Báo cáo của Cục thống kê TP HCM về tình hình kinh tế xã hội 2 tháng đầu năm 2024 cho thấy, trong 2 tháng qua thành phố cấp phép 6.283 doanh nghiệp với vốn đăng ký đạt 56.851 tỉ đồng, tăng 18,2% về giấy phép và tăng 44,4% về vốn so với cùng kỳ.
Trong đó, doanh nghiệp được cấp phép nhiều nhất và các ngành thương mại, dịch vụ; ngành công nghiệp, xây dựng. Nếu tính cả số lượng doanh nghiệp quay trở lại, trong 2 tháng đầu năm thành phố có 10.553 doanh nghiệp tham gia vào thị trường nhưng có 14.703 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.
Điều này cho thấy cứ 10 doanh nghiệp tham gia thì có 14 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, phản ánh môi trường kinh doanh trong nước chưa được cải thiện rõ nét.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn
Tính trên cả nước, bức tranh doanh nghiệp mới gia nhập thị trường và rút lui khỏi thị trường cũng là những con số đáng chú ý. Số liệu của Tổng cục thống kê cho thấy, trong 2 tháng đầu năm nay, cả nước có hơn 22.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 218.700 tỉ đồng tăng 12,4% về số doanh nghiệp và tăng 32,8% về vốn đăng ký.
Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 2 tháng đầu năm lên gần 41.100 doanh nghiệp, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có hơn 20.500 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Ở góc độ khác, tính chung 2 tháng qua, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là gần 49.300 doanh nghiệp, tăng 27,1% so với cùng kỳ; 10.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 6,5%; gần 3.700 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 14,5%. Bình quân một tháng có gần 31.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Nhận định về kinh tế Việt Nam năm 2024, TS Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, cho rằng kinh tế vĩ mô trong nước dự báo sẽ đan xen cả thuận lợi và khó khăn. Những thuận lợi, tích cực chính tiếp tục kéo dài từ năm 2023 sang nhưng kinh tế vẫn phải đối mặt với những thách thức, trong đó một trong những rào cản lớn nhất là tác động tiêu cực từ bên ngoài, nhất là đà tăng trưởng chậm lại của Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc… Hoạt động của các doanh nghiệp vẫn đối mặt với nhiều khó khăn.
"Để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế, cần chú trọng các động lực tăng trưởng truyền thống và phát huy, khai thác các động lực tăng trưởng mới. Chú trọng các động lực tăng trưởng hiện hữu theo hướng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tận dụng tốt hơn các hiệp định thương mại tự do đã ký kết và các quan hệ đối tác chiến lược được nâng cấp gần đây. Thúc đẩy giải ngân đầu tư công hiệu quả, đúng kế hoạch, trở thành vốn mồi cho các nguồn vốn khác; kích cầu đầu tư tư nhân và tiêu dùng nội địa" - TS Cấn Văn Lực nói.