố nguy cơ khác gây trầm cảm (như cân nặng, mức độ vận động thể chất, mắc các bệnh mãn tính và thời gian ngủ), nhóm nghiên cứu nhận thấy so với nhóm giữa, nhóm ngủ sớm-thức sớm giảm từ 12-27% nguy cơ bị trầm cảm, trong khi tỷ lệ nguy cơ của nhóm thức khuya-dậy trễ lại cao hơn 6%. “Điều này cho thấy sở thích ngủ-thức có thể tác động lên nguy cơ mắc bệnh trầm cảm, chứ không chỉ yếu tố môi trường và lối sống” - Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Céline Vetter, nhận xét. Qua phân tích, các chuyên gia cho biết những người thức khuya-dậy trễ có xu hướng thích sống một mình, không muốn kết hôn, hút thuốc lá và có giấc ngủ thất thường - đều là những yếu tố làm tăng nguy cơ trầm cảm.
Được biết, trầm cảm là vấn đề sức khỏe tâm thần khá phổ biến có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai và bất kể lứa tuổi nào. Cứ 10 người thì có 1 người phải trải qua trầm cảm ở một thời điểm nào đó trong đời, bao gồm cảm giác đau khổ và mất hứng thú với những điều họ từng yêu thích.