Xử lý nghiêm hành vi sử dụng điện thoại khi đang lái xe

Chủ nhật, 01 Tháng 11 2020 07:47 (GMT+7)
Khi đời sống xã hội phát triển, chiếc điện thoại thông minh là vật bất ly thân đối với nhiều người, đặc biệt đối với giới trẻ. Hình ảnh nhiều nam thanh nữ tú vừa lái xe vừa dán mắt vào màn hình điện thoại rất quen thuộc trên nhiều tuyến đường. Họ lý giải có nhiều việc quan trọng phải giải quyết, nhưng xét cho cùng, không có cuộc gọi hay tin nhắn nào quan trọng bằng sinh mạng của chính mình và những người chung quanh.
Hành vi vừa điều khiển phương tiện vừa sử dụng điện thoại cần được xử lý nghiêm theo Nghị định số 100/2019/NÐ-CP của Chính phủ.
 
Tiềm ẩn nguy cơ tai nạn
 
Khi đang đi xe máy trên đường, bất chợt có cuộc gọi điện thoại, hầu như mọi người đều nghe mà không cần dừng xe như một cách giúp tiết kiệm thời gian, rất hiếm người tạt xe vào lề đường. Mặc dù ai cũng hiểu rằng, nếu lái xe bằng một tay chắc chắn không thể vững vàng và an toàn như lái bằng cả hai tay. Tay trái cầm điện thoại sẽ khiến người điều khiển xe máy bị mất luôn tác dụng của hệ thống phanh kết hợp ở xe tay ga. Khi gặp tình huống bất ngờ trên đường, theo bản năng phản xạ, người điều khiển sẽ bóp phanh trước ở phía tay bên kia rất mạnh và đột ngột, nguy cơ gây "bó chết" bánh xe phía trước khiến xe bị xoay ngang và đổ ra đường. Ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, lượng xe ô-tô cá nhân lớn, những lúc dừng chờ đèn đỏ, nhiều người có thói quen tranh thủ lướt mạng hoặc chát chít với bạn bè, mải đến mức khi đèn xanh vẫn đứng yên một chỗ hoặc đi với tốc độ rùa bò khiến những người đi bên cạnh rất bức xúc.
 
Ông M.Ghê-rách là một trong những giảng viên dạy lái xe chuyên nghiệp hàng đầu của hãng xe hơi Ford tại châu Á - Thái Bình Dương, đào tạo những kỹ sư giỏi nhất trở thành những chuyên gia lái thử xe hàng đầu tại Ford Ô-xtrây-li-a. "Với kinh nghiệm đào tạo hàng trăm học viên thời gian qua, tôi nhận thấy việc lái xe trên những đoạn đường đơn giản nhất cũng đòi hỏi tới 85% sự tập trung từ não bộ của người lái xe. Không quá khó để vừa lái xe vừa gửi một tin nhắn, chụp một bức ảnh hay nói chuyện với bạn đường. Tuy nhiên, đó chính là lúc tai nạn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, nhất là khi não bộ của bạn không tập trung hoàn toàn cho việc cầm lái". Khảo sát của Ford cho thấy, tại châu Á - Thái Bình Dương, 54% số người tham gia khảo sát này cho biết họ vẫn duy trì thói quen sử dụng điện thoại khi lái xe, 59% số người thừa nhận họ đã sử dụng điện thoại khi đang lái xe hoặc tại các điểm dừng đèn đỏ, dù biết rằng đây là hành vi vi phạm, hoặc 22% số phụ nữ trẻ thừa nhận họ từng chụp ảnh trong lúc lái xe. Với vận tốc 100 km/giờ, trong 14 giây, thời gian đủ để tự chụp ảnh bản thân, chiếc xe đã đi được quãng đường gần 400 m, nếu có tình huống phát sinh, tai nạn xảy ra là điều dễ hiểu. "Khi đã phải dành 85% sự tập trung cho việc lái xe, bạn khó có thể dành tâm trí làm bất kỳ điều gì khác. Dù bạn là một tay lái lão luyện hay mới lái xe một vài lần, bạn cần hiểu rõ mức độ tập trung cần thiết cho việc cầm lái. Hãy luôn giữ mình tỉnh táo khi tham gia giao thông, chỉ khi đó bạn mới có thể lái xe một cách an toàn" - ông M.Ghê-rách nhấn mạnh.
 
