* Tín hiệu vui
Người dân ĐBSCL đón nhận Nghị quyết số 120/NQ-CP qua thực tế những công trình, dự án xây dựng làm thay đổi diện mạo, phát triển hạ tầng cơ sở ở vùng đất này. Đứng trước công trình đường cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận đang thi công đoạn tiếp nối quốc lộ 30 trên địa bàn xã An Thái Trung (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết: “Khi Nhà nước triển khai xây dựng đường cao tốc người dân thống nhất giải tỏa, giao đất cho chủ đầu tư triển khai thực hiện. Ai cũng mong muốn đường cao tốc hoàn thành giảm áp lực giao thông quốc lộ 1A, kết nối giao thương ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh”.
Cánh đồng lúa giống ST thích nghi vùng đất nhiễm mặn ven biển ĐBSCL cho năng suất, chất lượng cao - sản phẩm cây trồng thích ứng BĐKH.
Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận giai đoạn 1 là một trong những dự án của Nghị quyết số 120/NQ-CP. Chiều dài toàn tuyến 51,1km, điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (nối tiếp đường cao tốc TP Hồ Chí Minh- Trung Lương), điểm cuối giao với quốc lộ 30 tại nút giao An Thái Trung. Đã có trên 50 cây cầu hình thành, với 45km nền đất yếu được cắm bấc thấm, trải vải địa kỹ thuật và đắp cát gia tải. Dự kiến, tuyến đường sẽ đưa vào sử dụng dịp lễ 30-4-2021 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ…
Từ khi Nghị quyết số 120/NQ-CP được ban hành, đến nay Chính phủ bố trí 10.607 tỉ đồng để triển khai các dự án: Cầu Mỹ Thuận 2 trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tuyến cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận và Mỹ Thuận- Cần Thơ… Nhiều công trình thủy lợi, thủy sản đã được Chính phủ đầu tư xây dựng, như: Dự án Quản lý nước tỉnh Bến Tre, hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre, hệ thống thủy lợi Cái Lớn- Cái Bé, hệ thống thủy lợi tiểu vùng II, III, V Cà Mau, cống âu thuyền Ninh Quới, Dự án Tha La, cống Trà Sư... Chính phủ phân bổ tổng số vốn đầu tư qua địa phương trung hạn giai đoạn 2016-2020 (chưa bao gồm 10% dự phòng) là 193.967 tỉ đồng, chiếm 16,53% so với cả nước. Vốn đề xuất bổ sung cho các dự án xử lý các điểm sạt lở cấp bách nguy hiểm là 2.500 tỉ đồng. Trong khuôn khổ chương trình mục tiêu BĐKH và tăng trưởng xanh đã giao 3.700 tỉ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương cho 20 dự án tại ĐBSCL. Chính phủ cũng ban hành nhiều ưu đãi về thuế, phí trong sản xuất nông nghiệp; thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi cho đóng mới, nâng cấp tàu, cấp bù lãi suất; ưu tiên thực hiện các chương trình ứng phó với BĐKH, khắc phục sụt lún, sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội... tại vùng ĐBSCL. PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu BĐKH- Trường Đại học Cần Thơ, nhận định: “Nghị quyết 120/NQ-CP là một nghị quyết sáng giá, với tư duy hiện đại về phát triển bền vững ĐBSCL trong bối cảnh BĐKH…”.
* Cơ hội mới
Thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP, TP Cần Thơ đã bắt tay quy hoạch xây dựng, củng cố hệ thống đê bao sông, rạch các khu vực sản xuất nông nghiệp chất lượng cao trên địa bàn thành phố đến năm 2020; chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; vận hành các hệ thống công trình thủy lợi hợp lý, đảm bảo nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh… Thành phố triển khai nhiều dự án có quy mô kinh phí lớn: công trình kè sông Cần Thơ, kè chống sạt lở sông Ô Môn, kè Xóm Chài, kè chống sạt lở chợ Rạch Cam và kè chống sạt lở, chống xâm nhập mặn, ứng phó BĐKH khu vực rạch Cái Sơn, kè chống sạt lở bờ sông Thốt Nốt; Dự án phát triển TP Cần Thơ tăng cường khả năng thích ứng đô thị…
Bờ kè sông Thốt Nốt được xây dựng khang trang, hạn chế sạt lở, thích ứng BĐKH ở TP Cần Thơ.
Hiện thành phố đang triển khai Đề án tái cơ cấu nông nghiệp đến năm 2030, tổng kinh phí dự toán gần 388 tỉ đồng, bao gồm ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và nguồn vốn huy động từ các thành phần kinh tế, hộ dân... Đánh giá về dự án, ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, cho biết: “Dự án nhằm mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng và phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, bền vững, thích ứng BĐKH và nâng cao sức cạnh tranh của nông sản. Song song với quy hoạch, xây dựng, TP Cần Thơ củng cố hệ thống thủy lợi tại khu vực sản xuất nông nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 chia thành 7 vùng cơ sở ở các quận, huyện, nhằm xây dựng hệ thống thủy lợi đa mục tiêu, tiến tới hoàn chỉnh để hạn chế tối đa các thiệt hại do ngập lụt, hạn hán và xâm nhập mặn…”.
Để giải quyết vấn đế bức thiết hiện nay tại vùng ĐBSCL, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết: Bộ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành trong vùng xây dựng Đề án tăng cường các biện pháp ứng phó với tình trạng sụt lún đất và sạt lở bờ sông, bờ biển, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm tiến tới phát triển bền vững ĐBSCL trong tương lai...
Có thể khẳng định, Nghị quyết số 120/NQ-CP chính là “đòn bẩy” đột phá về đổi mới trong phát triển bền vững ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng. Cùng với sự nỗ lực chung sức của cả hệ thống chính trị chắc chắn sẽ giúp ĐBSCL từ một khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH trở thành một trong những vùng đồng bằng thành công nhất trong ứng phó BĐKH để vùng đất này phát triển thịnh vượng và bền vững…
Bài, ảnh: HÀ VĂN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)