Dịch sởi đang bùng phát trở lại tại nhiều nơi trên thế giới, một phần xuất phát từ làn sóng chống đối vắc-xin đang lan rộng, đe dọa nỗ lực loại bỏ căn bệnh nguy hiểm này.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thậm chí đã đưa tình trạng lưỡng lự hoặc từ chối tiêm vắc-xin vào danh sách 10 mối đe dọa sức khỏe toàn cầu năm nay.
Theo dữ liệu của WHO, số ca bệnh sởi trên thế giới đã tăng khoảng 50% lên 2,3 triệu ca vào năm ngoái. Căn bệnh dễ truyền nhiễm này bùng phát mạnh tại một loạt quốc gia, như Israel, Hy Lạp, Madagascar, Ukraine, Venezuela…
Đáng lo nhất là dịch sởi tại Madagascar, với gần 53.500 trường hợp nhiễm bệnh và 312 người tử vong trong giai đoạn từ đầu tháng 9-2018 đến đầu tháng 2-2019.
Còn tại Philippines, đợt bùng phát sởi mới nhất đã khiến ít nhất 4.302 người mắc bệnh và 70 người tử vong trong tháng 1-2019. Bộ Y tế nước này cho biết tình trạng lưỡng lự tiêm vắc-xin khiến dịch bệnh thêm nghiêm trọng và 66% bệnh nhân chưa từng tiêm vắc-xin sởi.
Trẻ em bị bệnh sởi tại một bệnh viện ở thủ đô Manila - Philippines hôm 7-2 Ảnh: EPA-EFE
Trong khi đó, châu Âu năm ngoái ghi nhận bệnh sởi khiến hơn 82.000 người nhiễm bệnh (mức cao nhất trong 10 năm qua) và 72 người tử vong. Đáng chú ý là có đến 56% bệnh nhân chưa được tiêm chủng hoặc không rõ có tiêm chủng hay không.
Ukraine đang là một điểm nóng về bệnh sởi tại châu lục này. Bộ Y tế Ukraine cho biết hơn 15.000 ca bệnh, 7 trường hợp tử vong vì sởi được ghi nhận từ cuối tháng 12-2018 đến đầu tháng 2-2019 và dịch bệnh này đang ngày một tồi tệ.
Còn tại Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) hôm 11-2 cho biết đã nhận báo cáo về 101 ca bệnh sởi mới tại 10 bang kể từ đầu năm nay. Theo CDC, ước tính 90% người ở gần bệnh nhân sởi sẽ bị lây nhiễm trừ khi được tiêm chủng hoặc có miễn nhiễm tự nhiên. Virus sởi phát tán khi bệnh nhân ho hoặc hắt hơi và có thể sống trong không khí đến 2 giờ.
"Thông điệp quan trọng nhất là phải đi tiêm chủng. Vắc-xin là phương thức duy nhất để phòng chống bệnh sởi" - ông Dragan Jankovic, chuyên gia của WHO, nhận định với trang Bloomberg. Làn sóng chống vắc-xin đang gia tăng ở Mỹ, Úc, châu Âu và thu hút sự chú ý tại một số quốc gia có thu nhập trung bình.
Theo một nghiên cứu của WHO và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc hồi năm ngoái, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lưỡng lự tiêm vắc-xin là nỗi lo về "tác dụng phụ" của một số mũi tiêm ngay cả khi giới khoa học đã bác bỏ sự liên quan giữa tiêm phòng sởi và tự kỷ.
Những nguyên nhân khác là thiếu nhận thức và niềm tin tôn giáo. Ông Howard Zucker, Ủy viên y tế bang New York - Mỹ, chỉ trích phong trào chống vắc-xin đã tạo ra nhiều thông tin sai sự thật và lo ngại mạng internet có thể bị lợi dụng để phát tán chúng.
Theo thống kê của WHO, số trường hợp tử vong vì sởi trên thế giới đã giảm đáng kể trong những năm gần đây (từ 550.100 năm 2000 còn 89.780 năm 2016). Dù vậy, bệnh sởi vẫn phổ biến ở nhiều nước đang phát triển và phần lớn trường hợp tử vong xảy ra tại các quốc gia có thu nhập đầu người thấp và hạ tầng y tế thiếu thốn.
Theo thống kê, tỉ lệ tiêm phòng sởi trong thập kỷ qua vẫn giẫm chân tại chỗ ở mức 85%, thay vì mức gần 95% cần thiết để ngăn bệnh lây lan.