Cần phải nói thêm, đây là số liệu chung ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, còn thực tế ở nước ta, chắc chắn tỷ lệ này cao hơn rất nhiều, bởi một điều đơn giản, bất kỳ ở đâu người đi đường cũng có thể bắt gặp cảnh lái xe thản nhiên lướt mạng trong khi đang lưu thông. Và một điều nữa, rất ít trường hợp vi phạm dạng này bị lực lượng cảnh sát giao thông xử phạt.
 
Nâng cao ý thức, xử nghiêm vi phạm
 
Khoa học đã chứng minh, não bộ con người khó có thể tập trung cùng lúc vào nhiều công việc. Khi đang lái xe, việc sử dụng điện thoại khiến lái xe bị xao lãng bởi rất nhiều yếu tố, như sự chênh lệch mầu sắc, hình ảnh giữa màn hình điện thoại và mầu sắc, hình ảnh trên đường; âm thanh của chiếc điện thoại tác động lên não bộ lái xe; xao lãng do sự mệt mỏi vì phải "căng" các giác quan để vừa bao quát được tuyến đường, vừa theo dõi được điện thoại,… Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia nhận định, việc sử dụng điện thoại di động khi tham gia giao thông sẽ gây phân tâm, hạn chế khả năng quan sát, khiến người điều khiển phương tiện giao thông mất tập trung; khả năng điều khiển, kiểm soát tốc độ khi gặp tình huống bất ngờ bị giảm mạnh, trở nên lúng túng, không xử lý kịp thời rất dễ gây ra tai nạn. Qua thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, một người nói chuyện điện thoại khi lái xe có nguy cơ bị tai nạn giao thông gấp bốn lần so với người không sử dụng điện thoại. Hằng năm, trên thế giới có hơn 1,25 triệu người chết do tai nạn giao thông và 94% trong số đó xảy ra do sai sót từ người điều khiển phương tiện.
 
Nhìn từ góc độ văn hóa, việc sử dụng điện thoại trong lúc lái xe chính là hành vi thiếu ý thức, thiếu văn hóa khi tham gia giao thông, góp phần tạo điều kiện cho tội phạm cướp giật hoạt động. Tuy nhiên trên thực tế, tình trạng người tham gia giao thông sử dụng điện thoại di động vẫn diễn ra phổ biến do nhận thức của người dân về vấn đề này còn hạn chế và một phần do mức xử phạt chưa đủ sức răn đe và hầu như số người vi phạm chưa bị xử phạt theo đúng quy định. Ðại diện Quỹ phòng, chống thương vong châu Á (AIP) từng tiến hành khảo sát sơ bộ gần 1.000 sinh viên tại bảy trường đại học ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho biết, có tới 79% số sinh viên thừa nhận sử dụng điện thoại di động ít nhất một lần khi lái xe. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho mọi người khi tham gia giao thông để giảm thiểu rủi ro từ việc vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại. AIP đã phối hợp Ủy ban ATGT quốc gia phát động chiến dịch truyền thông về hậu quả của việc sử dụng điện thoại khi lái xe nhằm thức tỉnh, thay đổi hành vi của người điều khiển phương tiện trên đường, đặc biệt là nhóm đối tượng thanh thiếu niên. Thông điệp của chiến dịch là "Những cuộc gọi, tin nhắn có thể khiến bạn… không bao giờ về đến đích".
 
Ðể hạn chế tình trạng "nghiện" điện thoại trong lúc đang lái xe, ngăn ngừa tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra, các cơ quan chức năng cần nâng cao tuyên truyền để mọi người nhận rõ sự nguy hiểm của việc này. Trong trường hợp bắt buộc phải sử dụng, người điều khiển phương tiện nên tạt xe vào lề đường, dừng hẳn xe lại để sử dụng điện thoại một cách thoải mái. Hãy luôn tâm niệm, không có cuộc gọi hay tin nhắn nào quan trọng, đáng giá bằng sinh mạng của chính bản thân và những người chung quanh.
 
Theo Nghị định số 100/2019/NÐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt từ 600 nghìn đồng đến một triệu đồng đối với người sử dụng ô (dù), điện thoại di động, thiết bị âm thanh (trừ thiết bị trợ thính) khi đang điều khiển xe mô-tô, xe gắn máy, xe máy điện, các loại xe tương tự xe mô-tô và các loại xe tương tự xe gắn máy; xử phạt từ một đến hai triệu đồng đối với người dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe ô-tô chạy trên đường,...
 
ÐỖ HÙNG LƯƠNG - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Pháp Luật