Ngõ cụt của châu Âu

Thứ tư, 13 Tháng 2 2019 08:23 (GMT+7)
Được Mỹ và Liên Xô ký năm 1987, Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF, cấm loại tên lửa phóng từ mặt đất có tầm bắn 500-5.500 km) giờ đây khó tránh cảnh bị khai tử.

Do tên lửa bị cấm bởi Hiệp ước INF có tầm bắn hạn chế và khả năng mang đầu đạn hạt nhân, chính châu Âu sẽ phải lãnh những hậu quả hạt nhân chứ không phải Mỹ. Đó là lý do lệnh cấm nói trên đóng vai trò sống còn đối với người dân châu Âu. Hiệp ước INF cũng góp phần chấm dứt những năm chạy đua vũ trang đắt đỏ và các cuộc tranh luận gay gắt.

Lấy lý do Nga vi phạm Hiệp ước INF trong nhiều năm qua bằng cách phát triển những hệ thống vũ khí bị cấm, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhanh chóng thông báo rút khỏi hiệp ước này. Dù vậy, trước sức ép từ các thành viên châu Âu của NATO, Mỹ cho Nga hạn chót là ngày 2-2 để chấm dứt các chương trình vũ khí cấm, nếu không, INF chấm dứt hiệu lực. 

Sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas cho rằng Moscow có thể cứu hiệp ước, người đồng cấp Nga Sergey Lavrov lại bảo Mỹ không quan tâm đến đối thoại nghiêm túc để cứu hiệp ước này.

Ngõ cụt của châu Âu - Ảnh 1.

Nga khẳng định tên lửa hành trình Novator 9M729 của mình không vi phạm Hiệp ước INF như cáo buộc của Mỹ Ảnh: AP

Đối mặt sự trỗi dậy của Trung Quốc, cả Nga và Mỹ đều không muốn bị trói buộc bởi INF, nhất là khi Bắc Kinh không chịu sự ràng buộc của bất kỳ hiệp ước vũ khí nào liên quan đến tên lửa tầm trung. Với châu Âu, Mỹ hiện không còn là quốc gia lãnh đạo đáng tin cậy của phương Tây so với 4 thập kỷ trước trong lúc ông Trump là nhân vật khó đoán. 

Tình hình càng thêm tồi tệ khi Liên minh châu Âu (EU) đang rơi vào khủng hoảng. Sự kiện Anh rời EU (Brexit) đang khiến 2 bờ eo biển Manche tê liệt. Chính trường Pháp hiện cũng căng thẳng (bởi làn sóng biểu tình chống chính phủ) trong lúc nước Đức tỏ ra yếu ớt khi đề cập chính sách an ninh.

Berlin hiện chỉ muốn tập trung vào vấn đề kiểm soát vũ khí và thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với mối đe dọa của chiến tranh mạng và hệ thống vũ khí tự động. Hướng đi này là đáng khen nhưng không đủ để đưa EU ra khỏi ngõ cụt chiến lược mà khối này đã đi vào trong hơn 25 năm kể từ khi chiến tranh lạnh khép lại. Lợi ích an ninh của EU không thay đổi nhiều trong những thập kỷ qua: Lục địa châu Âu không phải là một chiến trường, cũng không phải là những quân bài mặc cả.

Christian F. Trippe, cây bút của trang DW

Nguồn: nld.com.vn
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Thế Giới