Tạo "tai Phật" cầu lộc tài
BV Da Liễu TP HCM vừa tiếp nhận một trường hợp tai biến do xăm môi. Bệnh nhân là chị T.T.T (27 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai), đến khám trong tình trạng môi trên sưng to, chảy mủ; môi dưới đóng mày, bong tróc gây đau nhức kèm sốt. Tình trạng tai biến nặng nên các bác sĩ đã chỉ định bệnh nhân nhập viện điều trị.
T. cho biết trước đó 2 tuần, chị có đến một thẩm mỹ viện tại huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai và được tư vấn xăm môi với giá 2 triệu đồng. Sau xăm một tuần, môi của chị bị nổi nhiều mụn. Nốt mụn mủ ngày càng sưng to, gây đau nhức kèm sốt.
Chị T. liên hệ lại thẩm mỹ viện thì được hướng dẫn đến một phòng khám đa khoa gần đó để khám. Tại phòng khám đa khoa này, chị bị chẩn đoán nhiễm trùng sau xăm và được kê thuốc kháng sinh nhưng tình trạng không đỡ, môi càng sưng to hơn kèm chảy mủ. Chị T. đã đến BV Da Liễu TP HCM và được chỉ định nhập viện.
Nhiều trường hợp tai biến da do sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, mỹ phẩm làm trắng da cấp tốc cũng đã tìm đến BV Da Liễu TP HCM. Vì muốn có làn da căng mịn, trắng đẹp để đón Tết nên chị N.T.T.H (40 tuổi; đang làm việc tại quận 5) nghe lời người quen mua 1 lọ mỹ phẩm thảo dược thiên nhiên trên mạng với lời quảng cáo "Hiệu quả làm đẹp "miễn chê", nguyên liệu thảo dược thiên nhiên nên an toàn cho làn da…". Sau 3 ngày sử dụng, gương mặt chị H. bị sưng nề, da đỏ rát kèm ngứa. Chị H. liên hệ người bán thì được tư vấn là do mỹ phẩm "đang phát huy tác dụng" nên chị tiếp tục sử dụng. Hơn 1 tuần sau, gương mặt chị sưng nề lại xuất hiện nhiều nốt sần đỏ, ngứa, rát rất khó chịu. Quá hoảng sợ, chị vội đến BV Da Liễu TP HCM.
BV Da liễu Trung ương cũng vừa tiếp nhận một nữ bệnh nhân 35 tuổi ở Hà Nội bị biến chứng do tiêm filler vào tai. Trước đó, bệnh nhân này đã được tư vấn về việc tiêm filler vào tai nhưng vì ham rẻ, chị đã ra tiêm tại cơ sở bên ngoài. Sau tiêm 1 ngày, bệnh nhân đã phải quay lại BV thăm khám vì phần tiêm filler bị đau, sưng tấy đỏ và biến dạng. May mắn là bệnh nhân tới BV sớm nên vùng tai bị viêm nhiễm chưa hoại tử và phải cắt lọc.
TS-BS Nguyễn Hữu Quang, Phó trưởng Khoa Phẫu thuật - Tạo hình thẩm mỹ và Phục hồi chức năng BV Da liễu Trung ương, cho biết gần đây có trào lưu làm đẹp là tiêm filler tạo "dái tai Phật" với mong muốn mang đến tài lộc phú quý hoặc để thay đổi tướng số. Thế nhưng, do kỹ thuật tiêm filler không bảo đảm nên không ít trường hợp đã bị biến chứng.
Bác sĩ thăm khám cho phụ nữ đến làm đẹp tại Bệnh viện Da liễu Trung ương (Ảnh: NGỌC DUNG)
"Lệ thuộc" mỹ phẩm
Theo TS-BS Nguyễn Hữu Quang, chất liệu filler là loại sản phẩm được đưa vào cơ thể giúp độn mô, làm đầy tạo hình cấu trúc hay giúp tái tạo và tăng cường độ ẩm làm trẻ hóa làn da. "Kỹ thuật tiêm filler phải được tiến hành ở cơ sở thẩm mỹ có trang thiết bị y tế bảo đảm vô trùng, do các bác sĩ có chuyên môn thực hiện để bảo đảm về thẩm mỹ, tránh những tác dụng phụ. Không ít trường hợp do thực hiện ở những cơ sở "chui" đã gặp họa sau khi tiêm filler như mù mắt sau nâng mũi, hoại tử vòng 1, vòng 3..." - BS Quang cảnh báo.
BS chuyên khoa II Võ Thị Đoan Phượng, Trưởng Khoa Lâm sàng 1 BV Da Liễu TP HCM, cho biết xăm là một thủ thuật xâm lấn. Vì vậy, để bảo đảm an toàn, chị em hãy đến các cơ sở xăm uy tín. Khi có bất thường xảy ra, hãy đến khám ngay tại các BV có chuyên khoa da liễu, thẩm mỹ để được điều trị kịp thời.
ThS-BS Nguyễn Duy Quân cho biết các loại mỹ phẩm được quảng cáo trên mạng thường không nêu rõ thành phần, nguồn gốc. Các loại mỹ phẩm này thường chứa corticosteroid, hydroquinon, thủy ngân... Đây là những chất không an toàn, khi bôi lên da gây biểu hiện trắng nhanh, chính vì vậy được chị em rất ưa thích. Tuy nhiên, khi sử dụng lâu dài, các sản phẩm này sẽ làm da trở nên mỏng đi, các mạch máu giãn, da bong tróc và nặng hơn có thể dẫn đến nhiễm trùng, để lại sẹo hoặc tình trạng rối loạn sắc tố da khó hồi phục. Những biến chứng này điều trị rất khó khăn, kéo dài và đôi khi phải áp dụng nhiều phương tiện kỹ thuật hiện đại mới có thể khôi phục tình trạng da như ban đầu.
"Ngoài ra, có những trường hợp bệnh nhân đã ngưng sử dụng nhưng các tổn thương da vẫn tiếp diễn. Thậm chí, nguy hiểm hơn là có hiện tượng "lệ thuộc" mỹ phẩm. Buộc bệnh nhân phải sử dụng liên tục mỹ phẩm, dẫn đến những tác dụng phụ không mong muốn. Việc "cai nghiện" cho những trường hợp như vậy hết sức khó khăn, cần nhiều thời gian, phối hợp nhiều loại thuốc cũng như sử dụng công nghệ thích hợp" - BS Quân nhấn mạnh.
Nhân viên không được đào tạo
"Trung bình trong tháng, BV tiếp nhận hàng trăm ca tai biến liên quan các phương pháp làm đẹp khác nhau, phổ biến nhất là tiêm filler, botox, laser..., biến chứng sau khi căng da mặt, lột da mặt, chăm sóc da mặt... Đáng lo ngại là những biến chứng này đã được thực hiện tại các cơ sở không bảo đảm về yêu cầu chuyên môn, thậm chí nhân viên không được đào tạo bài bản" - PGS-TS Lê Hữu Doanh, Phó Giám đốc BV Da liễu Trung ương, bức xúc.
DIỆU THU - NGUYỄN THẠNH - (nld.com.vn)