"23-2 sẽ là ngày hàng hóa viện trợ nhân đạo được chuyển vào Venezuela. Vì thế, từ giờ, chúng ta phải chuẩn bị" – ông Guaido tuyên bố.
Hàng chục ngàn người biểu tình đã xuống đường yêu cầu Tổng thống Maduro tiếp nhận viện trợ để giải quyết tình trạng thiếu thốn nhu yếu phẩm trầm trọng, bao gồm lương thực và thuốc men.
Tuần trước, xe chở hàng viện trợ của Mỹ và Colombia đã đến thị trấn biên giới Cucuta – Colombia, nơi hàng viện trợ đang được tập kết. Một thành viên của phe đối lập Venezuela cho biết chính phủ Brazil cũng muốn chuyển hàng hóa viện trợ đến biên giới này.
Thủ lĩnh đối lập Juan Guaido, người tự tuyên thệ nhậm chức tổng thống lâm thời của Venezuea, phát biểu trước đám đông ủng hộ. Ông được nhiều quốc gia công nhận, trong đó có Mỹ. Ảnh: Reuters
Tổng thống Maduro từ chối tiếp nhận viện trợ vì cho rằng đây là nỗ lực do Mỹ dẫn đầu để lật đổ ông. Thay vào đó, Tổng thống Maduro yêu cầu Washington gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế vốn đang gia tăng trong những tuần gần đây.
Hôm 12-2, thủ lĩnh đối lập Guaido tiết lộ ông đang "chỉ thị trực tiếp" các lực lượng vũ trang cho phép hàng hóa viện trợ vào Venezuela mặc dù đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có các tín hiệu rõ ràng cho thấy quân đội Venezuela sẽ làm trái lệnh Tổng thống Maduro.
Thủ lĩnh đối lập Guaido không nói rõ chính xác địa điểm mà hàng hóa viện trợ sẽ được đưa vào.
Người dân Venezuela xuống đường ủng hộ thủ lĩnh đối lập Guaido. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố Moscow sẵn sàng hỗ trợ để chính phủ và phe đối lập Venezuela bắt đầu đàm phán.
Ông Ryabkov còn cho biết thêm rằng Nga đã đưa ra một số đề xuất với Venezuela về việc giải quyết khủng hoảng. Tuy nhiên, ông không chia sẻ thông tin chi tiết.
Trong cuộc điện đàm tối 12-2 với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, người đồng cấp Nga Sergei Lavrov kêu gọi Washington không thiệp vào các vấn đề nội bộ của Venezuela.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov kêu gọi Mỹ không can thiệp vào vấn đề nội bộ Venezuela. Ảnh: Reuters