''Bỏ túi'' những phương pháp chữa bệnh tại nhà phòng khi thiếu thuốc

Thứ sáu, 27 Tháng 3 2020 13:45 (GMT+7)
Do lo ngại dịch COVID-19, nhiều người hạn chế ra đường để tránh nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2. Song nếu không may gặp vấn đề sức khỏe mà trong nhà lại thiếu thuốc, những liệu pháp tại gia đã được khoa học chứng minh sau đây có thể giúp ích cho bạn và người thân.
 
 
Nha đam có thể dùng điều trị các vết bỏng nhẹ và chứng đau nửa đầu.
 
Giảm đau bằng cách chườm lạnh, chườm nóng. Trong trường hợp không thể mua thuốc giảm đau, bạn có thể giảm đau cơ bằng cách áp một chai nước nóng lên đó, hoặc giảm đau do một chấn thương cấp tính (như bong gân) bằng cách chườm khăn chứa đá lạnh. 
 
Chữa ho bằng mật ong. Ho là triệu chứng điển hình của các bệnh hô hấp, bao gồm cả cảm cúm và cảm lạnh thông thường, cũng như COVID-19. Tiến sĩ Lynda Ware thuộc tổ chức thực hành y khoa Cochrane UK cho biết hầu hết thuốc ho kết hợp những thành phần như thuốc làm thông mũi (như pseudoephedrine) và thuốc kháng histamine (như triprolidine). Nhưng nếu không có sẵn thuốc đặc trị ho, thì có thể dùng mật ong để thay thế, bởi dược liệu này chứa các thành phần chống viêm và kháng vi khuẩn/virus. Đặc tính sánh mịn của mật ong khi vào cổ họng còn có tác dụng xoa dịu và giảm ho hiệu quả.
 
Chữa đau họng bằng nước muối, đá viên và kem mút. Đau họng thường là do nhiễm khuẩn/virus, nên việc dùng các loại thuốc xịt, nước súc miệng và viên ngậm có thể giúp giảm khó chịu cho người bệnh do chúng thường chứa thuốc gây tê (làm mất cảm giác đau) và chất khử trùng (làm sạch cổ họng đang nhiễm trùng).
Nhưng nếu không có sẵn thuốc tại nhà, Dược sĩ Sultan Dajani ở Hampshire (Anh) khuyên bạn súc rửa cổ họng bằng nước muối, vốn có đặc tính sát trùng. Chỉ cần pha 2 muỗng cà phê muối vào 400ml nước là có ngay dung dịch súc họng để dùng. Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh, mút đá viên hoặc kem que cũng giúp giảm viêm và đau họng.
 
Làm sạch ráy tai bằng dầu ôliu. Để lấy sạch ráy tai một cách an toàn và không đau, nhiều người thường dùng dung dịch dạng nhỏ hoặc xịt chứa các dạng an toàn của hydro peroxide (nước ôxy già) để làm mềm ráy tai trước khi loại bỏ chúng. Ngoài những sản phẩm này, Giáo sư Martin Burton - Giám đốc Cochrane UK - cho hay có thể sử dụng dầu ôliu để thay thế. Việc bạn cần làm là nằm xuống, dùng ống nhỏ giọt cho ít giọt dầu ôliu vào tai, đợi ít phút rồi lấy ráy tai ra ngoài.
 
Giảm ngứa da bằng yến mạch hoặc dầu ôliu. Tình trạng da khô, ngứa và dị ứng rất khó chịu. Nếu không có sẵn thuốc, bạn có thể dùng yến mạch khi tắm để loại bỏ các vấn đề về da kể trên. “Yến mạch có đặc tính kháng viêm và xoa dịu làn da, đồng thời cũng giúp dưỡng ẩm và làm sạch da” - Tiến sĩ da liễu Justine Hextall ở Sussex (Anh), lý giải. Cách dùng đơn giản là bỏ ít yến mạch vào trong túi vải, buộc lại rồi thả vào trong nước tắm. Nếu không có yến mạch, bạn có thể pha vào nước tắm một muỗng dầu ôliu, cũng có tác dụng làm dịu và mềm da.
 
Chữa lẹo mắt bằng cách chườm nóng. Mụt lẹo là ổ áp xe nhỏ đầy mủ nằm dưới mí mắt, hình thành khi gốc lông mi bị nhiễm trùng. Để chữa trị, bác sĩ thường kê toa các loại kem có chứa kháng sinh - như chloramphenicol - để tiêu diệt vi khuẩn gây nhiễm trùng. Nếu không có sẵn thuốc, dược sĩ Dajani khuyên chườm nóng để chữa lẹo mắt. Cách làm là ngâm khăn sạch vào nước ấm và đắp lên mắt trong khoảng 10 phút, để mủ trong mụt lẹo nhanh chóng bị đẩy ra ngoài.
 
Giảm đau nửa đầu bằng sữa nóng và nha đam. Người bị đau nửa đầu có thể giảm đau bằng các loại thuốc phổ biến như aspirin, ibuprofen và paracetamol, hoặc các thuốc đặc trị như triptan. Song ngoài thuốc, Tiến sĩ  Fayyaz Ahmed - một chuyên gia thần kinh tại Bệnh viện Hull Royal (Anh) - cho biết uống sữa nóng và đắp nhựa nha đam lên mặt và vùng thái dương cũng giúp ích. Lý do là sữa có tác dụng an thần, còn nha đam có tác dụng giãn cơ nên cũng giúp giảm căng thẳng - một yếu tố gây đau nửa đầu.
 
Chữa phỏng bằng nha đam. Chuyên gia Hextall cho biết, nha đam có công dụng làm mát, kháng viêm và tăng tốc độ lành vết thương, nên có thể dùng chữa các vết phỏng nhỏ. Sau khi làm mát vết phỏng dưới vòi nước chảy, hãy đắp nhựa nha đam lên bên ngoài vết phỏng.
 
Đẩy lùi táo bón bằng nước ép mận. Để chữa táo bón (đại tiện ít hơn 3 lần/tuần hoặc gặp khó khăn khi “đi nặng”), mọi người thường cậy nhờ các loại thuốc nhuận tràng, trong đó một số có tác dụng kích thích nhu động ruột và một số làm mềm phân. Theo Dajani, nước ép mận cũng có công dụng trị táo bón nhờ kích thích đường ruột và chứa sorbitol, một loại đường có tác dụng nhuận tràng tự nhiên.
 
AN NHIÊN - (baocantho.com.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)
 

Bài viết mới nhất của Sức Khỏe